Lợi nhuận doanh nghiệp cao su đi xuống

0:00 / 0:00
0:00
Giá cao su biến động là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận quý III của nhiều doanh nghiệp trong ngành suy giảm theo.

Quý III, giá cao su có xu hướng giảm do lo ngại về nhu cầu ở Trung Quốc chậm lại vì nắng nóng làm gián đoạn sản xuất và các đợt đóng cửa kéo dài ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất. Sản lượng xuất khẩu dù có tăng 6% về lượng nhưng giảm khoảng 2% về giá trị so với cùng kỳ do giảm giá cao su, theo tính toán quý III từ Tổng cục Hải quan.

Diễn biến này phản ánh vào kết quả kinh doanh của nhóm doanh nghiệp ngành cao su. Khảo sát 13 doanh nghiệp niêm yết HoSE, HNX và giao dịch UPCoM thì có 8 doanh nghiệp giảm lãi, chỉ 3 tăng lãi và 2 đơn vị lỗ.

Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam (HoSE: GVR) có lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 33% so với cùng kỳ năm trước, đạt 835 tỷ đồng. Giải trình, tập đoàn cho biết tình hình kinh tế chung biến động theo chiều hướng giảm làm doanh thu bán hàng quý III giảm, giá bán giảm so với cùng kỳ trong khi giá cả nhiều mặt hàng đầu vào tăng mạnh so với cùng kỳ làm lãi gộp giảm đáng kể. Các đơn vị thành viên trích lập dự phòng do suy giảm giá trị đầu tư sang Lào do sự suy giảm giá trị của đồng kip Lào.

Cao su Phước Hòa (HoSE: PHR) cũng chung tình cảnh tương tự, khi chi phí đầu vào tăng làm giá vốn tăng kéo lùi biên lãi gộp giảm 20%. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ quý này chỉ đạt 122 tỷ đồng, giảm 16% cùng kỳ.

Cao su Tân Biên (UPCoM: RTB) có lãi sau thuế cổ đông công ty mẹ giảm 96% so với cùng kỳ năm trước, đạt 4,4 tỷ đồng. Công ty giải trình doanh thu giảm 35% (tương ứng 75 tỷ đồng) do giảm sản lượng tiêu thụ 1.900 tấn; thu nhập từ thanh lý vườn cây cao su cũng giảm trong khi các loại chi phí đều tăng.

Một số doanh nghiệp khác có lợi nhuận tăng trưởng, như Cao su Đồng Phú (HoSE: DPR), Cao su Hòa Bình (HoSE: HRC), Cao su Công nghiệp (UPCoM: IRC). Tuy nhiên, sự tăng trưởng không đến từ kinh doanh cốt lõi. Lợi nhuận Cao su Hòa Bình tăng 17%, đạt 0,7 tỷ đồng do cắt giảm chi phí quản lý. Lợi nhuận Cao su Đồng Phú tăng 29%, đạt 85 tỷ đồng và Cao su Công nghiệp gần 19 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 6 tỷ đồng) đều do thanh lý cây cao su.

Báo cáo chiến lược tháng 11 của Công ty chứng khoán ACBS ghi nhận giá cao su tự nhiên kỳ hạn trên sàn giao dịch hàng hóa Tokyo giảm 4,6% trong bối cảnh lo ngại về cung vượt cầu và nhu cầu chậm lại từ Trung Quốc trong khi nhiều thành phố bước vào đợt phong tỏa mới. Gần đây, thành phố Chongquing, một trong những trung tâm sản xuất ô tô lớn nhất của Trung Quốc, đã ban hành lệnh cắt giảm điện để tiết kiệm năng lượng trong bối cảnh xảy ra các đợt nắng nóng chưa từng có khiến nhiều nhà máy phải đóng cửa. Bên cạnh đó, tăng trưởng kinh tế toàn cầu chậm lại sau khi các ngân hàng trung ương tăng lãi suất để kiềm chế lạm phát và tình trạng thiếu chip kéo theo nhu cầu đối với các sản phẩm cao su như phụ tùng ô tô đã làm giảm triển vọng nhu cầu.

ACBS cho rằng giá cao su sẽ khó tăng trở lại do nhu cầu suy giảm.

Kim Ngân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục