Mặc dù lượng tài khoản mới mở trong tháng 6 tiếp tục tăng cao, cùng mã số nhà đầu tư ngoại được cấp ghi nhận cao nhất trong 6 tháng đầu năm, nhưng giao dịch trong thời gian gần đây có phần kém sôi động hơn. Đặc biệt, tâm lý giao dịch thận trọng và thăm dò dâng cao và theo suốt trong nửa cuối tháng 6.
Trạng thái này cũng duy trì trong những phiên giao dịch đầu tháng 7 khiến thị trường vừa có tuần giao dịch khá ảm đạm. Bên cạnh chỉ số VN-Index biến động hẹp và điều chỉnh, thanh khoản thị trường cũng sụt giảm, những phiên giao dịch 7.000-8.000 tỷ đồng trước đó hầu như không còn xuất hiện.
Theo ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư CTCK Agriseco, đây là giai đoạn trống thông tin khi những bước ngoặt về chính sách kích thích kinh tế cũng không còn dồn dập, cùng với những ước tính ban đầu về thiệt hại từ dịch bệnh đã phản ánh hầu hết sau giai đoạn diễn ra ĐHCĐ các doanh nghiệp.
Dòng tiền vẫn phụ thuộc khá nhiều vào nhà đầu tư F0, sự xuất hiện trở lại của khối ngoại và nhà đầu tư tổ chức đang chưa thực sự mạnh mẽ. Do đó, thị trường có thể tiếp tục duy trì trạng thái như hiện tại, có thể là qua giai đoạn công bố kết quả kinh doanh quý 2, khi các dòng tiền tổ chức bắt đầu có cơ sở để giải ngân trở lại vào thị trường.
Bước vào phiên giao dịch sáng đầu tuần 6/7, tâm lý thận trọng khiến dòng tiền tiếp tục tham gia khá nhúc nhắc, tuy nhiên, hầu hết các bluechip đều giao dịch khởi sắc, vẫn là điểm tựa chính giúp thị trường duy trì đà tăng điểm.
Với lực cầu khá yếu và không có trụ đỡ lớn, chỉ số VN-Index thiếu động lực để bật cao. Sau hơn 20 phút giao dịch đi lên hướng tới mốc 855 điểm, thị trường đã thoái lui và trở về lình xình quanh vùng giá 850 điểm trong bối cảnh diễn biến phân hóa và thăm dò.
Nhóm cổ phiếu thị trường cũng không có điểm sáng khi hầu hết các mã nóng chỉ diễn biến lình xình với giao dịch kém sôi động. Cổ phiếu ITA giao dịch mạnh nhất ở nhóm cổ phiếu này với chỉ hơn 2,7 triệu đơn vị được khớp lệnh sau khoảng 90 phút giao dịch.
Trong khi đó, mã ngân hàng STB hồi phục tích cực sau 2 phiên điều chỉnh cuối tuần trước khi tăng 4,1%, tạm đứng tại mức giá 11.450 đồng/CP và đang là mã dẫn đầu thanh khoản thị trường với khối lượng khớp lệnh vượt trội so với ITA, đạt hơn 8,3 triệu đơn vị.
Thị trường diễn biến lình xình đi ngang trên mốc 850 điểm trong gần hết phiên thì bất ngờ bật tăng mạnh vào cuối phiên, chỉ số VN-Index dựng thẳng đứng với mức tăng hơn 10 điểm nhờ giao dịch khởi sắc của nhóm bluechip.
Chốt phiên sáng, sàn HOSE có 229 mã tăng và 121 mã giảm, VN-Index tăng 10,33 điểm (+1,22%), lên 857,94 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 111,59 triệu đơn vị, giá trị 2.107,49 tỷ đồng, tăng 6,28% về khối lượng và 19,08% về giá trị so với phiên sáng cuối tuần trước ngày 3/7. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 9,34 triệu đơn vị, giá trị 440,18 tỷ đồng.
Nhóm Vn30 chỉ còn 6 mã giảm nhẹ gồm BVH, CTD, EIB, HDB, VCB và VJC, còn lại đều giao dịch trên mốc tham chiếu.
Đáng kể, một số trụ đỡ bật tăng khá cao như VHM bất ngờ vượt qua mốc tham chiếu và tăng vọt 4,6%, tạm đứng tại mức giá cao nhất 81.400 đồng/CP sau thông tin Vinhomes đã phát hành xong 12.000 tỷ đồng trái phiếu.
Bên cạnh đó, SAB tiếp tục có phiên tăng mạnh thứ 3 sau thông tin cổ đông nhà nước sẽ thoái toàn bộ 36% vốn, hiện +2,6% lên 179.500 đồng/CP; VIC, BID, GAS có mức tăng trên 1-2%, CTG +3,36% lên 23.050 đồng/CP…
Đáng chú ý, STB tiếp tục nới rộng biên độ và tiến sát mức giá trần khi +5% lên 11.550 đồng/CP, đây cũng là mã giao dịch sôi động nhất sàn HOSE, đạt gần 12,9 triệu đơn vị.
Các mã thị trường như ROS, ITA, HQC, FLC, DXG, HAI… cũng tạm khoác áo xanh, trong đó, ROS +1,67% lên 3.050 đồng/CP và đứng thứ 2 về thanh khoản, sau STB với 5,27 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Trên sàn HNX, dù mở cửa không mấy tích cực nhưng diễn biến khởi sắc trên sàn HOSE nhanh chóng lan tỏa giúp HNX-Index hồi phục.
Chốt phiên sáng, sàn HNX có 52 mã tăng và 36 mã giảm, HNX-Index tăng 0,91 điểm (+0,82%), lên 112,46 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 15,93 triệu đơn vị, giá trị 169,57 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 714.000 đơn vị, giá trị 22,31 tỷ đồng.
Một số mã bluechip hồi phục hoặc nới rộng biên độ, đã hỗ trợ giúp thị trường tìm lại sắc xanh như ACB +1,74% lên 23.400 đồng/CP, SHS +1,6% lên 12.700 đồng/CP, PVB +2,44% lên 16.800 đồng/CP, PVS, MBS, TNG… cũng tăng nhẹ 100 đồng/CP.
Trong khi đó, DGC đảo chiều giảm nhẹ sau phiên khởi sắc cuối tuần trước khi -0,2% xuống 40.700 đồng/CP, VCG -2,2% xuống 26.800 đồng/CP, VCS, PVI cũng giảm nhẹ.
Điểm sáng là THD có phiên tăng trần thứ 12 liên tiếp kể từ ngày chào sàn. Tạm chốt phiên sáng nay, THD đứng tại mức giá 54.800 đồng/CP, tức tăng hơn 265% so với mức giá tham chiếu ngày chào sàn (15.000 đồng/CP). Tuy nhiên, thanh khoản của THD vẫn cha có dấu hiệu cải thiện khi chỉ khớp lệnh 100 đơn vị và dư mua trần 66.400 đơn vị.
Thanh khoản trên sàn HNX khá thấp với chỉ 3 mã có khối lượng khớp lệnh hơn 1,5 triệu đơn vị gồm ACB (1,7 triệu đơn vị), NVB (1,63 triệu đơn vị), HUT (1,58 triệu đơn vị).
Trên UPCoM, mặc dù nửa cuối phiên thị trường khá rung lắc nhưng UPCoM-Index may mắn dừng chân trên mốc tham chiếu.
Chốt phiên sáng, UpCoM-Index tăng 0,04 điểm (+0,08%), lên 56,3 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 4,63 triệu đơn vị, giá trị hơn 67 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,71 triệu đơn vị, giá trị hơn 64 tỷ đồng.
Cổ phiếu LPB +2,4% và là mã giao dịch sôi động nhất thị trường UPCoM, đạt hơn 1 triệu đơn vị.
Tiếp theo đó, BSR chuyển nhượng thành công gần 0,62 triệu đơn vị và tạm dừng phiên sáng tại mốc tham chiếu 7.000 đồng/CP.