Vui thôi, đừng vui quá!

(ĐTCK) Các nhận định về TTCK Việt Nam cũng giống như nhận định về TTCK Mỹ và một số nước khác, đang bị chia rẽ bởi hai quan điểm đối lập nhau.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Một bên đang hào hứng chứng kiến thị trường khởi sắc, thu hút dòng tiền lãi suất thấp vào đầu tư, còn một bên thận trọng đứng ngoài khi dự báo về kết quả kinh doanh quý II của các doanh nghiệp niêm yết sẽ còn tệ hơn quý I nhiều.

Trong chia sẻ với phóng viên Ðầu tư Chứng khoán tuần trước, tổng giám đốc một quỹ ngoại lớn ở Việt Nam nêu quan điểm: “Tôi nghĩ, TTCK toàn cầu đang chạy trước sự thật”. Nhiều nhà phân tích gần đây cũng đưa ra bình luận hàm ý tương tự về mối liên quan giữa sự phục hồi của  TTCK và nền kinh tế dường như có một khoảng cách khá xa.

Tại Việt Nam, nói về TTCK, bình luận mới được đưa ra gần đây là “vui thôi, chứ đừng vui quá” trong bối cảnh nhiều nhà đầu tư trong nước đã chốt lời và chọn cách đứng ngoài quan sát khi thị trường bật mạnh phiên cuối tuần trước, cũng là phiên tự doanh và khối ngoại cùng mạnh mẽ mua vào.

So với điểm đáy thời đại dịch (666 điểm của VN-Index vào 23/3/2020) thì TTCK hiện nay đã tăng trên 25%, một mức lợi suất đáng mơ ước với các nhà đầu tư mua được tại đáy và giữ đến hôm nay.

Các cổ phiếu tăng giá mạnh so với đáy có thể chia làm 2 loại, một loại đang điều chỉnh ngược, nhằm sửa sai cho mức suy giảm mạnh do bán tháo vì nỗi lo đại dịch.

Loại khác là tăng theo kỳ vọng của nhà đầu tư. Kỳ vọng đầu tư công, kỳ vọng thị trường châu Âu mở cửa trở lại, kỳ vọng lực mua của cổ đông nội bộ và mua cổ phiếu quỹ của doanh nghiệp…, khiến giá nhiều cổ phiếu lấy lại thời giá trước khi dịch bệnh Covid-19 tràn ra toàn cầu.

Trong khi đó đại đa số doanh nghiệp bắt đầu nhận diện rõ hơn về tác động của dịch bệnh đến đình trệ sản xuất và tiêu dùng sau khi khởi động lại sau giãn cách, buộc họ phải điều chỉnh lại kế hoạch kinh doanh ở mức khiêm tốn hơn dự kiến.

Chẳng hạn, CTCP Ðầu tư thế giới di động (MWG) ghi nhận hiệu quả quý I/2020 rất ấn tương với doanh thu thuần đạt 29.352 tỷ đồng, tăng trưởng 17%, lợi nhuận sau thuế đạt 1.132 tỷ đồng, tăng 9% so với cùng kỳ năm trước. Doanh thu online đạt hơn 2.000 tỷ đồng, đóng góp 7% tổng doanh thu.

Tuy nhiên sang tháng 4, tình hình khác hẳn. Doanh thu tháng này sụt giảm 20% và tập đoàn này trong cuộc gặp nhà đầu tư trực tuyến mới đây cho biết, sẽ giảm kế hoạch lợi nhuận năm 2019 theo mục tiêu phấn đấu hoàn thành 80% kế hoạch đã đặt ra.

Tại CTCP Tập đoàn xây dựng Hoà Bình, kế hoạch lợi nhuận năm nay cũng được điều chỉnh xuống 200 tỷ đồng từ mức hơn 700 tỷ đồng dự kiến ban đầu...

Nhiều tập đoàn lớn khác dù chưa nói ra, nhưng rất thận trọng với kế hoạch năm nay khi nhìn vào mức sụt giảm của quý I và dự báo tình hình quý II.

Trong khối ngân hàng, nhiều đơn vị đang đau đầu tính việc điều chỉnh kế hoạch kinh doanh 2020, trong đó Ngân hàng TMCP Xuất nhập khẩu Việt Nam (EIB) đã điều chỉnh lợi nhuận trước thuế về 1.318 tỷ đồng, giảm mạnh 40% so với dự kiến đưa ra đầu năm 2020.

Khối các công ty bất động sản, dù có bàn giao được dự án thì khả năng ghi nhận doanh thu và lợi nhuận cũng không chắc chắn, bởi người mua có đủ tài chính trả nốt (thường là 25-30% giá trị căn nhà) để nhận nhà hay không đang là ẩn số.

Việc ghi nhận doanh thu và lợi nhuận của doanh nghiệp bất động sản không chỉ phụ thuộc vào tiến độ hoàn thành dự án, mà còn cả tiến độ bàn giao cho khách hàng.

Ðây cũng là lý do CTCP Ðầu tư Nam Long dự kiến mức lợi nhuận thấp cho năm nay, mặc dù kế hoạch 3 năm vẫn không thay đổi. Tức phải có thời gian để thị trường phục hồi.

Các doanh nghiệp cần nhiều thời gian để trở lại hoạt động sản xuất - kinh doanh bình thường, nhưng dòng tiền trên TTCK không ngừng chảy từng giờ, từng ngày theo những cảm nhận và dự báo khác nhau của nhà đầu tư.

Nhiều nhà đầu tư đang nhắc nhau “vui thôi, đừng vui quá”, cũng là để nhắc mình thêm thận trọng, đừng để kỳ vọng chạy trước quá xa sức khỏe kinh doanh của các doanh nghiệp, bởi kỳ vọng càng cao thì rủi ro càng lớn.

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục