Cổ tức tiền mặt: “Con bò sữa” của các cổ đông lớn

(ĐTCK) Theo “vết chân” của các cổ đông lớn đầu tư vào những doanh nghiệp có mức tăng trưởng ổn định hàng năm và chính sách cổ tức hấp dẫn là một trường phái mà nhiều nhà đầu tư đang thực hiện. 
Cổ tức tiền mặt: “Con bò sữa” của các cổ đông lớn

Ưu tiên những doanh nghiệp chia cổ tức hấp dẫn, đều đặn hàng năm, nhất là bằng tiền mặt đang được nhiều nhà đầu tư lựa chọn khi quyết định giao dịch.

Nhưng thực tế, có những cổ phiếu có giá giảm mạnh hơn so với mức cổ tức được nhận. Ngoài điều chỉnh kỹ thuật thì cổ phiếu giảm vì những tin không tích cực liên quan đến công ty, chẳng hạn giá đầu vào tăng, thị trường bất ngờ gặp khó khăn… khiến kết quả kinh doanh suy giảm.

Cũng có một số doanh nghiệp, dù chia cổ tức lớn nhưng chỉ một vài quý sau đã có kết quả hoạt động xuống dốc.

Do đó, điều quan trọng là phải tìm cổ phiếu chia cổ tức tiền mặt đều hàng năm, đồng thời doanh nghiệp phải tăng trưởng, có vị thế đầu ngành. Cái khó với nhà đầu tư là kỹ năng, kiến thức, phân tích, kinh nghiệm…, để tìm ra những doanh nghiệp như vậy.

Vì vậy, một trường phái đầu tư mới xuất hiện là “lọc” những doanh nghiệp có các cổ đông lớn đã đi cùng doanh nghiệp nhiều năm.

Kết quả cho thấy có nhiều lựa chọn hơn để nhà đầu tư có thể rót tiền vào, đặc biệt ở những doanh nghiệp có cổ đông lớn nhà nước thường có cổ tức cao bằng tiền mặt.

Cổ phiếu GAS của Tổng công ty Khí Việt Nam-CTCP là một ví dụ, cổ tức hàng năm thường xuyên ở mức 35 - 40%, thậm chí có năm đạt hơn 50% bằng tiền.

Trong cơ cấu cổ đông GAS, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) chiếm đến 95,8% vốn, theo đó, chính sách cổ tức cao hàng năm mang lại nguồn thu lớn cho Tập đoàn.

“Tôi tin tưởng rằng, xu hướng cổ tức cao vẫn sẽ tiếp tục diễn ra ở GAS khi PVN chưa có kế hoạch thoái vốn cụ thể, dù rằng tình hình kinh doanh của GAS đang bị tác động bởi dịch Covid-19 và giá dầu giảm sâu”, một nhà đầu tư theo trường phái này chia sẻ.

Lịch sử trả cổ tức các năm gần nhất của GAS cho thấy, năm 2018, GAS trả 5.300 đồng/cổ phiếu (53%/mệnh giá), năm 2017 và 2016 trả 4.000 đồng/cổ phiếu, năm 2015 trả 3.500 đồng/cổ phiếu.

Hay BMP của Công ty cổ phần Nhựa Bình Minh (BMP) là một trong những cổ phiếu được nhiều nhà đầu tư theo chiến lược cổ tức lựa chọn.

Lý do chính là doanh thu tăng trưởng ổn định, lợi nhuận dù có sự đột biến năm 2016 và giảm dần từ năm 2017 đến nay, nhưng về cơ bản vẫn là doanh nghiệp đầu ngành, có lợi thế cạnh tranh và chính sách cổ tức hấp dẫn.

Năm 2019, BMP lên kế hoạch cổ tức tiền mặt 20%, nhưng thực tế, tổng cộng 2 đợt chi trả cổ tức, cổ đông nhận được 40% cổ tức bằng tiền, tương đương 4.000 đồng/cổ phiếu. Năm 2018, BMP trả cổ tức 40%, năm 2017 trả 15% bằng tiền và chia thưởng tỷ lệ 10:8, năm 2016 là 40% và năm 2015 là 60%.

Năm 2018, tại BMP có sự thay đổi cơ cấu cổ đông lớn khi Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) thoái vốn, dẫn đến một số ý kiến quan ngại về chính sách cổ tức có thể thay đổi.

Tuy nhiên, cho đến hiện tại, BMP vẫn duy trì chính sách cổ tức tốt, theo lập luận của một số nhà đầu tư là cổ đông lớn Thái Lan cũng cần nguồn thu từ cổ tức, nên khả năng chính sách này được duy trì.

Nằm trong danh sách sở hữu vốn của Tập đoàn Hoá chất Việt Nam (Vinachem) có nhiều doanh nghiệp trả cổ tức tốt, được xem là con gà đẻ trứng vàng trong Tập đoàn, có thể kể đến như Công ty cổ phần Pin Ắc quy Miền Nam (PAC), Công ty cổ phần Bột giặt Lix (LIX), Công ty cổ phần Bột giặt Net (NET)…

Năm 2019, LIX trả cổ tức bằng tiền đợt 1 là 2.500 đồng/cổ phiếu, năm 2018 là 3.000 đồng/cổ phiếu, năm 2017 là 3.200 đồng/cổ phiếu, năm 2016 là 3.500 đồng/cổ phiếu.

Giá cổ phiếu LIX trong giai đoạn vừa qua có sự bứt phá, nhờ hưởng lợi đầu ra cho sản phẩm trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.

Với thành tích kinh doanh tăng trưởng ổn định qua các năm cả về doanh thu, lợi nhuận (ít nhất trong giai đoạn 2016 - 2019), LIX vẫn đang được các nhà đầu tư ưa thích trong năm 2020 nhờ kỳ vọng kết quả kinh doanh sẽ khả quan hơn, nhất là khi doanh thu và lợi nhuận quý đầu năm đạt 357 tỷ đồng và 32 tỷ đồng, tăng lần lượt 42% và 108% so với cùng kỳ năm ngoái.

Với NET, năm 2019 đã tạm ứng cổ tức đợt 1 là 800 đồng/cổ phiếu, năm 2018 là 2.000 đồng/cổ phiếu, năm 2017 là 2.500 đồng/cổ phiếu, năm 2016 là 2.800 đồng/cổ phiếu.

Quý I/2020, LIX đạt doanh thu hơn 880 tỷ đồng, tăng 54% so với cùng kỳ năm ngoái, chủ yếu nhờ bán sản phẩm nước rửa tay khô On1 giữa đại dịch Covid-19.

Còn PAC đang được giới đầu tư kỳ vọng Vinachem sẽ thoái vốn và kết quả kinh doanh năm 2020 sẽ tốt. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, chưa có thêm thông tin mới về tiến độ thoái vốn của Vinachem tại PAC trong năm nay.

Theo nhiều ý kiến, khả năng thương vụ này chưa xảy ra ngay, vì dù sao, PAC cũng là doanh nghiệp đang làm ăn hiệu quả, có chính sách trả cổ tức cao hàng năm.

Năm 2018, PAC trả cổ tức 2.000 đồng/cổ phiếu, năm 2017 trả 4.500 đồng/cổ phiếu, năm 2016 trả 2.200 đồng/cổ phiếu.

Theo đó, nhà đầu tư cho rằng, nắm giữ cổ phiếu PAC để hưởng cổ tức hàng năm và chờ đợi đến khi có thông tin Vinachem thoái vốn sẽ giúp họ có một khoản đầu tư hiệu quả.

Chia sẻ của các nhà đầu tư đáng để thể tham khảo, nhưng theo lời khuyên của giới chuyên gia phân tích, mỗi nhà đầu tư cần xác định được gu đầu tư.

Căn cơ nhất, khi đầu tư cổ phiếu, nhà đầu tư có 2 nguồn thu từ cổ tức và biến động tăng giá cổ phiếu, nếu chỉ đi theo con đường cổ tức thì cần lựa chọn doanh nghiệp có lịch sử tăng trưởng tốt, lịch sử cổ tức tốt và cập nhật thêm thông tin để có cơ sở cho sự tăng trưởng tiếp theo.

Lựa chọn doanh nghiệp có cổ đông lớn cũng là một tiêu chí, nhưng không hẳn là tiêu chí tiên quyết.

Nhã An

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,290.18 7.09 0.55% 258,687 tỷ
HNX 243.92 1.07 0.44% 1,863 tỷ
UPCOM 91.48 0.35 0.39% 587 tỷ