Lãi suất có thể duy trì ở mức cao
Một trong những yếu tố gây áp lực nhất đến thị trường chứng khoán là việc lãi suất không ngừng tăng trong giai đoạn cuối năm 2022. Bước sang năm 2023, nhiều tín hiệu cho thấy, lãi suất đã tạo đỉnh. Sau Tết, lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đồng loạt giảm. Vượt qua áp lực mang tính mùa vụ dịp Tết, lãi suất đã có dấu hiệu hạ nhiệt và thanh khoản được cải thiện.
Xét trong bối cảnh lớn, dư địa tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ không còn nhiều, trong khi chỉ số đồng USD (DXY) đã giảm hơn 10% từ đỉnh, khiến áp lực tỷ giá vơi bớt phần nào. Do đó, dưới bối cảnh lạm phát vẫn đang được kiểm soát, xác suất để Ngân hàng Nhà nước tăng lãi suất trong thời gian tới khá thấp.
Tuy vậy, lãi suất có khả năng neo ở mức cao trong nửa đầu năm nay, trước khi quay đầu giảm vào nửa cuối năm. Việc lãi suất neo cao sẽ gây áp lực đến doanh nghiệp và các nhà đầu tư sử dụng đòn bẩy tài chính.
VN-Index chịu áp lực bán chủ động
Áp lực phân phối lớn dẫn đến quán tính điều chỉnh lan tỏa trong tuần diễn ra nhiều cuộc họp thay đổi chính sách trong lĩnh vực bất động sản. VN-Index đóng cửa cuối tuần qua với mẫu nến “búa ngược” tại 1.055 điểm, giảm 2,03% so với cùng kỳ; cách đóng cửa ở mức thấp nhất tuần báo hiệu khả năng rung lắc kéo dài của thị trường.
Diễn biến VN-Index từ tháng 4/2021 đến nay. |
Đánh giá dựa trên yếu tố kỹ thuật, động lượng bán tiếp diễn và có định hướng ngắn hạn quay lại kiểm chứng đường xu hướng giảm, vốn xuất phát từ vùng đỉnh trong năm 2022.
VN-Index đang trong đà rơi, song biên độ nến giảm thu hẹp có thể hỗ trợ cho kỳ vọng sớm ghi nhận lực cầu tại vùng 1.040 điểm (cũng là đường hỗ trợ MA20 ở biểu đồ tuần).
Ở đồ thị ngày, thị trường chứng kiến áp lực bán chủ động cuối phiên trong 2 ngày gần nhất, xóa bỏ hoàn toàn vận động tích lũy cân bằng trong phiên. Áp lực bán chiếm ưu thế và chưa có tín hiệu đảo chiều đáng tin cậy. Bên cạnh đó, khối ngoại thu hẹp đà mua ròng trong tuần qua, chỉ đạt 800 tỷ đồng, giảm một nửa so với tuần trước đó.
Nhóm ngành đáng chú ý: Ngân hàng
Thông tư 26/2022/TT-NHNN được Ngân hàng Nhà nước ban hành ngày cuối năm 2022 đã sửa đổi, bổ sung quy định về tỷ lệ dư nợ cho vay so với tổng tiền gửi, trong đó có tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước theo lộ trình khấu trừ từ 50% trong năm 2023 và tăng dần qua các năm (đến năm 2026). Trong giai đoạn nguồn vốn bơm vào nền kinh tế gặp khó khăn, việc sửa đổi này đem lại dư địa thanh khoản khi hạng mục tiền gửi Kho bạc Nhà nước được phép đẩy ra cho vay.
Kết quả, thanh khoản hệ thống ngân hàng được cải thiện rõ rệt; ngay cả trong thời điểm mùa vụ Tết Nguyên đán, lãi suất liên ngân hàng qua đêm dao động dưới 6,5%/năm và đang có xu hướng điều chỉnh ngắn hạn về mức 5,72%/năm (ghi nhận ngày 8/2/2023). Nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối ngay lập tức có thêm “room” cho vay từ việc ghi nhận gói tiền gửi của Kho bạc Nhà nước vào nguồn vốn huy động; tổng mục tiền gửi trên ở 3 ngân hàng Vietcombank (VCB), BIDV (BID), VietinBank (CTG) lên tới 150.000 tỷ đồng.
Về mặt công thức tính toán, tỷ lệ cho vay trên vốn huy động (LDR) điều chỉnh giảm, đây được cho là lợi thế của nhóm ngân hàng có vốn nhà nước chi phối trong trung và dài hạn. Từ đó, áp lực huy động vốn giảm đáng kể. DSC dự báo, nhóm ngân hàng này sẽ đi đầu trong công cuộc điều chỉnh lãi suất và hỗ trợ thanh khoản hệ thống theo chủ trương của Ngân hàng Nhà nước.
Trên biểu đồ kỹ thuật, kể từ đầu năm 2023, diễn biến giá cổ phiếu của nhóm ngân hàng trên có sự tách biệt, phản ánh kỳ vọng từ lợi thế “có sẵn” đó, trong khi đa phần nhóm ngân hàng thương mại cổ phần điều chỉnh giảm.
Trong ngắn hạn, chỉ số ngành ngân hàng yếu dần khi vi phạm đường tín hiệu MA10 và MA20, sau khi tiệm cận ngưỡng cản sóng giảm quan trọng. Đà bán lan tỏa tới nhóm ngân hàng quốc doanh tạo điểm giải ngân an toàn hơn, khi chính sách sửa đổi kỳ vọng hỗ trợ hoạt động kinh doanh trong trung và dài hạn. Theo đó, 3 mã cổ phiếu ngân hàng đáng chú ý là VCB, BID, CTG.