Trong phiên giao dịch chiều, tâm lý hưng phấn tiếp tục tiếp lửa cho thị trường. Nhà đầu tư đã mạnh dạn xuống tiền hơn giúp sắc xanh lan tỏa, đặc biệt là giao dịch khởi sắc của nhóm cổ phiếu bluechip, đã giúp VN-Index nới rộng biên độ với mức tăng gần 15 điểm và dành lại mốc 1.125 điểm.
Đóng cửa, sàn HOSE có 297 mã tăng và 134 mã giảm, VN-Index tăng 14,72 điểm (+1,32%), lên 1.126,91 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 529,8 triệu đơn vị, giá trị 12.414,71 tỷ đồng, tăng 1,22% về khối lượng và đạt xấp xỉ về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 71,1 triệu đơn vị, giá trị gần 2.000 tỷ đồng.
Nhóm Vn30 chỉ còn NVL giảm 1,6% xuống 80.200 đồng/CP và REE đứng giá tham chiếu, còn lại đều giao dịch khởi sắc.
Trong đó, các mã tăng tốt phải kể đến SBT tăng trần, SSI tăng 6,1% lên gần trần 31.500 đồng/CP, STB tăng 4% lên 18.300 đồng/CP, TCB tăng 3,7% lên 36.300 đồng/CP, VIC tăng 2,4% lên 107.500 đồng/CP, BVH tăng 3,3% lên 60.000 đồng/CP, CTG tăng 3,2% lên 35.800 đồng/CP, các mã VCB, VPB, PNJ, PLX, MWG, HPG đều tăng trong khoảng 1-2%...
Cổ phiếu TCH trong nhóm VN30 sau phiên điều chỉnh nhẹ hôm qua cũng đã hồi phục khi kết phiên tăng gần 1% lên 22.550 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh gần 4,13 triệu đơn vị.
Không chỉ SSI bật cao, trong phiên chiều cũng đã ghi nhận sự trở lại của nhóm cổ phiếu ngân hàng khi hàng loạt mã như CTS, BSI, BVS, AGR tăng trần, các mã khác như HCM, IVS, MBS, PSI, SHS, VDS, VND có mức tăng trên 2-3%.
Nếu trong phiên hôm qua, ROS và FIT là tâm điểm của thị trường thì trong phiên hôm nay, ngôi sao tỏa sáng thuộc về FLC. Mặc dù trong phiên, cổ phiếu FLC vẫn biến động rung lắc nhưng lực cầu tăng ồ ạt gia tăng trong nửa cuối phiên chiều đã giúp FLC hồi mạnh và kết phiên ở mức giá trần 6.520 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt, đạt 29,83 triệu đơn vị cùng lượng dư mua trần chất đống, tới hơn 11 triệu đơn vị.
Mới đây, Chủ tịch HĐQT Công ty – ông Trịnh Văn Quyết đã đăng ký mua 15 triệu cổ phiếu FLC, từ ngày 4/2 đến ngày 5/3/2021. Nếu giao dịch thành công, ông Quyết sẽ nâng sở hữu tại FLC lên gần 215,44 triệu cổ phiếu, tỷ lệ 30,34%.
Bên cạnh đó, trong khi kế hoạch đề ra trong năm 2020 là lỗ tới 1.957 tỷ đồng, nhưng Công ty này mới đây đã gây bất ngờ khi báo lợi nhuận quý IV/2020 lên tới hơn 2.500 tỷ đồng, gấp gần 5 lần cùng kỳ năm trước và trên 4 lần so với quý trước, giúp lợi nhuận trước và sau thuế cả năm lần lượt đạt gần 300 tỷ đồng và hơn 180 tỷ đồng.
Trên sàn HNX, ngay khi bước sang phiên chiều, lực cầu gia tăng mạnh kéo HNX-Index tăng vọt, tuy nhiên áp lực bán gia tăng cuối phiên khiến chỉ số này trở lại trạng thái giằng co.
Kết phiên, sàn HNX có 119 mã tăng và 53 mã giảm, HNX-Index tăng 0,16 điểm (+0,07%), lên 223,84 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 109,6 triệu đơn vị, giá trị 2.082 tỷ đồng, tăng 16,2% về lượng và 37% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 10,98 triệu đơn vị, giá trị 50,74 tỷ đồng.
Bên cạnh các cổ phiếu chứng khoán, cặp đôi cổ phiếu ngân hàng cũng giao dịch khởi sắc hơn với SHB tăng 4,55% lên 16.100 đồng/CP và NVB tăng 4,51% lên 13.900 đồng/CP.
Ngoài ra, một số mã lớn khác cũng hồi phục hoặc nới rộng đà tăng như IDC tăng 5,6% lên 41.200 đồng/CP, VIF tăng 2,8% lên 18.100 đồng/CP, VCS tăng 1,8% lên 79.700 đồng/CP…
Trong khi đó, sau 4 phiên tăng liên tiếp, cổ phiếu THD bị bán mạnh và giảm khá sâu, với biên độ giảm 5% xuống mức thấp nhất ngày 160.000 đồng/CP, nhưng thanh khoản tăng vọt với 3,56 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Về thanh khoản, cổ phiếu SHB vẫn dẫn đầu với khối lượng khớp lệnh vượt trội, đạt 29,42 triệu đơn vị; tiếp theo là NVB khớp 8,13 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, giao dịch phiên chiều không nhiều biến động, chỉ số UPCoM-Index đi ngang dưới mốc tham chiếu.
Đóng cửa, UpCoM-Index giảm 0,17 điểm (-0,23%) xuống 73,89 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 80,6 triệu đơn vị, giá trị 869 tỷ đồng. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đạt 18,73 triệu đơn vị, giá trị gần 350 tỷ đồng.
Cổ phiếu nhỏ PVX vẫn dẫn đầu thanh khoản trên UPCoM với khối lượng giao dịch đạt 9,88 triệu đơn vị và kết phiên tăng 4,3% lên 2.400 đồng/CP.
Đứng ở vị trí thứ 2 là cổ phiếu dầu khí BSR khớp 6,67 triệu đơn vị và duy trì mức tăng nhẹ 0,9%, đứng tại mức giá 11.000 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều hồi phục, với VN30F2101 tăng 2,2% lên 1.139,9 điểm, tổng khối khớp lệnh đạt hơn 165.836 đơn vị, khối lượng mở hơn 34.870 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, CHPG2017 dẫn đầu thanh khoản với 943.200 đơn vị khớp lệnh, đóng cửa tăng 5,1% lên 3.300 đồng/cq. Tiếp theo là CVHM2008 khớp 819.700 đơn vị, đóng cửa giảm 4% xuống 2.390 đồng/CQ.