Hạn chế mua đuổi vùng giá cao

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Kể từ thời điểm tiếp cận vùng đỉnh 1.026 - 1.035 điểm trong năm 2019, áp lực rung lắc và biến động mạnh đã bắt đầu xuất hiện trong 2 phiên cuối tuần qua với biên độ biến động trong phiên ngày một gia tăng.

Ảnh: Shutterstock. Ảnh: Shutterstock.

Tuy nhiên, kết thúc tuần giao dịch, chỉ số VN-Index vẫn tăng 2,4% lên 1.045,96 điểm, chỉ số VN30 tăng 2,5% lên 1.008,65 điểm. Về thanh khoản, trên sàn HOSE, tổng khối lượng khớp lệnh tuần qua tăng 0,6%, giá trị giao dịch tăng 2,6% so với tuần trước đó.

Trong tuần qua, điểm sáng vẫn tiếp tục đến từ các cổ phiếu ngân hàng, chứng khoán, cổ phiếu chu kỳ và một số cổ phiếu riêng lẻ với câu chuyện riêng là động lực chính.

Top cổ phiếu tác động lớn nhất tới thị trường tuần từ 7 - 11/12 (Nguồn: FiinTrade).

Top cổ phiếu tác động lớn nhất tới thị trường tuần từ 7 - 11/12 (Nguồn: FiinTrade).

Đầu tiên là nhóm cổ phiếu ngân hàng có nguồn gốc Nhà nước dẫn dắt chỉ số, thay vì nhóm ngân hàng tư nhân như tuần trước đó.

Cụ thể, giá cổ phiếu VCB, BID, CTG lần lượt tăng 6,7%, 10%, 0,1%. Trong đó, VCB là cổ phiếu đóng góp tới 6,34 điểm vào chỉ số VN-Index, lớn nhất thị trường; BID đóng góp 4,68 điểm… Ở chiều ngược lại, cổ phiếu trụ giảm không đáng kể, xu hướng vẫn nghiêng về cổ phiếu tăng giá.

Trong tuần không có thông tin cụ thể hỗ trợ nhóm cổ phiếu ngân hàng, nhưng giới đầu tư đang đồn đoán Ngân hàng Nhà nước có thể tiếp tục tung thêm các gói hỗ trợ, cũng như khả năng giảm thêm lãi suất.

Kể từ đầu năm tới nay, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần giảm lãi suất nhằm hỗ trợ nền kinh tế, tuy nhiên, so với các quốc gia trong khu vực và các nền kinh tế lớn như Mỹ, châu Âu…, mức giảm lãi suất của Việt Nam chưa đáng kể.

Mới đây nhất, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã tăng quy mô chương trình mua trái phiếu khẩn cấp thêm 33% và thông tin thêm về các gói vay siêu rẻ mới dành cho ngân hàng. Động thái này nâng tổng quy mô kích thích tiền tệ của ECB lên hơn 3.000 tỷ Euro, tương đương 3.600 tỷ USD…

Có thể thấy, giới đầu tư trong nước đang đặt kỳ vọng vào xu hướng hạ lãi suất sẽ tiếp diễn nhằm hỗ trợ doanh nghiệp sớm vượt qua khó khăn, cũng như tạo lợi thế cạnh tranh tương đối với các quốc gia trong khu vực và thế giới khi họ liên tục tung ra các gói hỗ trợ doanh nghiệp.

Nếu điều này thành hiện thực, nhóm cổ phiếu ngân hàng có nguồn gốc Nhà nước sẽ là nhóm hưởng lợi đầu tiên. Vì vậy, dòng tiền tuần qua có dấu hiệu tập trung vào nhóm này nhiều hơn nhóm ngân hàng tư nhân.

Bên cạnh đó, trên thế giới, Anh bắt đầu cho tiêm chủng vắc-xin ngừa Covid-19 trên diện rộng, các quốc gia khác cũng đang trong lộ trình cấp phép và Việt Nam tuần qua đã bắt đầu khởi động dự án thử nghiệm lâm sàng vắc-xin trên người. Điều này tiếp tục khiến giới đầu tư trong nước kỳ vọng vào sự hồi phục kinh tế sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn trong thời gian tới.

Đón những kỳ vọng tích cực như vậy, các nhóm cổ phiếu chu kỳ tiếp tục là điểm nhấn và tuần qua, sự bứt phá đến từ nhóm cổ phiếu chứng khoán khi nhóm này đồng loạt tăng giá mạnh.

Trong đó, tính chung cả tuần, cổ phiếu SSI, HCM, VND, MBS, SHS lần lượt tăng 17,5%, 11,8%, 9,1%, 7,1%, 3,4%. Trong những tuần gần đây, khi kỳ vọng vắc-xin giúp cổ phiếu chu kỳ quay trở lại, đây là tuần bùng nổ mạnh nhất của nhóm chứng khoán.

Giới đầu tư vẫn tập trung vào câu chuyện hồi phục kinh tế và thanh khoản thị trường liên tục gia tăng, với việc thanh khoản cao như hiện nay và chưa có dấu hiệu chấm dứt, sẽ là cơ sở cho kết quả kinh doanh quý IV/2020 khả quan của nhóm chứng khoán.

Tuy nhiên, dấu hiệu "kéo nước rút" trong ngắn hạn và "quá mua" trên diện rộng đối với cổ phiếu chứng khoán, chỉ báo RSI lên vùng 87, tạo ra những áp lực nhất định về nguy cơ điều chỉnh sắp tới.

Bên cạnh câu chuyện nhóm ngành chu kỳ như xây dựng, đá, nhóm dầu khí thu hút sự quan tâm của giới đầu tư, dòng tiền cũng có dấu hiệu tập trung vào một số cổ phiếu có câu chuyện riêng nổi bật.

Trong đó, tại Công ty cổ phần Xây dựng Coteccons (CTD) sau giai đoạn biến động mạnh nhân sự lãnh đạo từ tháng 6/2020 tới nay, giá cổ phiếu trong tuần qua bùng nổ, tăng 14,1%.

Thuộc Top cổ phiếu tăng mạnh nhất thị trường tuần qua, động lực tăng giá của cổ phiếu CTD đến từ kỳ vọng hậu cơ cấu, doanh nghiệp có thể bước vào giai đoạn mới với các kỳ vọng ổn định ban lãnh đạo, mẫu thuẫn nhóm cổ đông không còn và dự kiến có những thông tin tích cực mới.

Tin tốt đầu tiên của CTD là đăng ký mua vào 4,9 triệu cổ phiếu quỹ, tương ứng 6,18% vốn điều lệ, điều này giúp giảm lượng cổ phiếu trôi nổi bên ngoài và tăng lợi ích cho cổ đông.

Giới đầu tư vẫn đang đồn đoán doanh nghiệp sẽ tiếp tục công bố thêm các thông tin tích cực từ việc ký hợp đồng mới, sử dụng quỹ tiền mặt khổng lồ hiệu quả thông qua việc có thể trực tiếp trở thành chủ đầu tư, hợp tác đầu tư hoặc đầu tư tài chính…

Tuy nhiên, sau khi ra tin về mua cổ phiếu quỹ, cổ phiếu CTD có áp lực điều chỉnh ngắn hạn, điều này thể hiện tâm lý bình thường trên thị trường khi nhà đầu tư mua theo tin đồn và bán khi tin ra.

Ngoài những điểm tích cực nêu trên, quan sát trong hơn 2 tuần trở lại đây khi chỉ số tiếp cận vùng đỉnh năm 2019, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đăng ký bán ra cổ phiếu.

Động thái này tiếp tục diễn ra trong tuần qua ở không ít doanh nghiệp tên tuổi như cổ đông lớn Samarang Ucits - Samarang Asian Prosperity bán ra 500.000 cổ phiếu PET, lãnh đạo AFX đăng ký bán ra cổ phiếu, lãnh đạo BWE đăng ký bán ra cổ phiếu, vợ Chủ tịch TDH bán ra 500.000 cổ phiếu, lãnh đạo doanh nghiệp đăng ký bán như tại CVT, VGC, MWG…, hay doanh nghiệp bán cổ phiếu quỹ như FCN, DIG...

Điều này trái ngược với giai đoạn cuối tháng 3 tới tháng 5/2020, khi hàng loạt lãnh đạo và doanh nghiệp đăng ký mua vào.

Trong ngắn hạn, việc bán ra sẽ chưa ảnh hưởng tới thị trường ngay lập tức, nhưng trong trung và dài hạn, một lượng tiền nhất định sẽ bị rút ra và gây áp lực lên dòng tiền của nhà đầu tư trong nước.

Sau khi chứng kiến thị trường liên tục tăng điểm, khối ngoại có dấu hiệu đảo chiều từ bán ròng sang mua ròng trong vài tuần gần đây. Nếu như trong tuần từ 23 - 27/11, khối ngoại bán ròng 281,3 tỷ đồng, tuần từ 30/11 - 4/12 bán ròng 75,7 tỷ đồng trên HOSE, thì tới tuần qua (7 - 11/12), khối này quay sang mua ròng 377,6 tỷ đồng.

Trong đó, khối ngoại mua mạnh HPG với giá trị 407,5 tỷ đồng, FUEVFVND là 254,8 tỷ đồng, GAS 111,5 tỷ đồng; ở chiều ngược lại, bán ròng GMD 376,3 tỷ đồng, PAN 95 tỷ đồng, VRE 75,9 tỷ đồng…

Có thể thấy, nhà đầu tư ngoại đang có dấu hiệu giảm bán ròng trong những tuần gần đây khi có thông tin tích cực về vắc-xin và các cổ phiếu chu kỳ hồi phục.

Diễn biến chỉ số VN-Index (Nguồn: FireAnt, biểu đồ tuần).

Diễn biến chỉ số VN-Index (Nguồn: FireAnt, biểu đồ tuần).

Chỉ số VN-Index sau khi tiếp cận vùng đỉnh trong nhiều năm là 1.020 - 1.035 điểm có một số phiên biến động mạnh, các chỉ báo kỹ thuật như RSI và MACD cho thấy thị trường bước vào vùng quá mua kéo dài.

Thông thường, để chỉ số vượt đỉnh lịch sử cần phải kiểm định vùng đỉnh liên tục nhiều lần và ít nhất phải lần thứ 3 trở đi mới thành công. Nếu lịch sử lặp lại, nhiều khả năng thị trường sẽ có nhịp rung lắc quanh vùng đỉnh, kiểm định lại vùng đỉnh này, với ngưỡng hỗ trợ là 980 điểm.

Với áp lực giao dịch vùng đỉnh, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đồng loạt bán ra, nhà đầu tư thận trọng có thể chốt lời danh mục, chờ thị trường điều chỉnh, xu hướng rõ ràng hơn và hạn chế mua đuổi vùng giá cao.

Hạc Hiên

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục