Giao dịch chứng khoán chiều 4/4: Thị trường hạ nhiệt, nhóm chứng khoán nở rộ sắc tím

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Áp lực bán gia tăng ở nhóm cổ phiếu ngân hàng khiến thị trường hạ nhiệt, chỉ số VN-Index thu hẹp đà tăng điểm về mức thấp nhất của phiên chiều. Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu chứng khoán vẫn duy trì sức nóng với hàng loạt mã đua trần.
Giao dịch chứng khoán chiều 4/4: Thị trường hạ nhiệt, nhóm chứng khoán nở rộ sắc tím

Sau những tín hiệu tích cực từ phiên cuối tuần trước ngày 1/4 cùng sự trở lại của nhóm cổ phiếu bluechip đã tiếp sức cho thị trường tiếp tục bật cao trong phiên sáng đầu tuần ngày 4/4. Chỉ số VN-Index đã có những thời điểm vượt đỉnh lịch sử mọi thời đại và thử thách mốc 1.530 điểm khi có thêm sự góp mặt của nhóm cổ phiếu chứng khoán.

Bước sang phiên giao dịch chiều, mặc dù sóng cổ phiếu chứng khoán tiếp tục dâng cao khi hàng loạt mã đua nhau tăng trần, nhưng sự đuối sức của nhóm cổ phiếu bluechip nói chung cùng nhiều mã vừa và nhỏ quay đầu điều chỉnh, đã khiến VN-Index lình xình dưới vùng đỉnh cũ (đỉnh cũ được thiết lập ngày 6/1 tại mốc 1.528,57 điểm).

Đặc biệt, áp lực bán có dấu hiệu gia tăng trong đợt khớp lệnh ATC khiến VN-Index tiếp tục thu hẹp đà tăng và đóng cửa tại vùng giá thấp nhất của phiên chiều.

Nhóm cổ phiếu lớn những phiên vừa qua là động lực thúc đẩy tăng trưởng của thị trường thì hôm nay đã gặp lực cản lớn. Trên đồ thị kỹ thuật, VN30-Index chạm đến ngưỡng cản ở khu vực 1.560 điểm đã nhanh chóng bị dội trở lại. Đây là đỉnh của chỉ số này vào các tháng 1 và 2/2022, nếu vượt qua được, nhóm 30 cổ phiếu lớn nhất HOSE sẽ mở ra cơ hội chinh phục đỉnh lịch sử 1.575 điểm của mình. Tuy nhiên, sự hưng phấn quá mức của nhóm VN30 tiếp nối phiên cuối tuần trước đã khiến cho nến của chỉ số này hôm nay vượt hoàn toàn ra khỏi dải Bollinger Bands, báo hiệu khả năng tăng chậm hoặc đi ngang tích lũy trong một vài phiên tới trước khi có cú tăng tốc tốt hơn.

Về chỉ số chung, mặc dù có chút hạ độ cao về cuối phiên nhưng VN-Index vẫn dao động quanh vùng đỉnh 1.528 điểm (+/-5%). Điều này hết sức bình thường và dự báo thị trường vẫn sẽ giữ xu hướng rung lắc nhẹ quanh ngưỡng giá này trong 1-2 phiên giao dịch nữa trước khi bứt phá vượt đỉnh vào cuối tuần này, thậm chí VN-Index có thể hướng lên vùng đỉnh 1.600 điểm trong tháng 4 này.

Chốt phiên, sàn HOSE có có 254 mã tăng và 187 mã giảm, VN-Index tăng 8,26 điểm (+0,54%), lên 1.524,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 780 triệu đơn vị, giá trị hơn 26.751 tỷ đồng, giảm 19,4% về khối lượng nhưng nhích nhẹ về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 1/4. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 86 triệu đơn vị, giá trị 1.926,54 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu bluechip giảm nhiệt là nhân tố chính khiến thị trường đuối sức cuối phiên. Trong đó, đáng kể là số mã giảm gia tăng khi ghi nhận 10 mã, với sự góp mặt chủ yếu của các cổ phiếu ngân hàng.

Trái lại, ở chiều tăng, cổ phiếu đại diện nhóm bất động sản khu công nghiệp là GVR tiếp tục là mã tăng tốt nhất khi đóng cửa đứng tại mức giá cao nhất trong ngày 36.500 đồng/CP, tăng 5,64%. Đồng thời, thanh khoản của GVR cũng tăng vọt, gấp hơn 4-5 lần so với thanh khoản trong thời gian gần đây, đạt 6,23 triệu đơn vị.

Ngoài GVR, các mã khác trong dòng bất động sản khu công nghiệp cũng đồng loạt khởi sắc như LHG tăng 4,53% lên 60.000 đồng/CP, KBC tăng 2,42% lên 55.000 đồng/CP, ITA tăng 1,8% lên 17.000 đồng/CP, SZC tăng 1,7% lên 77.900 đồng/CP…

Tuy nhiên, điểm sáng trong phiên hôm nay vẫn thuộc về nhóm cổ phiếu chứng khoán. Trong khi thị trường yếu đi trong phiên chiều, thì các cổ phiếu chứng khoán vẫn đua nhau tăng tốc.

Cụ thể, các mã AGR, CTS, FTS, VND đều kết phiên tăng kịch trần, các mã khác cùng đều tăng mạnh như HCM, APG, BSI, TVS đều tăng trên dưới 4%, VIX tăng 61%, cổ phiếu lớn đầu ngành là SSI tăng 4,9% lên vùng giá cao nhất trong ngày 49.000 đồng/CP cùng thanh khoản tăng vọt, đạt hơn 14,81 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trong khi đó, như đã nói ở trên, nhóm cổ phiếu ngân hàng không mấy khả quan khi chịu sức ép bán ra sau những phiên khởi sắc cuối tuần trước. Điển hình như VPB chỉ còn tăng 1%, đứng ở vùng giá thấp nhất trong ngày 39.000 đồng/CP và khớp 24,5 triệu đơn vị; các mã SSB, ACB, MSB, OCB nhích nhẹ, còn lại đều giao dịch trong sắc đỏ, với TCB, SHB, HDB, EIB giảm hơn 1%; VCB, BID, CTG, MBB, VIB, LPB giảm trên dưới 0,5%.

Đáng kể là nhóm cổ phiếu phân bón bị xả bán mạnh, kết phiên DPM và BFC cùng trong trạng thái dư bán sàn, DCM giảm gần 5%...

Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, họ FLC vẫn giữ sức nóng. Các mã ROS, FLC, HAI, AMD đều đóng cửa tại mức giá trần với khối lượng dư mua trần lớn, trong đó ROS dư mua trần gần 4,4 triệu đơn vị, còn FLC dư mua trần tới 10,61 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, mặc dù có chút hạ nhiệt nhưng HNX-Index vẫn tăng khá tốt.

Đóng cửa, sàn HNX có 161 mã tăng và 92 mã giảm, HNX-Index tăng 4,59 điểm (+1,01%) lên 458,69 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 84 triệu đơn vị, giá trị 2.675 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 5,24 triệu đơn vị, giá trị hơn 180 tỷ đồng.

Các cổ phiếu chứng khoán trên HNX cũng tỏa sáng hơn trong phiên chiều với sự góp mặt của HBS và ART tăng trần, các mã khác cũng tăng mạnh như MBS tăng 7,14%, PSI tăng 3,82%, VIG tăng 4,41%, SHS tăng 4,84%, BVS, APG, APS đều tăng hơn 4%... Trong đó, SHS vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường khi khớp gần 7,86 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, nhiều mã khác trong nhóm HNX30 giữ đà tăng tốt cũng hỗ trợ thị trường như HUT, IDV, DTD…

Trái lại, bộ đôi cổ phiếu trong nhóm bất động sản có mức giảm sâu nhất trong rổ HNX30 là L14 và CEO khi có màn quay đầu xe sau gần suốt thời gian giao dịch tăng khá tốt. Kết phiên, L14 giảm 1,7% xuống mức giá thấp nhất trong ngày 341.000 đồng/CP và CEO cũng để mất 2,84% và đứng tại mức giá thấp nhất ngày 65.000 đồng/CP.

Cặp đôi nhà FLC là KLF và ART vẫn trong trạng thái dư mua trần khá lớn cùng thanh khoản sôi động vài triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường duy trì đà tăng trong suốt cả phiên chiều.

Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,48 điểm (+0,41%), lên 117,67 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 72 triệu đơn vị, giá trị 1.667,7 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,62 triệu đơn vị, giá trị 37,38 tỷ đồng.

Đà tăng của thị trường được tiếp sức bởi các cổ phiếu lớn như BSR tăng 1,16%, VGI tăng 5,26%, VTP tăng gần 4%...

Trong nhóm chứng khoán, bên cạnh AAS tiếp tục giữ sắc tím, các mã khác cũng khởi sắc như SBS tăng 4,9% lên 15.000 đồng/CP, TCI tăng 5,1% lên 18.200 đồng/CP…

Tuy nhiên, cổ phiếu dược phẩm DVN vẫn là mã có thanh khoản vượt trội, đạt hơn 10,93 triệu đơn vị và đóng cửa tăng 3,21% lên 22.500 đồng/CP.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục