Cổ phiếu năng lượng "phập phù" theo thị trường

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Thị trường chứng khoán lao dốc nên nhiều cổ phiếu trong nhóm ngành năng lượng cũng sụt giảm, thậm chí mức độ giảm mạnh hơn thị trường chung, dù kết quả kinh doanh khả quan và có triển vọng tăng trưởng dài hạn.
Hiện cả nước có 62 dự án năng lượng tái tạo, trong đó, 37 dự án điện mặt trời chưa kịp hoàn thành để hưởng cơ chế giá FIT. Hiện cả nước có 62 dự án năng lượng tái tạo, trong đó, 37 dự án điện mặt trời chưa kịp hoàn thành để hưởng cơ chế giá FIT.

Thách thức chung và riêng

Kể từ đầu tháng 9/2022 đến ngày 8/11, VN-Index giảm từ hơn 1.280 điểm xuống 981,6 điểm, tương đương giảm 25%. Trong cùng khoảng thời gian, nhiều cổ phiếu ngành năng lượng tái tạo có mức giảm giá mạnh hơn như mã BCG của Công ty cổ phần Bamboo Capital giảm 58%, mã GEG của Công ty cổ phần Điện Gia Lai giảm 46%, mã PC1 của Công ty cổ phần Tập đoàn PC1 giảm 51%..., khiến thị giá giảm xuống dưới giá trị sổ sách (hệ số P/B nhỏ hơn 1).

Cổ phiếu của một số doanh nghiệp kinh doanh đa ngành, trong đó có mảng năng lượng, cũng có định giá giảm dần, P/B chỉ từ 1 - 1,4, như mã HDG của Công ty cổ phần Tập đoàn Hà Đô, mã REE của Công ty cổ phần Cơ điện lạnh, mã NT2 của Công ty cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2...

Định giá cổ phiếu nhóm năng lượng trở nên hấp dẫn, nhưng không ít nhà đầu tư chưa có đủ niềm tin để “xuống tiền”, bởi thị trường chung vẫn đang gặp khó khăn, thanh khoản giảm, tâm lý nhà đầu tư thận trọng.

Trong khi đó, nút thắt về chính sách trong lĩnh vực năng lượng tái tạo chưa được tháo gỡ. Cụ thể, mức giá FIT ưu đãi cho điện mặt trời đã hết hiệu lực từ 1/11/2021, doanh nghiệp chưa có khung giá điện năng lượng tái tạo chuyển tiếp. Hiện cả nước có 62 dự án năng lượng tái tạo, trong đó, 37 dự án điện mặt trời chưa kịp hoàn thành để hưởng cơ chế giá FIT.

Thách thức khác là các doanh nghiệp đầu tư dự án nhà máy điện rất tốn kém, cần huy động dòng tiền lớn và thời gian thu hồi vốn dài, nhưng giá bán điện được quy định có thời hạn ngắn, khiến nhà đầu tư và tổ chức tín dụng gặp khó khăn trong tính toán hiệu quả.

Ngoài ra, hiện nay, điện mặt trời chưa chủ động được công suất phát điện, không ít nhà máy sau khi đi vào hoạt động phải cắt giảm sản lượng, thời điểm cao nhất cũng chỉ hoạt động 60% công suất, do tình trạng dư cung ở một số vùng, miền. Trước đó, tình trạng đầu tư ồ ạt nhằm hưởng giá FIT tại các tỉnh như Ninh Thuận, Bình Thuận, Đắk Lắk khiến lưới điện truyền tải tại các khu vực này liên tục chịu áp lực.

Kết quả kinh doanh khả quan

Nhìn vào bức tranh kinh doanh 9 tháng đầu năm 2022, mảng năng lượng vẫn đang đóng góp tốt cho tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp.

Ông Phạm Minh Tuấn, Phó tổng giám đốc Bamboo Capital cho biết, tính đến hết tháng 9/2022, các dự án năng lượng tái tạo của Công ty vận hành với hiệu suất từ 97 - 105%. Mảng năng lượng được Bamboo Capital xác định là mảng phát triển mũi nhọn trong giai đoạn 2024 - 2026. Công ty đã nhìn thấy tiềm năng lớn của các dự án điện mặt trời áp mái.

Trong 9 tháng đầu năm 2022, Bamboo Capital đạt doanh thu 3.354 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 885 tỷ đồng, lần lượt tăng 76% và 26% so với cùng kỳ năm 2021.

Bà Trần Huyền Trang, Phó tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng và Phát triển Trường Thành (mã chứng khoán TTA) cho hay, tính đến cuối tháng 9/2022, doanh nghiệp đạt doanh thu 626 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 186 tỷ đồng, lần lượt tăng 28% và 77% so với cùng kỳ năm ngoái. Sản lượng điện tại các nhà máy thủy điện gia tăng đã góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh. Bên cạnh đó, các nhà máy điện mặt trời hoạt động ổn định, chi phí hoạt động sản xuất - kinh doanh của các nhà máy được kiểm soát.

Tại Công ty cổ phần Điện Gia Lai, trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp ghi nhận doanh thu 1.597 tỷ đồng, tăng 70%; lợi nhuận sau thuế 297 tỷ đồng, tăng 64% so với cùng kỳ năm ngoái; biên lợi nhuận ròng đạt 19%.

Theo Điện Gia Lai, doanh thu bán điện trở thành nguồn thu chính của Công ty, với tỷ trọng 92%. Doanh nghiệp đang vận hành và thi công 23 nhà máy năng lượng tái tạo đa dạng các loại hình gồm điện mặt trời, điện áp mái, điện gió tại 14 tỉnh, thành phố, với tổng công suất 728 MWP.

Trong tháng 10 vừa qua, Điện Gia Lai đã huy động được 642 tỷ đồng từ phát hành riêng lẻ 64,2 triệu cổ phiếu cho Quỹ đầu tư Deutsche Ivestitions Und Entwicklungsge Sellschaft MBH của Đức, để đầu tư phát triển các dự án nhà máy điện mặt trời, điện gió.

Ngược lại, một số doanh nghiệp ghi nhận kết quả kinh doanh sụt giảm như Tập đoàn PC1. Trong 9 tháng đầu năm 2022, doanh nghiệp đạt doanh thu 5.994 tỷ đồng, giảm gần 22%; lợi nhuận 251 tỷ đồng, giảm 56,5% so với cùng kỳ năm ngoái; chi phí tài chính quý III cũng như lũy kế 9 tháng đầu năm 2022 đều tăng.

Tập đoàn PC1 lý giải, cả 3 dự án điện gió đi vào vận hành nên chi phí lãi vay phát sinh không còn được vốn hóa (vốn hóa chi phí lãi vay là việc chi phí đi vay phát sinh trong quá trình đầu tư xây dựng hoặc sản xuất tài sản dở dang được tính vào giá trị của tài sản đó), khiến chi phí tăng.

Ngoài ra, tỷ giá VND/USD có xu hướng đi lên làm tăng chi phí tài chính khi đánh giá chênh lệch tỷ giá toàn bộ số dư khoản vay ngoại tệ trong vòng 15 năm của 3 nhà máy điện gió vào kết quả kinh doanh năm 2022.

Tuy nhiên, chi phí này không phải thanh toán ngay nên không ảnh hưởng đến dòng tiền thực tế của Công ty. Mặt khác, giá bán điện của các nhà máy tính theo đồng USD nên tỷ giá tăng có ảnh hưởng tích cực đến giá bán và doanh thu.

Tiềm năng dài hạn

Giữa bối cảnh thị trường có nhiều biến động, nhà đầu tư cần nhìn vào hoạt động kinh doanh thực và giá trị cốt lõi của doanh nghiệp để giữ niềm tin ở lại.

Ông Phạm Minh Tuấn chia sẻ, Ban lãnh đạo Bamboo Capital tin tưởng bức tranh dài hạn tới năm 2025 - 2026 vẫn sẽ như kỳ vọng. Trong đó, mảng năng lượng tái tạo tiếp tục được xác định là mảng kinh doanh mũi nhọn.

Trong khi đó, tại Tập đoàn PC1, Công ty Chứng khoán VietinBank đánh giá, mảng năng lượng tái tạo sẽ tiếp tục gặt hái thành công, nâng tổng công suất điện lên gần 400 MW, doanh thu dự phóng năm 2022 tăng 51% so với năm 2021. Ngoài ra, hoạt động xây lắp điện hồi phục mạnh, có thể duy trì đà tăng trưởng 16% trong giai đoạn 2021 - 2025. Các mảng kinh doanh khác như khai thác khoảng sản, bất động sản khu công nghiệp là điểm sáng, mang lại biên lợi nhuận tốt cho doanh nghiệp.

Đối với Cơ điện lạnh, công ty này có thể tạo được dòng doanh thu ổn định nhờ cả 3 dự án điện gió đều được hưởng giá bán ưu đãi FIT trong 20 năm kể từ năm 2020.

Tương tự, tất cả các nhà máy điện do Điện Gia Lai sở hữu và vận hành đều được hưởng ưu đãi giá FIT 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại.

Với Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2, doanh nghiệp đang quản lý vận hành và khai thác Nhà máy điện Tuabin khí Nhơn Trạch 2, có khả năng cung cấp lên lưới điện quốc gia 4,5 - 4,8 tỷ kWh/năm, chiếm 2 - 2,5% tổng sản lượng điện phát lên hệ thống.

Hiện tại, các doanh nghiệp đang ngóng chờ chính sách tại Quy hoạch Điện VIII sẽ sớm được thông qua, có cơ chế giá mới phù hợp cho điện mặt trời và điện gió.

Theo dự thảo Quy hoạch Điện VIII, quy mô điện mặt trời và điện gió vào năm 2030 tương ứng là gần 19.500 MW và 28.480 MW. Đến năm 2050, quy mô điện trời lên đến 168.900 MW và điện gió lên tới 153.550 MW. Năng lượng tái tạo sẽ được phát triển mạnh mẽ, tỷ lệ đóng góp của điện tái tạo từ 48,8% năm 2020 (bao gồm thủy điện, không bao gồm điện mặt trời mái nhà) tăng lên 66,2% vào năm 2050.

Dư địa tăng trưởng của doanh nghiệp ngành năng lượng tái tạo được đánh giá còn lớn. Cổ phiếu nhóm ngành này đang chờ đợi cú huých từ các động thái mới về chính sách để bật lên.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục