Giao dịch chứng khoán chiều 19/10: Dòng tiền mất hút, VN-Index thoát phiên giảm sâu nhờ nhóm đại gia

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Tưởng chừng thị trường sẽ có phiên giảm sâu trả lại hết những gì đã có trong phiên trước đó khi dòng tiền gần như án binh bất động, nhưng nhờ nhận được hậu thuẫn từ nhóm đại gia như VCB, VIC, CTG, BID, FPT, VNM, giúp VN-Index thu hẹp đáng kể đà giảm.
Giao dịch chứng khoán chiều 19/10: Dòng tiền mất hút, VN-Index thoát phiên giảm sâu nhờ nhóm đại gia

Trong phiên sáng, sau hơn nửa phiên giằng co nhẹ quanh tham chiếu, VN-Index nới đà giảm xuống thử thách ngưỡng 1.055 điểm khi lực bán vừa chớm gia tăng. Tuy nhiên, lệnh bán tháo không diễn ra nên đà giảm của thị trường được chặn lại, chốt 1.055 điểm vẫn được giữ vững.

Bước vào phiên chiều, diễn biến thị trường vẫn diễn ra chậm khi dòng tiền gần như mất hút. Lực cầu yếu nên khi lực bán vừa nhích nhẹ đã tạo ra các đợt rung lắc mạnh cho VN-Index. Chỉ số này có lúc bị đẩy xuống gần ngưỡng 1.050 điểm, trả lại gần hết số điểm có được trong phiên trước đó. Tưởng chừng VN-Index sẽ về thử thách vùng hỗ trợ 1.045 - 1.050 điểm, nhưng nhờ sự hậu thuẫn của một số mã lớn là VCB, VIC, CTG, BID, VNM, FPT, VIB, SAB, BVH nên VN-Index đã quay đầu trở lại, đóng cửa trên 1.060 điểm, cao hơn phiên sáng.

Như vậy, VN-Index có thêm một phiên tích lũy trong vùng 1.055 - 1.065 điểm. Điều này được kỳ vọng giúp VN-Index có nền tích lũy vững chắc hơn trước khi bước vào pha tăng mới. Tuy nhiên, việc thanh khoản sụt giảm mạnh, ngay cả là khi nhiều mã xuống thấp, lực cầu bắt đáy không tham gia cho thấy sự thận trọng của dòng tiền. Đây sẽ là lực cản cho pha tăng mới của thị trường.

Chốt phiên, VN-Index giảm 3,59 điểm (-0,34%), xuống 1.060,07 điểm với 265 mã giảm, gấp gần 2 lần so với số mã tăng (144 mã). Tổng khối lượng giao dịch đạt 399,4 triệu đơn vị, giá trị 8.255,9 tỷ đồng, giảm 22% về khối lượng và 17,4% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 57,3 triệu đơn vị, giá trị 1.854,8 tỷ đồng. Đây là phiên có thanh khoản thấp nhất trong gần 2 tháng.

Như đã đề cập ở trên, việc VN-Index tránh được phiên giảm sâu, thậm chí giữ được mốc 1.060 điểm hôm nay có sự đóng góp của một số mã lớn, dù các mã này không tăng quá mạnh. Trong đó, có sự góp mặt của 4 mã ngân hàng là VIB tăng mạnh nhất 2,3% lên 20.400 đồng, CTG tăng 0,9% lên 23.200 đồng, BID tăng 0,6% lên 33.000 đồng và VCB tăng 0,3% lên 67.900 đồng. Bên cạnh đó là các mã FPT tăng 0,8% lên 75.500 đồng, SAB tăng 0,6% lên 190.900 đồng, BVH cũng tăng 0,6% lên 51.200 đồng, VIC tăng 0,2% lên 58.500 đồng và VNM chớm xanh khi tăng 0,1% lên 76.600 đồng.

Ngoài 4 mã kể trên, nhóm ngân hàng có thêm 1 sắc xanh nhạt nữa tại EIB với mức tăng 0,1% lên 37.050 đồng và 3 mã đứng giá tham chiếu là SSB, OCB và VPB. Trong khi đó, STB là mã giảm mạnh nhất nhóm với mức giảm 2,3% xuống 17.300 đồng, tiếp đó là ACB giảm 1,4% xuống 21.100 đồng.

Trong nhóm này, STB là mã có thanh khoản tốt nhất với 18 triệu đơn vị, tiếp đến là VPB với 9,8 triệu đơn vị.

Nhóm công ty chứng khoán vẫn chỉ có 2 sắc xanh nhạt nhòa, nhưng là BSI và ORS chứ không phải CTS và HCM như phiên sáng. CTS lùi về tham chiếu, còn HCM cũng có mức giảm nhẹ. Trong số mã giảm, TVS vẫn là mã giảm mạnh nhất, nhưng đã thu hẹp so với phiên sáng, chỉ còn giảm 3,4% xuống 27.000 đồng, tiếp đến là VIX giảm 2,2% xuống 8.090 đồng. Các mã lớn như SSI, VND hay VCI chỉ giảm nhẹ trên dưới 0,5%, trong đó VND và SSI là 2 mã có thanh khoản tốt nhất nhóm với 13 triệu đơn vị và 12,35 triệu đơn vị.

Nhóm bất động sản, sắc đỏ chiếm ưu thế, trong đó LHG với việc chỉ giao dịch được trong phiên chiều do vi phạm công bố thông tin nên bị nhà đầu tư đẩy mạnh bán ra, đẩy mã này về sàn 19.300 đồng. Cùng với AMD từ phiên sáng và TCR là 3 mã giảm sàn trên HOSE hôm nay.

Trong khi đó, ở chiều ngược lại, ngoài TDG, phiên chiều có thêm SVI và PDN đóng cửa ở mức trần, nhưng 2 mã này chỉ có một vài lệnh khớp (SVI chỉ 1 lệnh khớp tối thiểu 100 đơn vị ở mức trần). Trong khi đó, KPF hụt mất mức giá trần khi đóng cửa ở mức 10.300 đồng, chỉ còn tăng 4,1% dù phiên sáng yên vị ở mức trần 10.550 đồng.

Nhóm thép cũng chỉ còn duy nhất 1 sắc xanh, nhưng HMC thay cho TNA (TNA về tham chiếu), các mã còn lại đều giảm và đà giảm nới rộng hơn nhiều so với phiên sáng. Trong đó, HPG giảm 2,4% xuống 18.400 đồng, NKG giảm 3,1% xuống 17.000 đồng, HSG giảm 4,3% xuống 13.300 đồng và giảm mạnh nhất là VCA giảm 5,9% xuống 12.050 đồng.

Trong đó, HPG là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với 20,24 triệu đơn vị, HSG cũng có thanh khoản tốt với 9,5 triệu đơn vị.

Trong nhóm cổ phiếu có tính thị trường, HAG vẫn giảm 2,5% xuống 9.540 đồng, khớp 10 triệu đơn vị. DIG cũng mất sắc xanh khi đóng cửa giảm 0,4% xuống 26.100 đồng, khớp 5,4 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, lực cầu yếu cũng khiến chỉ số chính của sàn này có phiên giao dịch chiều không tích cực như phiên sáng khi chỉ dao động dưới tham chiếu suốt phiên.

Chốt phiên, HNX-Index giảm 1,22 điểm (-0,53%), xuống 227,9 điểm với 59 mã tăng và 106 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch chỉ hơn 39,1 triệu đơn vị, giá trị 722,2 tỷ đồng, giảm tới 43% về khối lượng và 41% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 1,8 triệu đơn vị, giá trị 30,8 tỷ đồng.

Khác với phiên sáng, các mã có thanh khoản tốt nhất sàn HNX đều đồng loạt đảo chiều và đóng cửa trong sắc đỏ khi chốt phiên chiều nay. Trong đó, PVS khớp lớn nhất với 5,6 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 0,4% xuống 23.600 đồng. SHS khớp 5,25 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 1,2% xuống 8.500 đồng. CEO, IDC, HUT, TNG, PVC đều giảm trên dưới 1,6%. Các mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị khác là IDJ, HTP cũng đều giảm giá khi đóng cửa.

Trong khi đó, UPCoM lại có diễn biến trái chiều 2 sàn niêm yết khi được kéo tăng dần đều trong phiên chiều.

Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,35 điểm (+0,44%), lên 80,67 điểm với 130 mã tăng và 124 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 34,3 triệu đơn vị, giá trị 543,3 tỷ đồng, nhỉnh hơn phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 8,6 triệu đơn vị, giá trị 76,3 tỷ đồng.

Phiên chiều nay chứng kiến sự đột biến của mã lạ EIN khi bất ngờ giao dịch sôi động, trong đó lực cầu chiến thắng áp đảo lực bán, kéo mã này lên mức trần 4.200 đồng khi đóng cửa, khớp 1,59 triệu đơn vị, đứng thứ 2 sau BSR, dù phiên sáng gần như mất hút và mở cửa ở mức tham chiếu. Đây cũng là mã duy nhất, ngoại trừ BSR có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị trên UPCoM.

BSR vẫn là tâm điểm tìm đến của dòng tiền trên UPCoM. Sự có mặt của BSR giúp cho UPCoM đỡ tẻ nhạt hơn khi mã này hôm nay khớp tới hơn 10,4 triệu đơn vị, nhưng đóng cửa hạ nhiệt về giá so với sáng, khi chỉ còn tăng 2,5% lên 20.800 đồng, thấp hơn 1 bước giá so với phiên sáng.

Trên thị trường phái sinh, các hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm theo thị trường cơ sở, trong đó VN30F2210 đáo hạn ngày mai (20/10) giảm 4,9 điểm (-0,46%), xuống 1.053 điểm, trong khi VN30-Index giảm 5,41 điểm (-0,51%), xuống 1.053,65 điểm. Tổng khối lượng hợp đồng được giao dịch hôm nay đạt 330.140 hợp đồng, khối lượng mở đạt 36.723 hợp đồng.

Trên thị trường chứng quyền, hôm nay cũng có thanh khoản khá tốt với 10 mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, trong đó CSTB2220 do HSC phát hành có thanh khoản tốt nhất và là mã duy nhất thanh khoản trên 2 triệu đơn vị (2,38 triệu đơn vị). Tuy nhiên, đóng cửa giảm 10,3% về giá trị xuống 260 đồng. Trong các mã có thanh khoản trên 1 triệu đơn vị, chỉ duy nhất CTCB2210 do SSI phát hành tăng giá 25% lên 50 đồng, 3 mã đứng giá, còn lại giảm. Phiên hôm nay giảm mạnh nhất là CTPB2203 do KIS phát hành khi giảm kịch sàn 75% xuống 10 đồng, thanh khoản chưa tới 90.000 đơn vị, trong khi một mã khác cũng do KIS phát hành là CHPG2201 lại tăng gấp đôi lên 20 đồng, thanh khoản gần 1 triệu đơn vị.

T.Lê

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục