Cổ phiếu Goldman Sachs đã tăng 2,33%, sau khi báo cáo lợi nhuận quý vừa qua với doanh thu và lợi nhuận cùng vượt kỳ vọng. Báo cáo này tiếp nối chuỗi kết quả kinh doanh tích cực của ngân hàng, bao gồm Bank of America và Bank of New York Mellon, cũng như lĩnh vực tài chính nói chung đã có kết quả giao dịch vượt trội vào ngày thứ Ba.
Trong khi đó, cổ phiếu Lockheed Martin đã tăng 8,69% sau khi nhà sản xuất vũ khí công bố doanh thu quý III mạnh hơn dự kiến và duy trì dự báo doanh thu năm 2022. Mức tăng đã giúp nâng chỉ số công nghiệp S&P 500 tăng 2,4% và là chỉ số hoạt động tốt nhất trong số 11 ngành chính.
Dubravko Lakos-Bujas, Trưởng bộ phận nghiên cứu vĩ mô toàn cầu của JPMorgan, nhận định: “Kết quả kinh doanh quý III và quý IV sẽ xác nhận các yếu tố cơ bản vẫn được duy trì trong bối cảnh thị trường lao động ổn định. Định giá cổ phiếu có thể sẽ vẫn bị ràng buộc bởi quan điểm về lãi suất, vốn đang dần trở nên ít tiêu cực hơn. Do đó, chúng ta thấy cổ phiếu có khả năng tăng giá vào cuối năm nhờ kết quả lợi nhuận nửa cuối năm 2022 ổn định”.
Các nhà phân tích hiện kỳ vọng tăng trưởng lợi nhuận quý này của các công ty thuộc S&P 500 sẽ tăng 2,8% so với một năm trước, thấp hơn nhiều so với mức tăng 11,1% dự kiến vào đầu tháng 7, theo dữ liệu của Refinitiv.
Kết thúc phiên 18/10, chỉ số Dow Jones tăng 337,98 điểm (+1,12%), lên 30.523,80 điểm. Chỉ số S&P 500 tăng 42,03 điểm (+1,14%), lên 3.719,98 điểm. Chỉ số Nasdaq Composite tăng 96,60 điểm (+0,90%), lên 10.772,40 điểm.
Chứng khoán châu Âu tăng phiên thứ tư liên tiếp, nhờ tâm lý thị trường vẫn được thúc đẩy bởi việc Anh đảo ngược kế hoạch tài chính.
Đóng cửa, chỉ số STOXX 600 toàn châu Âu tăng 0,44% lên 400,25 điểm, với ảnh hưởng tích cực sau khi Bộ trưởng Tài chính mới của Anh Jeremy Hunt loại bỏ hầu hết các khoản cắt giảm thuế 45 tỷ bảng của Thủ tướng Liz Truss.
Phiên này, cổ phiếu ngành xây dựng và vật liệu và sản xuất ô tô tăng lần lượt 1,9% và 1,7%, đều là là những ngành tăng điểm hàng đầu.
"Chúng tôi đã nhận được sự nhẹ nhõm trong ngắn hạn ở Anh và môi trường chính trị ở đó, chúng tôi đã thấy kết quả kinh doanh quý III xuất hiện ở Mỹ mà cho đến nay là khá tốt”, John Woolfitt, Giám đốc giao dịch tại Atlantic Capital Markets, cho biết.
Với việc các ngân hàng trung ương mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ trong bối cảnh lạm phát cao hàng thập kỷ, thị trường đang phân tích dự báo từ chính các công ty để đánh giá tác động của áp lực vĩ mô.
Cổ phiếu Publicis Groupe của Pháp đã tăng 2,3%, sau khi tập đoàn quảng cáo lớn thứ ba thế giới nâng triển vọng cả năm lần thứ hai trong năm nay.
Cổ phiếu Ngân hàng Avanza tăng 12% sau khi tập đoàn tài chính Thụy Điển công bố lợi nhuận và doanh thu hoạt động quý III tăng mạnh. Cổ phiếu của công ty ngang hàng Đan Mạch Nordnet cũng tăng 8,3%.
Telecom Italia đã tăng 6,4%, sau khi một báo cáo truyền thông đưa tin rằng quỹ đầu tư tư nhân CVC có thể tung ra một cuộc đấu thầu mua lại toàn bộ tập đoàn điện thoại của Ý.
Kết thúc phiên 18/10: Chỉ số FTSE 100 của London tăng 16,50 điểm (+0,24%), lên 6.936,74 điểm, chỉ số DAX trên sàn Frankfurt tăng 116,58 điểm (+0,92%), lên 12.765,61 điểm, chỉ số CAC 40 của Paris tăng 26,34 điểm (+0,44%), lên 6.067,00 điểm.
Giá dầu thô suy yếu, khi triển vọng nhu cầu nhiên liệu của Trung Quốc đã đè nặng lên tâm lý thị trường, sau khi nước này trì hoãn công bố các chỉ số kinh tế dự kiến được công bố vào thứ Ba.
Kết thúc phiên 18/10, giá dầu thô WTI chuẩn Mỹ giảm 2,64 USD/thùng (-3,19%), xuống 82,82 USD/thùng. Giá dầu thô Brent giảm 1,59 USD/thùng (-1,77%), xuống 90,03 USD/thùng.