Thị trường không còn quá xa lạ với những phiên khớp lệnh 10.000 tỷ đồng bởi lượng nhà đầu tham gia vào thị trường ngày càng sôi động hơn. Đây cũng là nhân tố khiến thị trường nhanh chóng ổn định trở lại với xu hướng tăng sau phiên lao dốc mạnh ngày hôm qua 17/12.
Lực cầu khá mạnh với tâm điểm hướng vào nhóm cổ phiếu bluechip đã dẫn dắt VN-Index vượt qua mốc 1.060 điểm trong phiên sáng và tiếp tục nới rộng đà tăng ở phiên chiều.
Diễn biến khởi sắc ở nhóm cổ phiếu bluechip đã lan tỏa thị trường giúp hàng trăm mã tăng điểm, đã giúp VN-Index “đòi” lại những gì đã mất trong phiên hôm qua với mức tăng hơn 15 điểm và vượt xa ngưỡng 1.060 điểm.
Tiêu điểm đáng chú ý trong phiên cuối tuần là sức nóng của nhóm cổ phiếu chứng khoán với lý do rất chính đáng là giao dịch khởi sắc của thị trường chứng khoán thì nhóm cổ phiếu chứng khoán cũng sẽ được hưởng lợi nhất. Cụ thể, SSI, BSI và VND đua nhau tăng trần, HCM tăng 6% lên 29.200 đồng/CP, AGR và TVS cũng tăng trên dưới 2%.
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vua cũng đóng góp tích cực vào chỉ số chung với nhiều mã leo lên mức cao nhất của ngày như VCB tăng 3% lên 98.900 đồng/CP, TCB cũng đứng ở vùng giá cao nhất 29.200 đồng với mức tăng 3%, MBB tăng 4,5% lên 23.100 đồng/CP, HDB tăng 4,2% lên 23.700 đồng/CP, đặc biệt VPB đã xác lập sắc tím khi tăng 6,9% lên mức 31.650 đồng/CP.
Ngoài ra, nhiều mã lớn khác như SAB, GAS, VHM, HPG, BVH… cũng kết phiên khởi sắc.
Ở nhóm cổ phiếu đáng chú ý, không nằm ngoài nhận định của BSC, cổ phiếu VPG của CTCP Đầu tư thương mại Xuất nhập khẩu Việt Pháp tiếp tục có phiên tăng trần thứ 2 liên tiếp và vẫn giữ nhiệt giao dịch sôi động. Kết phiên, VPG tăng 6,9% lên 17.850 đồng/CP và khớp hơn 1,6 triệu đơn vị, cùng khối lượng dư mua trần 1,13 triệu đơn vị.
Bên cạnh đó, cổ phiếu TDP của Thuận Đức cũng nới rộng biên độ khi tăng 1,2% và kết phiên tại mức giá 38.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh đạt gần 0,8 triệu đơn vị, cao nhất trong gần 1 tháng qua.
Về thanh khoản, cổ phiếu STB dẫn đầu sàn HOSE với 25,12 triệu đơn vị; tiếp theo đó là HPG khớp 19,96 triệu đơn vị. Ngoài STB, cổ phiếu ngân hàng khác là TCB và ACB cũng có khối lượng khớp lệnh 10-15 triệu đơn vị.
Chốt phiên, VN-Index tăng 15,69 điểm (+1,49%), lên 1.067,46 điểm khi có tới 301 mã tăng và 129 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 623,64 triệu đơn vị, giá trị 13.237,95 tỷ đồng, giảm 6,63% về khối lượng và 8,9% về giá trị so với phiên hôm qua. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 63,57 triệu đơn vị, giá trị gần 1.463 tỷ đồng.
Trong tuần này, thị trường đã chứng khiến những phiên tăng giảm thất thường. Trước đó, trong phiên thứ Ba, thị trường đã có phiên điều chỉnh khá mạnh khi VN-Index giảm hơn 8 điểm. Tưởng chừng thị trường sẽ bước vào giai đoạn điều chỉnh, thì rất nhanh chóng, VN-Index đã bật tăng trở lại hơn 11 điểm trong phiên ngay sau đó.
Trong phiên hôm qua, với thông tin về việc Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ, thị trường đã nhuộm trong sắc đỏ với mức giảm của VN-Index hơn 15 điểm. Nhiều nhà đầu tư cho rằng, thị trường sẽ tiếp tục chứng kiến đà bán mạnh trong phiên hôm nay và mức giảm chưa dừng lại ở đó.
Tuy nhiên, cũng rất nhanh chóng, dòng tiền lớn vẫn được duy trì giúp thị trường tăng mạnh trở lại, lấy lại hết những gì đã mất trong phiên hôm qua. Không chỉ nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài sau 3 phiên bán ròng mạnh cũng đã trở lại gom hàng trong phiên hôm nay.
Dường như, thông tin Mỹ đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia thao túng tiền tệ chỉ là cái cớ rất hợp lý cho nhiều nhà đầu tư đảo hàng và tính toán này xem ra bước đầu đã thanh công.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index tiếp tục tăng tốc nhờ diễn biến khởi sắc hơn ở nhóm cổ phiếu bluechip cùng sắc xanh lan tỏa thị trường.
Chốt phiên, HNX-Index tăng 5,02 điểm (+2,92%), lên 177,02 điểm với 120 mã tăng và 59 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 88,88 triệu đơn vị, giá trị 1.060,67 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,5 triệu đơn vị, giá trị 75,21 tỷ đồng.
Cũng góp phần tạo điểm nhấn ở nhóm cổ phiếu chứng khoán, các mã trong nhóm như VDS, VIG, VIX đều tăng trần, SHS tăng 6,8% lên 17.300 đồng/CP, BVS tăng 6% lên 14.200 đồng/CP, CTS tăng 5% lên 11.700 đồng/CP, MBS tăng 2,9% lên 14.000 đồng/CP, ORS tăng 8,3% lên 13.000 đồng/CP…
Nhiều mã vốn hóa lớn cũng nới rộng biên độ tăng như SHB tăng 1,2% lên 17.300 đồng/CP, NVB tăng 2,4% lên 8.700 đồng/CP, VCS tăng gần 1% lên 81.500 đồng/CP, IDC tăng 2,8% lên 36.900 đồng/CP, VIF tăng 3,5% lên 17.800 đồng/CP, THD lấy lại sắc tím khi tăng 10% lên mức 74.800 đồng/CP…
Trong nhóm HNX30 chỉ còn 3 mã là NTP, NRC và VMC giao dịch dưới mốc tham chiếu với mức giảm chỉ 100-200 đồng/CP.
Cổ phiếu vừa và nhỏ cũng đua nhau khởi sắc, trong đó HUT tăng 5,56% lên 3.800 đồng/CP và vẫn dẫn đầu thanh khoản trên sàn HNX, đạt 15,41 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, thị trường từng bước nhích nhẹ giúp UPCoM-Index cũng dừng chân ở mức cao nhất ngày.
Chốt phiên, UPCoM-Index tăng 0,65 điểm (+0,93%), lên 70,95 điểm với 117 mã tăng và 99 mã giảm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 45,57 triệu đơn vị, giá trị 468,82 tỷ đồng, trong đó giao dịch thỏa thuận đóng góp 12,47 triệu đơn vị, giá trị 175,64 tỷ đồng.
Các cổ phiếu lớn hỗ trợ cho đà tăng của thị trường như BSR tăng 4,5% lên 9.200 đồng/CP, MSR tăng 4,4% lên 19.100 đồng/CP, VEA tăng 5,1% lên 54.000 đồng/CP, ACV tăng 0,9% lên 78.000 đồng/CP…
Trong đó, BSR vượt qua PVX để dẫn đầu thanh khoản với gần 6,2 triệu đơn vị được giao dịch, còn PVX khớp 5,91 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều đảo chiều tăng, trong đó VN30F2101 đáo hạn ngày 21/1/2021 tăng 1,8% lên 1.043,5 điểm với 120.268 hợp đồng được chuyển nhượng, khối lượng mở 16.265 hợp đồng.
Trên thị trường chứng quyền, CVPB2011 dẫn đầu thanh khoản với 184.828 đơn vị, và đóng cửa tăng 29,1% lên mức giá trần 4.520 đồng/CP; tiếp theo là CHDB2007 tăng 10,7% lên 2.480 đồng/CQ và khớp 138.607 đơn vị.