Giao dịch phân hóa mạnh khiến thị trường chỉ biến động lình xình trên ngưỡng 1.420 điểm trong suốt cả phiên sáng. Trong đó, các nhóm cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, dầu khí vẫn là điểm tựa chính giúp thị trường duy trì đà tăng điểm.
Theo thông tin chính thức vừa được công bố, Chủ tịch UBCK đã có công văn gửi Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) thông báo chấp thuận kiến nghị của HOSE về việc đưa giải pháp xử lý sự cố hệ thống giao dịch tại HOSE sử dụng phần mềm của HNX do FPT cung cấp vào vận hành chính thức từ 5/7/2021.
HOSE chính thức áp dụng hệ thống giao dịch mới từ 5/7
Những tưởng thông tin tích cực này sẽ giúp thị trường khởi sắc hơn, nhưng tâm lý chốt lời để bảo vệ thành quả trong phiên giao dịch cuối tuần gia tăng mạnh ngay khi mở cửa phiên chiều khiến VN-Index dần hạ độ cao và đảo chiều giảm sau khoảng 40 phút giao dịch.
Sắc đỏ chỉ kịp le lói và nhanh chóng biến mất nhờ lực cầu gia tăng mạnh. Mặc dù trong gần suốt thời gian còn lại, chỉ số VN-Index chỉ biến động dưới vùng giá 1.420 điểm, thậm chí có thời điểm lại bị đạp về sát mốc tham chiếu, nhưng sự hỗ trợ tích cực của nhóm cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường lấy lại ngưỡng kháng cự trên.
Ngược lại các phiên tuần trước và đầu tuần này, thanh khoản phiên hôm nay đã cải thiện tích cực, nhưng điều đó chưa tạo được sự hứng khởi.
Theo nguyên tắc khối lượng cần tăng giảm với tỷ lệ tương xứng biến động của chỉ số, nếu các phiên tuần trước chỉ số tăng và thanh khoản giảm gây lo ngại thì phiên 2 phiên hôm nay, thanh khoản tăng đều đặn nhưng mức tăng của chỉ số lại không theo tương xứng. Đặc biệt tình trạng "xanh vỏ đỏ lỏng" với số mã giảm áp đảo số mã tăng cho thấy giá trị giao dịch tăng phản ánh bên bán chốt lời mạnh dần lên chứ không phải lực cầu cải thiện.
Một chi tiết đáng chi tiết cần quan tâm đó là khối lượng giao dịch của nhóm VN30 chiếm tỷ trọng rất lớn với hơn 50% giá trị giao dịch toàn thị trường trong 2 phiên liên tiếp. Điều này cho thấy, nếu loại trừ nhóm VN30 thì thanh khoản thị trường trong phiên hôm qua và hôm nay gần như không tăng trưởng. Diễn biến sôi động tập trung chủ yếu vào nhóm các cổ phiếu vốn hóa lớn tạo ra rủi ro điều chỉnh toàn thị trường khi nhóm này "có vấn đề".
VN30 đang giao dịch ở cận trên của dải Bolinger Band, và chỉ báo kỹ thuật cho thấy vẫn trong tình trạng "quá mua".
Chốt phiên, sàn HOSE 169 mã tăng và 212 mã giảm, VN-Index tăng 3,19 điểm (+0,23%), lên 1.420,27 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 706,83 triệu đơn vị, giá trị 26.040,82 tỷ đồng, giảm 6,2% về khối lượng và đạt xấp xỉ về giá trị so với phiên hôm qua.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp 53,22 triệu đơn vị, giá trị 3.276,23 tỷ đồng, trong đó, riêng NVL thỏa thuận hơn 15,9 triệu đơn vị, giá trị gần 1.908,8 tỷ đồng; EIB thỏa thuận 12,12 triệu đơn vị, giá trị 362,49 tỷ đồng
Nhóm VN30 phân hóa với 13 mã tăng và 15 mã giảm, trong đó sắc xanh chủ yếu tập trung vào các mã ngân hàng.
Đáng chú ý, VPB sau thông tin sẽ chia cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ lên tới 80% đã tiếp tục tăng vọt trong phiên giao dịch hôm nay và là mã ngân hàng tăng tốt nhất trong nhóm VN30. Kết phiên, VPB tăng 2,4% lên mức 72.100 đồng/CP cùng thanh khoản duy trì ở mức cao, đạt xấp xỉ 31,9 triệu đơn vị được khớp lệnh.
Bên cạnh đó, các mã ngân hàng khác như TCB, STB, HDB, TPB, VIB cũng tăng tốt trong khoảng 1-2%. Trong đó, STB là mã dẫn đầu thanh khoản toàn thị trường, đạt 41,48 triệu đơn vị.
Cổ phiếu EIB cũng có phiên giao dịch đột biến. Ngoài giao dịch thỏa thuận khủng trên, hôm nay, EIB đã kết phiên tăng 2,1% lên mức 31.350 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh tăng vọt, lên tới gần 1,87 triệu đơn vị, trong khi khối lượng khớp lệnh trung bình 10 phiên gần đây chỉ đạt hơn 0,4 triệu đơn vị/phiên.
Trong khi hầu hết các mã bank đều khởi sắc thì cặp đôi lớn BID và VCB vẫn chưa thoát khỏi sắc đỏ, trong đó VCB giảm 1,3% xuống mức 114.900 đồng/CP.
Các mã bluechip khác cũng ghi nhận phiên giao dịch tích cực như FPT tăng 3,4% lên mức 91.900 đồng/CP, GAS tăng 2,5% lên 96.600 đồng/CP, MWG tăng 3,8% lên 156.800 đồng/CP, VHM và BVH đều tăng nhẹ.
Ở nhóm chứng khoán, cặp đôi lớn HCM và SSI đi lùi và may mắn giữ được sắc xanh nhạt; trong khi đó các mã khác vẫn tăng tốt.
Cụ thể như AGR tiếp tục có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp và kết phiên tại mức giá 15.750 đồng/CP với lượng dư mua trần 368.000 đơn vị; VCI cũng giữ vững sắc tím với lượng dư mua trần 59.000 đơn vị; CTS tăng 4,4% lên 25.900 đồng/CP, VDS tăng 6,7% lên sát mức giá trần 28.500 đồng/CP, FTS tăng 5,8% lên 41.700 đồng/CP…
Ở nhóm cổ phiếu thị trường, VOS ghi nhận phiên đảo chiều ngoạn mục và đóng cửa tại mức giá trần 7.390 đồng/CP sau 3 phiên giảm sàn liên tiếp. Thanh khoản của VOS cũng tăng vọt với gần 9,76 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần hơn 0,54 triệu đơn vị.
Trong khi đó, AAA, FLC, ROS, HNG, TTF, DLG… giao dịch trong sắc đỏ.
Trên sàn HNX, nhận tín hiệu điều chỉnh trên sàn HOSE, chỉ số HNX-Index cũng dần hạ độ cao, tuy nhiên lực cầu mạnh với sự dẫn dắt của các cổ phiếu bluechip đã giúp thị trường khởi sắc trở lại.
Đóng cửa, sàn HNX có 73 mã tăng và 118 mã giảm, HNX-Index tăng 2,29 điểm (+0,7%), lên 328,01 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 139,52 triệu đơn vị, giá trị 3.351,94 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 8,2 triệu đơn vị, giá trị hơn 210 tỷ đồng.
Trong khi BAB tiếp tục chịu sức ép và quay đầu điều chỉnh thì cặp đôi SHB và NVB là điểm sáng trên sàn HNX. Kết phiên, SHB tăng 2,1% lên mức 29.000 đồng/CP và khớp gần 29,5 triệu đơn vị; đặc biệt NVB tăng mạnh 6,7% lên mức 20.700 đồng/CP cùng thanh khoản sôi động, đạt gần 21 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, dòng chứng khoán trên sàn HNX cũng đua nhau khoe sắc với VND tăng 4,3% lên 48.400 đồng/CP, MBS tăng 3,5% lên 35.700 đồng/CP, BSI tăng 4,5% lên 25.800 đồng/CP, EVS tăng 5,7% lên 35.100 đồng/CP, IVS tăng 8,8% lên 11.100 đồng/CP, PSI và WSS đều tăng trần…
Trái lại, cổ phiếu dầu khí có phần hạ nhiệt, thậm chí đảo chiều điều chỉnh như PVS giảm 0,7% xuống mức 28.100 đồng/CP.
Trên UPCoM, sau nhịp điều chỉnh giữa phiên thị trường cũng đã đảo chiều hồi phục thành công.
Chốt phiên, UpCoM-Index tăng 0,2 điểm (+0,22%), lên 90,64 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 101,33 triệu đơn vị, giá trị hơn 1.411 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 32,55 triệu đơn vị, giá trị 418,13 tỷ đồng.
Cổ phiếu chứng khoán trên UPCoM cũng là điểm sáng với ORS tăng 6,3% và kết phiên tại mức giá 27.000 đồng/CP, SBS tăng 2,4% lên 16.800 đồng/CP, AAS tăng 1,2% lên 17.000 đồng/CP, TCI tăng 5,6% lên 17.100 đồng/CP…
Bên cạnh đó, BSR vẫn là mã giao dịch sôi động nhất thị trường UPCoM với 12,62 triệu đơn vị được giao dịch thành công và kết phiên tăng 2% lên mức 20.900 đồng/CP.
Cổ phiếu lớn VGT cũng có phiên giao dịch khởi sắc cùng thanh khoản tăng vọt. Kết phiên, VGT tăng 4,2% lên mức 20.000 đồng/CP và khớp lệnh hơn 7,66 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều tăng, với VN30F2107 đáo hạn gần nhất tăng 7,1 điểm (+0,5%), lên 1.556,1 điểm, khớp lệnh đạt hơn 181.400 đơn vị, khối lượng mở 29.510 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, CVHM2102 dẫn đầu thanh khoản với khối lượng khớp lệnh 156.900 đơn vị và kết phiên tăng 2,8% lên mức 2.950 đồng/CQ; tiếp theo là CVRE2102 khớp 140.380 đơn vị và kết phiên giảm 4,5% xuống 420 đồng/CQ.