Sóng kích cầu

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) VN-Index thiết lập đỉnh lịch sử trước những kỳ vọng về gói kích thích kinh tế lớn. Cổ phiếu nhiều nhóm ngành tăng giá mạnh, không ít trong số đó đang “ứng trước” các kỳ vọng.
Dòng tiền trên thị trường chứng khoán vẫn mạnh và thanh khoản gần đây tăng cao. Dòng tiền trên thị trường chứng khoán vẫn mạnh và thanh khoản gần đây tăng cao.

Động lực mới

Thị trường chứng khoán trong hơn 1 tuần qua khác hẳn so với vài tuần trước đó. Từ chỗ loay hoay tìm động lực ở dưới ngưỡng kháng cự 1.400 điểm, VN-Index đã bứt tốc và vượt qua vùng đỉnh lịch sử, với thanh khoản bùng nổ trở lại.

Từ đồn đoán cho đến những thông tin được truyền thông chính thức, gói kích thích kinh tế trị giá 800.000 tỷ đồng có khả năng sẽ được thông qua thực sự là một động lực lớn cho thị trường.

VN-Index vượt ngưỡng 1.400 điểm, sau đó vượt luôn vùng đỉnh tháng 7/2021 (1.420 điểm), rồi dao động trên 1.440 điểm, đóng cửa cuối tuần qua tại 1.456,5 điểm.

Dòng tiền thực sự trở lại với thanh khoản khớp lệnh trên HOSE luôn ở mức trên 25.000 tỷ đồng/phiên. Phiên 3/11 xác lập kỷ lục mới với giá trị giao dịch khớp lệnh trên HOSE hơn 41.000 tỷ đồng, gấp đôi mức bình quân dưới 20.000 tỷ đồng/phiên trong 2 tuần giữa tháng 10.

Có nhiều nội dung cần phân tích xoay quanh gói kích cầu như quy mô thực tế khi được thông qua, thời gian và cách thức giải ngân, công cụ nào được sử dụng, nguồn được huy động từ đâu? Đối với các nhóm ngành, ngành nào được hưởng lợi nhiều nhất?... Tuy nhiên, trong ngắn hạn, thị trường đã tìm được một động lực mới, một câu chuyện đủ lớn, đủ hay để tất cả cùng kỳ vọng.

Mùa báo cáo quý III/2021 kỳ lạ

Thời điểm cuối quý cũ, đầu quý mới luôn có nhiều thông tin, từ vĩ mô cho đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp được công bố. Với dòng tiền hưng phấn, mùa thông tin quý III/2021 dần khép lại với không ít niềm vui, bởi thị trường chứng khoán tăng điểm, trái ngược với tình hình kinh tế - xã hội khó khăn vì dịch Covid-19 bùng phát.

Nhịp tăng của VN-Index bắt nguồn từ cuối tháng 9, đầu tháng 10/2021, dù các thông tin vĩ mô nhìn chung rất xấu, nhất là GDP quý III/2021 tăng trưởng âm. Ngay sau khi các thông tin vĩ mô quý III được công bố, thị trường xác lập đáy ngắn hạn với tâm lý “những gì xấu nhất đã qua đi”.

Sau đó, thông tin về tái mở cửa nền kinh tế từ đầu tháng 10 và dịch bệnh dần được kiểm soát giúp thị trường từ từ đi lên. Đây là điểm thú vị đầu tiên và có thể làm ví dụ điển hình cho việc thị trường phản ứng ra sao với các thông tin “có sức nặng” được công bố.

Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý III/2021 và tỷ lệ thay đổi giá cổ phiếu trong 1 tháng vừa qua của một số doanh nghiệp bất động sản.

Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận sau thuế quý III/2021 và tỷ lệ thay đổi giá cổ phiếu

trong 1 tháng vừa qua của một số doanh nghiệp bất động sản.

Điểm đặc biệt tiếp theo đó là bất chấp dịch Covid-19, nhiều doanh nghiệp lớn vẫn báo cáo lợi nhuận tăng trưởng ấn tượng, nổi bật là nhóm ngành thép, chứng khoán, hóa chất, phân bón, logistic… Không ít doanh nghiệp khác chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh, nhưng bức tranh lợi nhuận quý III/2021 của các doanh nghiệp niêm yết sáng hơn nhiều so với các số liệu vĩ mô.

Và cũng từ đây, thị trường xuất hiện một điểm lạ, đó là trong khoảng thời gian ngắn vừa qua, cổ phiếu của các doanh nghiệp báo cáo lợi nhuận kém thường thu hút dòng tiền và có mức tăng giá cao. Dòng tiền chảy mạnh và phần nhiều mang tính “bầy đàn” của nhà đầu tư cá nhân khiến việc này trở thành xu hướng đầu tư mới.

Đơn cử, một trong những nhóm ngành tâm điểm trong thời gian qua là bất động sản, chỉ số giá cổ phiếu tăng đều trong khi đa số doanh nghiệp công bố lợi nhuận quý III/2021 sụt giảm, thậm chí thua lỗ (xem đồ thị).

Diễn biến P/E của VN-Index và nhóm cổ phiếu bất động sản.

Diễn biến P/E của VN-Index và nhóm cổ phiếu bất động sản.

Dòng tiền khỏe vì ứng trước nhiều kỳ vọng

Không cần nói quá nhiều về sức mạnh dòng tiền ở thời điểm hiện tại, mức điểm số và thanh khoản kỷ lục đã cho thấy điều đó. Mặt bằng giá đã được nâng thêm một nấc. Tuy nhiên, sự phân hóa cao đã, đang và có khả năng sẽ tiếp tục diễn ra.

Trong ngắn hạn, thị trường đã tìm được một động lực mới, một câu chuyện đủ lớn, đủ hay để tất cả cùng kỳ vọng.

Dòng tiền rất có trọng điểm và nếu như nhóm ngành nào đó không thu hút được dòng tiền thì dù có triển vọng vẫn có diễn biến giá kém khả quan.

Đơn cử, nhóm cổ phiếu ngân hàng hiện mới chỉ nhích lên từ đáy ngắn hạn, còn cách xa mức đỉnh. Do đó, nhà đầu tư đang ở thế khó trong việc đưa ra quyết định “xuống tiền”, bởi các nhóm ngành hút tiền có giá tăng nhanh và mạnh, cổ phiếu có vẻ đắt, còn các nhóm ngành khác có thể phải chờ đợi lâu mới thu được lợi nhuận.

Trước mắt, nhà đầu tư muốn tìm kiếm cơ hội ngắn hạn sẽ phải rất cân nhắc về việc tham gia vào câu chuyện mà thị trường đang kỳ vọng, hay chờ đợi thông tin rõ ràng, hoặc lựa chọn các nhóm ngành, các mã cổ phiếu có định giá hợp lý hơn.

Hiện tại, dòng tiền chưa đi quá đà hay mức định giá chung chưa trở nên phi lý, nhưng cục bộ thì có những nhóm cổ phiếu nóng, rủi ro cao. Dòng tiền khỏe, đương nhiên lúc nào cũng mang đến sự phấn khởi. Tuy nhiên, thị trường dường như đang tạm ứng trước nhiều kỳ vọng, nhà đầu tư nên tính đến khả năng thực tế trong tương lai có đủ trả cho phần đã tạm ứng hay không.

Bùi Văn Huy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục