Tâm lý thận trọng và thăm dò đã phần nào được cởi trói về cuối phiên sáng giúp dòng tiền tham gia có phần sôi động hơn. Với tâm điểm nhắm tới các cổ phiếu bluechip, đã tạo sức kéo khá tốt giúp VN-Index tăng vọt hơn 10 điểm khi chốt phiên giao dịch sáng đầu tuần.
Tâm lý hưng phấn tiếp tục giúp thị trường nới rộng biên độ tăng khi bước vào phiên giao dịch chiều, chỉ số VN-Index nhanh chóng tiếp cận ngưỡng kháng cự 860 điểm. Mặc dù có chút giằng co tại vùng giá này, nhưng lực cầu khá tốt với tâm điểm là nhóm cổ phiếu bluechip, đã giúp thị trường thử thách thành công.
Đóng cửa, với 251 mã tăng và 116 mã giảm, VN-Index tăng 13,55 điểm (+1,6%) lên 861,16 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 215 triệu đơn vị, giá trị 4.185,21 tỷ đồng, tăng 5,96% về khối lượng và 17,51% về giá trị so với phiên 3/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 20,67 triệu đơn vị, giá trị hơn 849,76 tỷ đồng.
Ngoại trừ cổ phiếu VCB và EIB vẫn duy trì đà giảm nhẹ, còn lại hầu hết các mã dòng bank đều bật tăng khá mạnh như BID +2,6% lên 40.100 đồng/CP, CTG +3,4% lên 23.050 đòng/CP, TCB +2,3% lên 20.250 đồng/CP, STB +5% lên 11.550 đồng/CP, VPB +3,3% lên 22.000 đồng/CP.
Bên cạnh đó, nhiều mã vốn hóa lớn cũng hỗ trợ tốt cho đà tăng của thị trường như VHM +3,9% và kết phiên tại mức giá 80.800 đồng/CP, VNM +2,1% lên 116.500 đồng/CP, VIC +1,3% lên 91.400 đồng/CP, SAB +3,14% lên 180.500 đồng/CP, GAS +3% lên 72.400 đồng/CP…
Ở chiều ngược lại, sau những thông tin tích cực từ cuộc họp ĐHCĐ thường niên 2020 giúp CTD liên tiếp có những phiên khởi sắc, cổ phiếu này đã có dấu hiệu bị bán ra trong phiên cuối tuần trước 3/7 và chính thức quay đầu giảm trong phiên hôm nay. Kết phiên, CTD -2,1% xuống mức 78.200 đồng/CP. Đây cũng là mã có biên độ giảm lớn nhất trong 4 mã giảm của nhóm VN30.
Về thanh khoản, cổ phiếu ngân hàng STB vẫn dẫn đầu với gần 16,3 triệu đơn vị được khớp lệnh. Tiếp theo đó là HQC khớp 11,33 triệu đơn vị nhưng kết phiên cổ phiếu này không giữ được sắc xanh khi quay đầu -1,23% xuống 1.600 đồng/CP.
Trong khi đó, các mã ITA, FLC, DXG, LDG, HAI, ASM vẫn chỉ nhích nhẹ trên mốc tham chiếu với khối lượng khớp một vài triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, lực cầu gia tăng mạnh cũng giúp HNX-Index giao dịch khởi sắc hơn.
Đóng cửa, với 91 mã tăng và 48 mã giảm, HNX-Index giảm 0,06 điểm (-0,05%) về 111,55 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 31,23 triệu đơn vị, giá trị 332,63tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,1 triệu đơn vị, giá trị hơn 38 tỷ đồng.
Cũng như sàn HOSE, dòng bank giao dịch khá tích cực khi SHB đã tìm lại sắc xanh, ACB hỗ trợ tốt cho thị trường khi nới rộng biên độ +2,6% lên 23.600 đồng/CP, NVB +% lên 8.900 đồng/CP.
Không chỉ giao dịch khởi sắc, cặp đôi NVB và ACB cũng dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX với khối lượng khớp lần lượt đạt 3,58 triệu đơn vị và hơn 3,2 triệu đơn vị.
Thêm vào đó, nhiều mã khác trong nhóm HNX30 cũng có tín hiệu tích cực. Bên cạnh PVS +2,5% lên 12.400 đồng/CP, PVB +1,8% lên 16.700 đồng/CP…, các mã như DGC, BVS, MBS, PVI, DP3, DHT, DTD cũng tìm lại mốc tham chiếu.
Trái lại, trong nhóm này chỉ còn 5 mã giảm điểm, trong đó đáng kể cổ phiếu vốn hóa lớn VCG -2,55% xuống 26.700 đồng/CP, VCS -0,64% xuống 62.000 đồng/CP.
Trên UPCoM, đà tăng cũng nới rộng hơn trong phiên chiều.
Đóng cửa, với 98 mã tăng và 68 mã giảm, UPCom-Index tăng 0,22 điểm (+0,39%) lên 56,48 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 12,65 triệu đơn vị, giá trị 161,33 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 4,55 triệu đơn vị, giá trị 84,13 tỷ đồng.
Các mã lớn như ACV, VGI. VEA, BSR, BCM, MML, MCH… đều giao dịch khởi sắc dù biên độ tăng không quá lớn.
Cổ phiếu ngân hàng LPB cũng góp phần tô điểm cho ngành khi kết phiên +4,88% lên mức cao nhất ngày 8.600 đồng/CP và khối lượng giao dịch dẫn đầu thị trường, đạt hơn 4 triệu đơn vị.
Tiếp theo đó, BSR có khối lượng giao dịch 1,83 triệu đơn vị và kết phiên +1,43% lên 7.100 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giao dịch khởi sắc. Trong đó, hợp đồng VN30F2007 đáo hạn ngày 16/7 tăng 3,3% lên 798,3 điểm với 128.165 hợp đồng được chuyển nhượng, cao nhất nhóm, khối lượng mở 23.829 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, chỉ có 6 mã đứng giá và 14 mã giảm, còn lại đều tăng. Trong đó, mã có thanh khoản tốt nhất là CMBB2002 với 99.520 đơn vị được giao dịch, đóng cửa tăng 9,62% lên 570 đồng.