Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Mức độ tích cực của thị trường sẽ tăng lên

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Mặc dù chưa thể khẳng định dòng tiền chuyển hướng sang nhóm cổ phiếu bluechip nhưng các chuyên gia chứng khoán đều nhận định mức độ tích cực của thị trường sẽ tăng dần khi mùa báo cáo quý I/2022 sắp công bố.
Góc nhìn chuyên gia chứng khoán tuần mới: Mức độ tích cực của thị trường sẽ tăng lên

Thị trường đã có phiên kết tuần hưng phấn, tăng thuyết phục cả về điểm số lẫn thanh khoản, vượt ngưỡng cản tâm lí 1.500 điểm, đồng thời phá luôn ngưỡng kháng cự ngắn hạn ở vùng 1.511 điểm và bước vào một vùng kháng cự còn mạnh hơn là 1.520-1.533 điểm, đây là vùng điểm lịch sử mọi thời đại của chỉ số. Yếu tố nào giúp thị trường “bật” tăng trở lại ở phiên này? Đâu là góc nhìn của ông/bà về tuần giao dịch trong tuần tới?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Có lẽ nhóm cổ phiếu VN30 đã từ lâu lắm mới lại đóng vai trò dẫn dắt thị trường - luôn có nhóm cổ phiếu chủ chốt giữ nhịp tăng hoặc kìm hãm đà giảm của chỉ số.

Tuần giao dịch tới, khả năng thị trường vẫn duy trì sự hồi phục - nhóm VN30 và một số cổ phiếu cơ bản tài chính- xây dựng - dệt may - dầu khí sẽ thu hút dòng tiền, giao dịch tích cực giúp thị trường diễn biến khởi sắc.

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, thị trường có thể sẽ duy trì đà tăng trong tuần giao dịch tới và chỉ số VN-Index có thể sẽ kiểm định lại ngưỡng kháng cự 1.535 điểm.

Yếu tố hỗ trợ cho đà tăng của thị trường chủ yếu là vĩ mô tích cực, căng thẳng Nga và Ukraine có dấu hiệu hạ nhiệt, các doanh nghiệp bước vào mùa ĐHCĐ và dòng tiền có xu hướng dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Sự hưng phấn của thị trường ở phiên cuối tuần nhờ được cởi mở nút thắt tâm lý nhà đầu tư đã bị dìm nén nhiều phiên liên tiếp. Sự giải cứu từ họ cổ phiếu FLC dù xuất phát từ lý do gì cũng khiến một phần dòng tiền thị trường có lối thoát và nhà đầu tư có nhiều sự lựa chọn hơn.

Dễ nhận thấy dòng tiền đang chuyển hướng dần sang nhóm bluechip mà nhờ đó thị trường dễ tăng tốc nhanh hơn khi nhiều cổ phiếu blue chip bật dậy sau thời gian dài nằm yên. Sau một phiên bộc phát, thị trường sẽ có vài nhịp chậm lại và phân phối, tuy nhiên mức độ tích cực sẽ tăng dần khi mùa báo cáo quý 1 sắp công bố.

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Ông Nguyễn Hồng Khanh

Thị trường đã có phiên mở màn tháng 4 “rực rỡ”. Đây cũng là giai đoạn cao điểm của mùa đại hội cổ đông doanh nghiệp niêm yết, dòng tiền đang có xu hướng tham gia vào các cổ phiếu đặt kế hoạch tăng trưởng doanh thu cũng như lợi nhuận khả quan trong năm nay, kết hợp với yếu tố kết quả kinh doanh quý I ước tính tăng tốt so với cùng kỳ. Ông/bà có thể gợi ý nhóm ngành, doanh nghiệp cụ thể không?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Số liệu kết quả kinh doanh đang cho thấy nhóm cổ phiếu bảo hiểm, thuỷ sản, dệt may, dầu khí, tài chính, hoá chất, cảng biển với các cổ phiếu đáng chú ý: GMD, TCM, TNG, BVH, PVI, FMC, ANV, CSV...

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Tôi cho rằng, các nhà đầu tư có thể chú ý đến nhóm chứng khoán khi thanh khoản dự báo sẽ gia tăng tích cực trở lại và vẫn duy trì mặt bằng margin cao.

Đồng thời, việc đứt gãy chuỗi cung ứng, cùng với nhu cầu nội địa hồi phục có thể giúp nhóm Hóa chất tiếp tục duy trì đà tăng trưởng trong ngắn và trung hạn.

Ngoài ra, kinh tế hồi phục cùng với các gói kích thích tiêu dùng sẽ giúp nhóm Bán lẻ hồi phục trong năm 2022.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Các nhóm ngành dự báo hồi phục quý 1 năm nay nổi bật nhất sẽ đến từ những ngành hưởng lợi từ giá nguyên vật liệu tăng giá từ đầu năm như ngành phân bón, hóa chất, thép.

Ngoài ra, những ngành như dệt may, bán lẻ, cao su và đặc biệt ngân hàng sẽ đóng vai trò quan trọng dẫn sóng trong thời gian tới. Nhóm ngân hàng với nhiều cổ phiếu dự báo đạt kết quả kinh doanh tốt năm nay nhưng giá chưa thể hiện nhiều sẽ là nhân tố nổi bật trong thời gian tới như MBB, VPB, VIB, OCB, BID…

Cũng liên quan đến chuyển động dòng tiền, giai đoạn gần đây, một số ngành hưởng lợi như Cảng biển, Phân bón, hóa chất, Thép, Dầu khí, Thủy sản... Song, nhiều cổ phiếu đã tăng giá khá mạnh, kể cả những doanh nghiệp không được hưởng lợi nhiều. Yếu tố này khá tương đồng với sóng bất động sản trước đây. Còn cơ hội để nhà đầu tư ăn theo nhóm ngành hưởng lợi từ biến động giá hàng hoá?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Ông Lê Đức Khánh

Ông Lê Đức Khánh

Vẫn có những cổ phiếu giá hấp dẫn so với mức định giá hợp lý. Vẫn có cơ hội ở một số cổ phiếu điển hình như GMD, PVI, TCM, PVS, ANV...

Tôi cho rằng, việc giá hàng hóa tăng mạnh có thể sẽ là dấu hiệu tiêu cực cho các nhóm ngành sản xuất do biên lợi nhuận gộp có thể bị ảnh hưởng tiêu cực. Tuy nhiên, thị trường nội địa đang hồi phục, cùng với đó các yếu tố tác động vẫn mang tính ngắn hạn cho nên tôi cho rằng các nhóm ngành này sẽ hưởng lợi chính từ đà hồi phục của nền kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Ngoài ra, tôi thận trọng ở nhóm dịch vụ dầu khí vì nhóm này chưa thật sự hưởng lợi từ đà tăng của giá dầu, trong khi đó mảng kinh doanh cốt lõi vẫn đang gặp khó khăn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Những cổ phiếu được hưởng lợi thật sự từ sự biến động giá hàng hóa sẽ thể hiện qua kết quả kinh doanh quý 1 năm nay và có thể kéo dài đến các quý sau. Dù một số cổ phiếu đã tăng khá nhiều nhưng xu hướng tăng trưởng của cổ phiếu sẽ còn duy trì ít nhất kéo dài đến quý 2 năm nay.

Một số nhóm ngành có sự biến động mạnh về giá nguyên liệu toàn cầu như dầu khí, thép thì mức độ ảnh hưởng đến giá cổ phiếu sẽ khó lường hơn. Với những cổ phiếu ăn theo sóng mà thật sự không hưởng lợi nhiều thì giá cổ phiếu sẽ nhanh chóng trở lại vị trí ban đầu.

Với diễn biến của thị trường như hiện tại, nhà đầu tư nên chọn phương án đầu tư như thế nào để tối ưu được lợi nhuận?

Ông Lê Đức Khánh, Giám đốc Phát triển năng lực đầu tư, Công ty Chứng khoán VPS

Giai đoạn khó khăn nhất của thị trường đã phần nào giảm bớt - chiến lược nắm giữ cổ phiếu với tầm nhìn dài được ưu tiên đầu tiên - có những cơ hội giao dịch ngắn hạn dành cho các nhóm người ưa thích đầu cơ lướt sóng cổ phiếu...

Ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, CTCK Yuanta Việt Nam

Ông Nguyễn Thế Minh

Ông Nguyễn Thế Minh

Tôi cho rằng, các nhà đầu tư nên gia tăng dần tỷ trọng cổ phiếu cao trong danh mục, đặc biệt các nhà đầu tư ngắn hạn nên cơ cấu lại danh mục nhóm cổ phiếu vốn hóa nhỏ (giảm các cổ phiếu có yếu tố đầu cơ trong giai đoạn này) và gia tăng nắm giữ nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.

Ông Nguyễn Hồng Khanh, Trưởng phòng Phân tích, Công ty Chứng khoán Quốc tế Việt Nam (VIS)

Thị trường hiện tại về ngắn hạn vẫn còn nhiều đợt biến động trước khi có thể bức phá xa hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, với các đợt sóng ngắn liên tục như hiện tại là cơ hội khá tốt cho nhà các nhà đầu tư giao dịch lướt sóng ngắn.

Tuy nhiên, nhà đầu tư cũng lưu ý các nhóm cổ phiếu đầu cơ mà các đợt tranh mua đẩy giá sẽ mang lại rủi ro cao. Dòng tiền sẽ hướng dần đến nhóm cổ phiếu cơ bản tăng trưởng và an toàn cao hơn trong thời gian tới vì vậy nhà đầu tư cũng nên ưu tiên hướng mục tiêu vào nhóm này nhiều hơn.

Hoàng Anh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục