Sau phiên sáng chững lại ở những phút cuối, thị trường tiếp tục thu hẹp đà tăng khi bước vào phiên chiều do ảnh hưởng từ lực bán ra cuối phiên sáng.
Tuy nhiên, rất nhanh chóng, lực cầu một lần nữa lại được tung vào mạnh mẽ, trong đó dù nhiều mã đang có lượng dư mua trần lớn, nhưng lệnh đặt vào vẫn liên tục tăng. Khi không mua được ở nhóm này, dòng tiền chuyển hướng sang các mã khác, kéo thêm nhiều mã nữa lên mức kịch trần, qua đó kéo VN-Index bứt tốc trở lại, vượt qua ngưỡng 970 điểm. Tuy nhiên, lực bán nhẹ trong đợt ATC khiến chỉ số này không thể giữ được mức cao nhất ngày,
Ngoài nhóm thép và nhiều mã bất động sản tiếp tục đua nhau khoe sắc tím, điểm đáng chú ý trong phiên chiều nay chính là giao dịch tại EIB khi lệnh mua bắt đáy bất ngờ gia tăng mạnh, hấp thụ hết lượng dư bán sàn.
Dù không thể giúp EIB tránh khỏi phiên giảm sàn thứ 7 liên tiếp, nhưng giúp mã này có phiên giao dịch bùng nổ về thanh khoản, xác lập mức kỷ lục mới về khối lượng khớp lệnh. Đồng thời, không còn dư bán sàn hàng chục triệu đơn vị như các phiên trước đó. Dấu hiệu này cho thấy, khả năng EIB sẽ hồi trở lại trong phiên cuối tuần và tuần tới.
Đóng cửa, sàn HOSE có 397 mã tăng (74 mã tăng trần), VN-Index tăng 26,36 điểm (+2,80%), lên 969,26 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 724,46 triệu đơn vị, giá trị 11.416,8 tỷ đồng, giảm hơn 30% về khối lượng và 20% về giá trị so với phiên hôm qua.
Giao dịch thỏa thuận đóng góp gần 135 triệu đơn vị, giá trị gần 2.239 tỷ đồng. Trong đó, có hơn 44,6 triệu cổ phiếu EIB, trị giá hơn 820,5 tỷ đồng,
Các cổ phiếu lớn, bluechip hoạt động mạnh và tích cực hơn so với phiên sáng là điểm nhấn chính trong chiều nay, với GVR và HPG giữ mức giá trần tại 11.400 đồng và 14.250 đồng, trong đó, HPG khớp 21,5 triệu đơn vị và còn dư mua giá trần hơn 6,2 triệu đơn vị.
Bộ ba cổ phiếu nhà Vin bùng nổ, với VIC và VRE tăng trần lên 64.600 đồng và 28.400 đồng, trong khi VHM cũng áp sát giá trần +6,8% lên 47.950 đồng, và riêng VIC và VHM là đóng góp chính cho VN-Index với hơn 7,5 điểm tích cực.
Các cổ phiếu bluechip khác cũng vươn lên mạnh mẽ, như MSN +6,7% lên 97.000 đồng, STB +6,5% lên 17.200 đồng, KDH +6,4% lên 21.500 đồng, SSI +6,4% lên 15.800 đồng, với STB khớp lệnh cao nhất nhóm với 35,1 triệu đơn vị, SSI theo ngay sau với 23,3 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu tăng tốt còn có VIB, FPT, HDB, ACB, MWG, TCB, MBB với mức tăng từ 2,3% đến 4%. Các mã VNM +2%, VCB +1,9% SAB +1,2% cùng VJC, BVH, CTG nhích nhẹ.
Trái lại, hai cổ phiếu NVL và PDR vẫn chưa được “giải cứu” và tiếp tục nằm sàn tại 31.400 đồng và 19.700 đồng, và còn dư bán sàn hơn 47,8 triệu đối với NVL và 95 triệu cổ phiếu với PDR.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, đáng chú ý nhất là tại các cổ phiếu thép, khi nhà đầu tư tranh nhau gom hàng, ngoài HPG còn dư mua hơn 6,2 triệu đơn vị nêu trên thì HSG và NKG dư mua giá sàn hơn 5,56 triệu và 3,05 triệu đơn vị, với HSG khớp 5,68 triệu đơn vị và NKG khớp 3,72 triệu đơn vị.
Các cổ phiếu khác trong nhóm như TLH, POM, SMC cũng tăng trần, nhưng khối lượng giao dịch không quá lớn.
Nhóm cổ phiếu bất động sản, xây dựng không khác nhiều so với cuối phiên sáng, với những cái tên đứng vững ở giá trần như LDG, SGR, DXG, HHS, NVT, ITA, NHA, NLG, QCG, SCR, TCD, LHG, DRH, HQC...với khối lượng dư mua trần từ vài trăm nghìn đến hàng triệu đơn vị…
Trong khi cổ phiếu đáng nhắc đến khác trong nhóm này là DIG đã hạ nhiệt, khi lùi từ giá trần về chỉ còn +3,2% lên 11.150 đồng, khớp 16,8 triệu đơn vị.
Nhóm cổ phiếu công ty chứng khoán cũng có thêm những mã tăng vọt với HCM, CTS, VIX, TVB, APG, FTS tăng kịch trần. Các mã ORC, VCI, VDS, BSI, VND, AGR tăng từ 3,1% đến 5,8%.
Các cổ phiếu nguyên vật liệu, nông nghiệp, dịch vụ, tiện ích khác có sắc tím còn phải kể đến BWE, BMC, DAG, HAG, HSL, APH, JVC, TTF, YEG, QBS, GIL, ITD…Trong đó, HAG dù chỉ khớp được hơn 1,6 triệu đơn vị, nhưng đã dư mua giá trần hơn 9,51 triệu đơn vị, cao nhất sàn.
Ở chiều ngược lại, không nhiều cổ phiếu giảm mạnh, nhưng giao dịch thu hút nhà đầu tư nhất là EIB.
Cổ phiếu EIB trong phiên sáng có thời điểm dư bán giá sàn hơn 60 triệu đơn vị. Dù vậy, lực mua mạnh sau thời điểm 14h chiều đã kéo mã này một mạch từ giá sàn lên giá xanh tăng 2,5%, với gần gần 29 triệu cổ phiếu được sang tay chỉ trong vài phút.
Tuy nhiên, áp lực bán đã quay lại khiến cổ phiếu này lùi về giá sàn tại 18.150 đồng, khớp lệnh gần 51 triệu đơn vị, cao nhất thị trường và là mức cao kỷ lục từ trước đến nay của EIB.
Một cổ phiếu khác là HPX cũng đã giảm sàn về 15.000 đồng và mất thanh khoản trong nhiều phiên gần đây, với khối lượng dư bán sàn hơn 26,1 triệu đơn vị.
Trên sàn HNX, chỉ số HNX-Index cũng có nhịp chùng xuống ngay khi bước vào phiên chiều, trước khi hồi dần lại ở nửa sau của phiên, nhưng không đủ giúp chỉ số này trở lại mức đỉnh trong ngày.
Đóng cửa, sàn HNX có 152 mã tăng và 37 mã giảm, HNX-Index tăng 4,41 điểm (+2,4%), lên 187,86 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 70,4 triệu đơn vị, giá trị 737,8 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 4,23 triệu đơn vị, giá trị 58,8 tỷ đồng.
Nhiều cổ phiếu giao dịch tích cực và đóng cửa ở giá trần có SHS, CEO, MST, TNG, IDJ, AMV, TAR, API, BII, TKC, APS VGS, LAS, DTD…trong đó, SHS khớp lệnh cao nhất sàn với hơn 15,7 triệu đơn vị, CEO khớp gần 7 triệu đơn vị, MST khớp 6,35 triệu đơn vị.
Tăng khác còn có HUT +8,5%, MBS +7,1%, TIG +3,6%, MBG +5,4%, trong khi PVC, DDG chỉ nhích nhẹ.
Trái lại, VC2 và VKC giảm sàn tại 10.600 đồng và 1.400 đồng, với VKC biến động mạnh, khi có thời điểm đã vọt lên mức giá trần.
Hai cổ phiếu khác là PVS và IDC đi ngược xu hướng, khi đóng cửa trong sắc đỏ, dù chỉ mất điểm nhẹ, khớp 5,85 triệu và 4,73 triệu đơn vị.
Trên UpCoM, chỉ số UpCoM-Index cũng lùi bước nhẹ khi bước vào phiên chiều, nhưng sắc tím nở rộ cũng đã giúp chỉ số này bật lên và đóng cửa ở mức cao nhất ngày.
Chốt phiên, với 215 mã tăng (89 mã tăng trần), UpCoM-Index tăng 1,21 điểm (+1,86%), lên 66,54 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 28,3 triệu đơn vị, giá trị 283 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 3,48 triệu đơn vị, giá trị 105,3 tỷ đồng.
Rất nhiều cổ phiếu ở nhóm thanh khoản tốt như TVN, VHG, VGI, PXL, VGT, OIL, SBS, ABB, PAS và BSR đã tăng hết biên độ, với BSR khớp lệnh cao nhất UpCoM khi có 6,34 triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều tăng, với VN30F2211 đáo hạn hôm nay tăng 14,9 điểm, tương đương +1,56% lên 972,5 điểm, khớp lệnh hơn 291.500 đơn vị, khối lượng mở hơn 24.200 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, dù sắc xanh chiếm đa số, nhưng top 6 mã thanh khoản cao nhất thì có 4 mã giảm và 2 mã đứng tham chiếu. Trong đó, CMWG2211 giảm sàn -50% xuống 10 đồng/cq, còn CMBB2210 đứng tham chiếu tại 60 đồng/cq, khớp lệnh cao nhất với 2,6 triệu đơn vị.