Giao dịch chứng khoán chiều 17/2: Thị trường xanh vỏ đỏ lòng

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường may mắn thoát hiểm trong đợt khớp lệnh ATC và tiếp tục có phiên tăng điểm thứ 3 liên tiếp dù sắc đỏ chiếm ưu thế trên bảng điện tử.
Giao dịch chứng khoán chiều 17/2: Thị trường xanh vỏ đỏ lòng

Trong những phiên gần đây, dù thị trường đã tìm lại sắc xanh nhưng thanh khoản thấp với các phiên đều khớp lệnh chưa tới 10.000 tỷ đồng, thậm chí, trong phiên 14/2 đã chứng kiến giá trị giao dịch rơi xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm. Điều này cho thấy lực cầu khá yếu và tâm lý nhà đầu tư thận trọng cao độ.

Với xu hướng giao dịch này, thị trường đã nhanh chóng chuyển sang trạng thái không mấy tích cực sau 2 phiên khởi sắc. Chỉ số VN-Index biến động rung lắc nhẹ quanh mốc tham chiếu trong suốt cả phiên giao dịch sáng cuối tuần ngày 17/2 và tạm dừng ở mức điều chỉnh nhẹ.

Bước sang phiên chiều, trong khi lực cầu vẫn chỉ nhúc nhắc thì bên bán có phần chiếm ưu thế hơn khi nhiều nhà đầu tư thực hiện chốt lãi hàng T+ về tài khoản. Tuy nhiên, chỉ số VN-Index chỉ bị đẩy về gần vùng giá 1.050 điểm rồi nhanh chóng bật ngược đi lên, trở lại trạng thái biến động nhẹ xoay quanh mốc tham chiếu trong suốt thời gian còn lại.

Chỉ số VN-Index đã may mắn thoát hiểm trong đợt khớp lệnh ATC, nhưng thị trường có những tín hiệu không mấy lạc quan như sắc đỏ vẫn chiếm ưu thế trên bảng điện tử và thanh khoản thị trường tiếp tục ở mức thấp.

Đóng cửa, sàn HOSE có 173 mã tăng và 221 mã giảm, VN-Index tăng 1,02 điểm (+0,1%), lên 1.059,31 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt 465 triệu đơn vị, giá trị 7.692,52 tỷ đồng, giảm 2,25% về khối lượng và 8,96% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 35,86 triệu đơn vị, giá trị 807 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu ngân hàng vẫn duy trì đà tăng nhẹ với cổ phiếu đầu ngành VCB chỉ tăng 0,6%, trong khi BID tích cực sau pha đảo chiều hồi phục ở phiên sáng và đóng cửa tại mức giá cao nhất ngày với mức tăng 1,8%.

Tuy nhiên, điểm sáng ngành vẫn về các mã như EIB tăng 4,63%, LPB tăng 3,57%, STB và VIB đều tăng hơn 3%. Trong khi đó, CTG, TCB, VPB, HDB, MBB, TPB vẫn giảm nhẹ trên dưới 1%.

Ở nhóm bất động sản, những thông tin đưa ra tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững, do Thủ tướng chủ trì hôm nay không có gì tác động lên thị trường. Cổ phiếu VHM vẫn duy trì mức tăng 1,9%, là động lực chính giúp nhóm này giữ được sắc xanh nhạt.

Trong khi đó, cổ phiếu NVL sau pha giải cứu hôm qua đã có phần hạ nhiệt khi chỉ còn tăng nhẹ hơn 1% trong phiên hôm nay. Tuy nhiên, NVL vẫn là mã có thanh khoản tốt nhất thị trường với 23,46 triệu đơn vị khớp lệnh.

Trái lại, nhóm cổ phiếu thép tan sóng nhanh sau phiên bùng nổ hôm qua, với HSG và HPG đều đảo chiều giảm, trong khi NKG chỉ tăng nhẹ. Cụ thể, HSG giảm 2,2% xuống 15.500 đồng/CP và khớp 16,58 triệu đơn vị; HPG giảm 1,4% xuống mức thấp nhất ngày 21.000 đồng/CP và khớp 12,26 triệu đơn vị, còn NKG tăng nhẹ 1% lên 15.200 đồng/CP và khớp 10,86 triệu đơn vị.

Nhóm chứng khoán cũng điều chỉnh nhẹ với VND giảm 1%; SSI, CTS, HCM và VCI giảm trên dưới 0,5%; APG giảm 1,4%; FTS giảm 1%...

Trên sàn HNX, sau nhịp hồi nhẹ giữa phiên, thị trường nhanh chóng trở lại trạng thái giảm điểm.

Chốt phiên, sàn HNX có 66 mã tăng và 88 mã giảm, HNX-Index giảm 0,89 điểm (-0,42%) xuống 209,95 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 60,13 triệu đơn vị, giá trị 916,17 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,92 triệu đơn vị, giá trị 34,43 tỷ đồng.

Cổ phiếu CEO vẫn duy trì vị trí dẫn đầu thanh khoản trên HNX với hơn 9 triệu đơn vị giao dịch thành công nhưng áp lực bán khiến mã này rung lắc và đóng cửa đứng giá tham chiếu 21.300 đồng/CP.

Trong khi đó, một mã đáng chú ý khác của ngành bất động sản là IDC cũng không mấy khả quan khi tiếp tục nới rộng biên độ giảm trong phiên chiều và đóng cửa tại mức thấp nhất ngày 40.800 đồng/CP, giảm 2,4%, khối lượng khớp lệnh hơn 4,5 triệu đơn vị.

Điểm sáng ngành là TIG tiếp tục khởi sắc trở lại sau phiên đứng giá tham chiếu hôm qua. Đóng cửa, TIG tăng 6% lên 8.900 đồng/CP với thanh khoản tăng vọt so với những phiên gần đây, đạt hơn 2,17 triệu đơn vị.

Trái lại, đại diện dệt may – cổ phiếu TNG sau pha tăng trần hôm qua đã quay đầu giảm 2,8%, xuống mức thấp nhất ngày 17.600 đồng/CP và khớp 2,22 triệu đơn vị.

Bên cạnh đó, cổ phiếu chứng khoán SHS cũng giảm 2,3% xuống mức thấp nhất ngày 8.400 đồng/CP, với thanh khoản chỉ thua CEO, đạt hơn 6,58 triệu đơn vị.

Trên UPCoM, thị trường vẫn duy trì trạng thái giao dịch dưới mốc tham chiếu trong suốt cả phiên chiều.

Đóng cửa, UPCoM-Index giảm 0,72 điểm (-0,91%) xuống 78,94 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 38,47 triệu đơn vị, giá trị 289 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 9 triệu đơn vị, giá trị 81,5 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR rung lắc và may mắn đóng cửa trong sắc xanh với mức tăng hạn chế chỉ 0,6%, lên mức 16.400 đồng/CP và khối lượng giao dịch vẫn lớn nhất thị trường, đạt 4,48 triệu đơn vị.

Trong khi đó, PVX tăng vọt và có thời điểm chạm trần cùng thanh khoản sôi động. Đóng cửa, PVX tăng 8,3% lên 2.600 đồng/CP với thanh khoản thuộc top 5, đạt hơn 2 triệu đơn vị.

Một mã đáng chú ý khác là đại diện của nhóm đầu tư công – C4G đã đảo chiều hồi phục và tăng khá tôt 3,6% lên mức 11.600 đồng/CP với khối lượng giao dịch gần bằng BSR, đạt 4,38 triệu đơn vị.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, trong đó, hợp đồng đáo hạn gần nhất ngày 16/3 là VN30F2303 giảm 5,5 điểm, tương đương -0,5% xuống 1.049 điểm, khớp lệnh gần 294.700 đơn vị, khối lượng mở gần 38.430 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, giao dịch cũng không mấy tích cực với sắc đỏ chiếm áp đảo và thanh khoản khá thấp. Trong đó, CHPG2227 dẫn đầu thanh khoản chỉ hơn 0,92 triệu đơn vị và đóng cửa giảm 2,5% xuống 2.340 đồng/CQ.

Tiếp theo là CHPG2223 khớp 0,86 triệu đơn vị, đóng cửa tăng 4,5% lên 230 đồng/CQ.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục