Chính sách cổ tức không còn chắc chắn

(ĐTCK) Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến khó lường hiện nay, những doanh nghiệp có lịch sử chi trả cổ tức tốt cũng không chắc đã duy trì được chính sách cổ tức.
Ảnh Shutterstock. Ảnh Shutterstock.

Những cổ phiếu có tỷ lệ cổ tức hàng năm cao thường đặc biệt thu hút nhà đầu tư trong giai đoạn thị trường có khuynh hướng bất ổn.

Bởi ngoài việc rủi ro biến động thị giá của các cổ phiếu này ít hơn do hoạt động của doanh nghiệp ổn định thì nhà đầu tư còn được nhận khoản cổ tức hàng năm từ lợi nhuận giữ lại của công ty.

Tuy nhiên, phương pháp đầu tư này đang có những bất cập, do đại dịch Covid-19 khiến nhiều doanh nghiệp trì hoãn việc thanh toán cổ tức và ưu tiên nắm giữ tiền mặt để đề phòng việc doanh thu sụt giảm mạnh, làm ảnh hưởng đến dòng tiền hoạt động trong tương lai.

Trong những ngày qua, nhiều định chế tài chính lớn trên thế giới như HSBC và Standard Chartered đã hủy kế hoạch thanh toán cổ tức cho năm 2020. Airbus và Rolls Royce cũng có quyết định tương tự.

Hai gã khổng lồ trong ngành năng lượng là Exxon Mobile và Royal Dutch từng hào phóng trả cổ tức trong quá khứ hiện cũng đang cắt giảm chi tiêu và huy động thêm vốn chỉ để giữ lời hứa thanh toán cổ tức cho cổ đông.

Sau khi Ngân hàng Trung ương New Zealand (RBNZ) yêu cầu các ngân hàng tạm giữ lại cổ tức, các cơ quan quản lý tài chính của Úc đã thúc đẩy ngân hàng địa phương có động thái tương tự.

Các ngân hàng Anh đã tạm hoãn việc thanh toán cổ tức và ngày càng có nhiều lo ngại rằng ngân hàng Mỹ cũng như vậy.

Ở trong nước, mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã ban hành Chỉ thị yêu cầu các ngân hàng không được chia cổ tức, tiết giảm chi phí để dành nguồn lực hỗ trợ khách hàng vượt qua khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19.

Sat Duhra, Giám đốc Công ty Quản lý quỹ Janus Henderson cho biết, quỹ này đã giảm tỷ trọng cổ phiếu ngành năng lượng và ngân hàng vì một số lý do, bao gồm việc lo ngại về khả năng thanh toán cổ tức của các công ty này.

“Những ngành liên quan đến mảng bản lẻ hay tiếp xúc khách hàng đều gặp khó trong vấn đề chi trả cổ tức. Do đó, chúng tôi đã thoái bất cứ khoản đầu tư nào liên quan tới lĩnh vực nói trên”, Sat Duhra cho biết thêm.

Theo nhận định của Giám đốc Công ty Quản lý quỹ Janus Henderson, chỉ những doanh nghiệp có dòng tiền bền vững như các ngành viễn thông, cơ sở hạ tầng được kỳ vọng sẽ không cắt giảm cổ tức.

Mặc dù các thị trường tài chính lớn đã bị xáo trộn trong thời gian qua, việc nắm giữ các cổ phiếu chia cổ tức vẫn là lựa chọn tiềm năng cho nhà đầu tư, mối quan tâm của họ liên quan đến các vấn đề như khả năng thanh toán và khả năng trì hoãn cổ tức.

Credit Suisse gần đây đã đưa vào danh mục các công ty như Sanofi (ngành dược), BAE Systems (công ty quốc phòng, an ninh, vũ trụ không gian), Philip Morris (sản xuất thuốc lá) và Elisa (công ty viễn thông), trong khi loại Blackrock (tập đoàn quản lý đầu tư toàn cầu) và BP (tập đoàn dầu khí đa quốc gia) ra khỏi danh mục.

Các doanh nghiệp trước đây được cho rằng ổn định cũng bắt đầu gặp khó khăn về dòng tiền.   

 Có thể thấy, xu hướng trên thế giới hiện nay, các doanh nghiệp trước đây được cho rằng ổn định cũng bắt đầu gặp khó khăn về dòng tiền như trung tâm thương mại, cho thuê văn phòng, vận hành chuỗi khách sạn, nhà hàng…

Các doanh nghiệp Việt Nam cũng không nằm ngoài xu hướng này. Ðặc biệt, các doanh nghiệp có lượng tiền mặt tích lũy không nhiều và mọi năm thường lấy tiền tạo mới trong năm để chia cổ tức cho cổ đông càng khó chia cổ tức trong năm nay.

Chẳng hạn, CTCP Dịch vụ ô tô Hàng Xanh (HAX) hoạt động trong mảng thương mại phân phối ô tô, tính tới 31/12/2019 có lượng tiền mặt chỉ  109,6 tỷ đồng, trong khi dự tính phân phối lợi nhuận năm 2019 là 15% tiền mặt, tương ứng 54,9 tỷ đồng.

Ngoài ra, doanh nghiệp còn lên kế hoạch cổ tức năm 2020 là 15%. Việc thực hiện chính sách trả cổ tức sẽ là thách thức lớn với HAX nếu việc giãn cách xã hội tiếp tục thực hiện, hoạt động phân phối ô tô gặp khó khăn.

Hay CTCP CMC (CVT), doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh vật liệu xây dựng luôn thu hút sự quan tâm của giới đầu tư nhờ chính sách cổ tức tiền mặt cao, năm 2018 trả cổ tức bằng tiền mặt tỷ lệ 25%.

Năm 2019, Công ty dự kiến mức cổ tức từ 25 - 30%. Với mức cổ tức này, dự kiến CVT chi ra 91,75 - 110,1 tỷ đồng cổ tức, nhưng lượng tiền mặt tại quỹ của doanh nghiệp ở thời điểm cuối năm 2019 chỉ có 78,8 tỷ đồng.

Trong bối cảnh các hoạt động không thiết yếu bị đóng băng để phòng chống dịch bệnh, việc huy động dòng tiền kinh doanh mới để trả cổ tức cho cổ đông là bài toán nan giải với những doanh nghiệp như CVT.

Chính vì vậy, khi nhà đầu tư xây dựng chiến lược đầu tư hướng tới cổ tức của doanh nghiệp, nên ưu tiên các doanh nghiệp vận hành ngành thiết yếu, lượng tiền mặt ở quỹ đủ lớn và có khả năng chia trả cổ tức.

Vũ Duy Bắc

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục