Những tưởng thị trường sẽ hồi phục nhờ sự khởi sắc của nhóm cổ phiếu bluechip nhưng áp lực bán thường trực nhanh chóng khiến thị trường quay đầu. Sau nửa đầu phiên sáng rung lắc khá mạnh, chỉ số VN-Index đã lấy lại được mốc 830 điểm và chỉ điều chỉnh nhẹ trước khi chốt phiên sáng.
Bước sang phiên chiều, tâm lý thận trọng khiến thị trường chưa tìm thấy điểm sáng. Sau vài phút đi ngang đầu phiên, lực bán dâng cao khiến VN-Index xuyên thủng mốc 825 điểm.
Ngay khi xuyên qua mức giá này, lực cầu nhập cuộc đã kích thích thị trường đảo chiều đi lên. Tuy nhiên, trong khi áp lực bán vẫn khá lớn, việc dòng tiền tham gia dè dặt khiến VN-Index chỉ thu hẹp đà giảm chút ít.
Chốt phiên, sàn HOSE có 100 mã tăng và 248 mã giảm, VN-Index giảm 5,37 điểm (-0,65%), xuống 827,03 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 301,89 triệu đơn vị, giá trị 5.253,47 tỷ đồng, giảm 11,5% về khối lượng và 30,35% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp hơn 43,6 triệu đơn vị, giá trị 1.014,13 tỷ đồng.
Nhóm VN30 chỉ còn 6 mã giữ được sắc xanh, trong đó cặp đôi lớn VHM và VIC vẫn là trụ đỡ chính với mức tăng đều trên 1%, còn SBT, VPB, VRE, EIB nhích nhẹ.
Mặt khác, sắc đỏ vẫn bao phủ trên diện rộng với 20 mã bluechip mất điểm, đáng kể là BID -2,8% xuống 38.600 đồng/CP, BVH -2,9% xuống 48.250 đồng/CP, CTG -2,1% xuống 20.900 đồng/CP, PLX -2,4% xuống 44.500 đồng/CP, MSN -2,8% xuống 62.100 đồng/CP.
Cổ phiếu lớn VNM cũng nới rộng biên độ giảm sau thông tin chính thức về việc mua lại 17,5 triệu cổ phiếu quỹ từ ngày 21/5 đến 20/6. Kết phiên, VNM -1,9% xuống 110.800 đồng/CP và khớp lệnh 2,32 triệu đơn vị.
Hôm nay, REE tổ chức ĐHĐCĐ thường niên 2020 và đã khá tự tin với kế hoạch kinh doanh dù đã đưa ra vào thời điểm trước khi có đại dịch Covid-19 vào tháng 11/2019.
Theo đó, REE đã đặt kế hoạch lợi nhuận 1.620 tỷ đồng và dự kiến trong tháng 7 tới đây sẽ công bố thông tin về tân Tổng giám đốc, vị trí chủ chốt khuyến thiếu trong nhiều năm qua.
Chủ tịch HĐQT Nguyễn Thị Mai Thanh đã tiết lộ, sau thời gian nhờ các công ty săn đầu người để tìm kiếm nhưng không thành, REE đã lựa chọn nhân sự xuất sắc trong nội bộ, cử đi đào tạo nước ngoài trong vòng 2 năm. Và giờ đây, HĐQT REE thống nhất và đã lựa chọn được nhân sự.
Tuy nhiên diễn biến cổ phiếu REE vẫn tiếp tục để mất điểm sau đợt tăng liên tục từ đầu tháng 5. Đóng cửa, REE -1,7% xuống mức 31.400 đồng/CP, đây cũng là mức giá mở cửa của cổ phiếu này.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, HSG tiếp tục nới rộng biên độ khi -2,32% xuống 8.850 đồng/CP và vẫn giữ vị trí dẫn đầu thành khoản trên HOSE với khối lượng khớp lệnh 9,75 triệu đơn vị.
Trong khi đó, TTF bảo toàn sắc tím với thanh khoản tăng nhẹ so với phiên sáng, đạt 4,67 triệu đơn vị khớp lệnh và dư mua trần 213.990 đơn vị.
Trên sàn HNX, giao dịch phiên chiều cũng có phần tiêu cực hơn khi đà giảm nới rộng do áp lực bán gia dâng cao.
Chốt phiên, sàn HNX có 65 mã tăng và 80 mã giảm, HNX-Index giảm 2,32 điểm (-2,08%), xuống 109,02 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 70,69 triệu đơn vị, giá trị 592,24 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 2 triệu đơn vị, giá trị 41,53 tỷ đồng.
Tâm điểm đáng chú ý là cổ phiếu ngân hàng SHB bất ngờ bị xả mạnh và rơi xuống mức giá sàn 15.500 đồng/CP, giảm 9,9% với khối lượng khớp lệnh 4,37 triệu đơn vị. Đây là một trong những nhân tố chính đẩy thị trường đi xuống.
Bên cạnh đó, một số bluechip khác cũng có tác động thiếu tích cực như PVI -7,5% xuống 30.900 đồng/CP, VCS -2,3% xuống 64.600 đồng/CP, DGC -2,2% xuống 31.200 đồng/CP.
Trái lại, ACB đã chính thức lấy lại sắc xanh sau 2 phiên điều chỉnh trước đó. Kết phiên, ACB +1,4% lên 21.700 đồng/CP với khối lượng khớp lệnh 6,93 triệu đơn vị, đứng thứ 3 về thanh khoản trên HNX.
Cặp đôi giao dịch sôi động nhất sàn HNX là HUT và ART với khối lượng khớp lệnh lần lượt đạt 13,16 triệu đơn vị và 8,52 triệu đơn vị. Kết phiên, HUT đứng giá tham chiếu, còn ART +6,67% lên 3.200 đồng/CP.
Trên UPCoM, đà giảm cũng nới rộng hơn trong phiên chiều.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 0,33 điểm (-0,62%), xuống 53,15 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 25,68 triệu đơn vị, giá trị 204,81 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận chỉ có thêm 11,9 tỷ đồng.
Các mã lớn có phần nới rộng biên độ giảm như ACV -1,4% xuống 57.900 đồng/CP, VGI -0,7% xuống 27.200 đồng/CP, OIL -2,4% xuống 8.000 đồng/CP, VGT -4,7% xuống 8.200 đồng/CP, BCM -0,4% xuống 23.400 đồng/CP, VEA -3,1% xuống 37.500 đồng/CP…
Cổ phiếu BSR vẫn dẫn đầu thanh khoản với hơn 6,8 triệu đơn vị được giao dịch thành công và kết phiên đứng tại mốc tham chiếu 6.500 đồng/CP.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều mất điểm, trong đó, VNF30F2005 giảm 0,17% xuống 766,7 điểm, với khối lượng khớp lệnh 185.787 đơn vị, khối lượng mở 24.456 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, chỉ có 8 mã tăng và 5 mã đứng giá, còn lại đều giảm. Giao dịch sôi động nhất tại CMWG2001 với 73.504 đơn vị khớp lệnh, kết phiên giảm 16,67% xuống 50 đồng/cq.