Ông Tuyển chia sẻ góc nhìn, thời gian đầu tháng 1 năm nay, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến cơn hưng phấn với VN-Index đạt đỉnh 1.200 điểm. Giá trị giao dịch bình quân ngày xấp xỉ 1 tỷ USD.
Mỗi tháng có hàng chục nghìn nhà đầu tư mới tham gia thị trường. Hàng loạt mã cổ phiếu chứng kiến những phiên liên tiếp tăng kịch trần. Nền kinh tế thế giới suy giảm nặng nề vì đại dịch Covid-19, nhưng Việt Nam vẫn đạt tăng trưởng dương.
Lượng kiều hối chuyển về nước năm 2020 có bị ảnh hưởng nhưng vẫn đạt xấp xỉ 16 tỷ USD. Một bộ phận người dân có rất nhiều tiền, trong khi lãi suất tiết kiệm liên tục điều chỉnh giảm, dòng tiền đổ vào chứng khoán là dễ hiểu.
Với thị trường chứng khoán Việt Nam, cần lưu ý một điểm, những người mua cổ phiếu doanh nghiệp phần lớn giao dịch trên sàn chứng khoán là mua đi, bán lại.
Doanh nghiệp không phát hành cổ phiếu, trái phiếu thì tiền không đổ vào sản xuất - kinh doanh.
Mua bán trao đổi chứng khoán thì tiền từ túi người này chảy vào túi người khác. Giá cổ phiếu càng đẩy lên cao thì người nắm giữ nếu không bán lại được giá cao hơn thì cứ ôm đấy hoặc nếu giá xuống, bán lỗ thì mất tiền.
Mệnh giá cổ phiếu 10.000 đồng mà giờ nhiều mã giá hơn 100.000 đồng hoặc cao hơn nữa. Khi đẩy được giá lên cao, cổ đông càng mua giá thấp ban đầu càng có lợi.
Nhiều lãnh đạo doanh nghiệp bỗng chốc thành tỷ phú đô-la, không phải doanh nghiệp làm ăn tốt có lãi giúp họ giàu nhanh, mà chính thị trường chứng khoán chắp cánh cho họ.
Trong giai đoạn vừa qua, hàng loạt nhà đầu tư mới “đu sóng” ngay khi thị trường trên đà tăng không ngừng. Nhưng những người có kinh nghiệm lại tránh say sóng.
Có một yếu tố cần lưu ý. Đó là trong những phiên đảo chiều, khi tâm lý hoảng loạn xuất hiện, khối lượng giao dịch vẫn rất lớn. Chẳng hạn, phiên giảm điểm kỷ lục ngày 28/1, thanh khoản vẫn đạt tới hơn 18.000 tỷ đồng. Nhiều người bán tháo hy vọng giá xuống thấp nữa lại mua vào, càng nhiều người có xu hướng như vậy, thị trường càng hoảng sợ. Bán tháo, vẫn có người ôm vào mà người ta vẫn sợ.
Vậy chiến lược đầu tư như thế nào là phù hợp?
Ông Tuyển phân tích, nếu nhà đầu tư mua cổ phiếu có giá 100.000 đồng/cổ phiếu, nhưng kế hoạch cổ tức sắp tới của doanh nghiệp chỉ chia 2.000 đồng thì tương đương lãi suất gửi ngân hàng 2%/năm. Mua cổ phiếu loại này, rõ ràng, nhà đầu tư kỳ vọng kiếm lợi khi giá cổ phiếu tăng.
Nếu thị trường suy giảm mà cần tiền phải bán đi thì nhà đầu tư xác định chịu lỗ. Còn cổ phiếu mua 40.000 đồng mà cổ tức dự kiến 5.000 đồng, thì tương đương lãi suất gửi ngân hàng 12,5%/năm. “Trường hợp này, nếu giá cổ phiếu có xuống 20.000 đồng, cứ ung dung mà hưởng cổ tức như một nhà đầu tư dài hạn”, ông Tuyển nói.
Nhịp điều chỉnh cần thiết để tăng trưởng lành mạnh
Ông Andy Ho,Giám đốc điều hành kiêm Trưởng bộ phận Đầu tư Tập đoàn VinaCapital |
VN-Index đã tăng liên tục trong thời gian vừa qua và tăng thêm 8,7% chỉ trong khoảng 2 tuần đầu năm 2021, đồng thời chạm đỉnh lịch sử 1.200 điểm trước các phiên điều chỉnh vừa qua.
Việc thị trường “rung lắc” cũng là một dấu hiệu để nhà đầu tư xem lại danh mục đầu tư của mình.
Chúng tôi cho rằng đây là nhịp điều chỉnh cần thiết để thị trường tiếp tục tăng trưởng lành mạnh hơn trong thời gian tới và VinaCapital cũng tận dụng nhịp điều chỉnh này để tiến hành mua thêm cổ phiếu của các công ty có nền tảng tốt và tiềm năng tăng trường lợi nhuận cao trên hai chữ số như HPG, KDH, VCB, VHM, PNJ...
VinaCapital vẫn giữ đánh giá lạc quan đối với của nền kinh tế Việt Nam nói chung cũng như tiềm năng tăng trưởng về lợi nhuận của các công ty niêm yết trên HOSE nói riêng (dự kiến tăng 25 - 30%) trong năm 2021.
Bán tháo chốt lời quá đà
Ông Petri Deryng, Giám đốc Quỹ PYN Elite. |
Thị trường chứng khoán Việt Nam đã bắt đầu năm 2021 với tâm lý hưng phấn. Dự báo kết quả lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp trong quý IV/2020 đều ở mức tích cực và các chuyên gia địa phương đều xác nhận, nền kinh tế có thể phát triển tốt trong năm 2021.
Những dự báo cho nền kinh tế Việt Nam là rất tích cực và tăng trưởng GDP có thể đạt tới 8% trong năm nay.
Khối lượng giao dịch hàng ngày tại thị trường chứng khoán Việt Nam cũng tăng cao bất ngờ, nhờ vào các nhà đầu tư cá nhân nội địa.
Tính tới ngày 26/1, chỉ số VN-Index đã tăng 6,3% so với đầu năm, ngay cả khi thị trường chứng kiến một cú sốc vào phiên cuối tuần. Một cơn sóng bán ra mạnh là diễn biến tự nhiên, nhưng lần này, sự điều chỉnh diễn ra trên diện rộng và trong chỉ 1 ngày. Đó là phiên giao dịch bắt đầu bằng việc chỉ số giảm 6%, một số cổ phiếu bluechips thậm chí giảm tới mức tối đa 7%.
Những phiên bán tháo gần đây cảnh báo tâm lý bồn chồn của thị trường. Tuy nhiên, đa phần các chuyên gia cùng chung quan điểm rằng tính tới cuối năm 2021, chỉ số VN-Index có thể ở trên mức 1.166 điểm.
PYN Elite tin rằng, giá trị thị trường hiện tại, cùng triển vọng tăng trưởng lợi nhuận 2021 và trong vài năm tới sẽ đưa chỉ số tăng lên cao hơn mức mà các công ty chứng khoán Việt Nam đang đặt mục tiêu, khi tâm lý thị trường ổn định hơn, nhà đầu tư nước ngoài quay trở lại thị trường để tận hưởng triển vọng tăng trưởng tích cực tại Việt Nam.
Sau phiên giảm mạnh hôm 28/1, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cho rằng, lý do giảm là sự tổng hòa của nhiều yếu tố. Trong đó, thị trường đã chịu áp lực điều chỉnh khá mạnh trong những phiên gần đây, sau một thời gian tăng điểm dài và mạnh, nhất là khi VN-Index tiếp cận vùng đỉnh lịch sử quanh 1.200 điểm. Trên thế giới, các thị trường tài chính quốc tế cũng chung diễn biến tiêu cực. Tuy nhiên, một lý do khác là thông tin về số ca lây nhiễm Covid-19 trong cộng đồng xuất hiện tại Quảng Ninh, Hải Dương đã tác động mạnh tới tâm lý của nhà đầu tư. Một số tin đồn không chính xác về diễn biến dịch khiến tâm lý nhà đầu tư, nhất là những người chưa trải qua các đợt điều chỉnh mạnh của thị trường thêm phần hoang mang và bán ra bằng mọi giá.
Nhận định về xu hướng, lãnh đạo Ủy ban cho rằng, trong ngắn hạn, thị trường có thể vẫn còn chịu áp lực giảm điểm, bởi diễn biến phức tạp của dịch Covid-19 sẽ ít nhiều ảnh hưởng tới hoạt động giao thương, sản xuất - kinh doanh và tâm lý thận trọng vì thế vẫn còn. Tuy nhiên, các yếu tố nền tảng của thị trường Việt Nam hiện nay đã khác so với giai đoạn dịch mới bắt đầu bùng phát cuối quý I/2020. Bởi vậy, tâm lý nhà đầu tư sẽ bình ổn, thị trường sẽ sớm tìm lại điểm cân bằng trong ngắn hạn và phục hồi.
Cơ quan quản lý cũng cho biết đã yêu cầu tổ chức giám sát thị trường, giám sát tin đồn 24/7, kịp thời phát hiện, phân tích và xử lý các hiện tượng giao dịch, thông tin bất thường có thể dẫn tới hành vi thao túng, nội gián, gây tâm lý bất an...
Theo khảo sát của Đầu tư Chứng khoán, từ phiên giao dịch sáng 29/1, nhiều công ty chứng khoán đã kích hoạt chế độ làm việc chia đội. Một nửa làm việc tại trụ sở, chi nhánh, phòng giao dịch, một nửa làm việc từ xa. “Đợt dịch này có diễn biến phức tạp nên công ty chia đội như vậy để phòng ngừa chẳng may trụ sở, phòng giao dịch có dính dáng đến dịch bị cách ly, phong tỏa thì vẫn có hệ thống và nhân sự dự bị đảm bảo giao dịch thông suốt”, lãnh đạo một công ty chứng khoán lớn cho biết.