Như đã nói ở phiên sáng, các mốc hỗ trợ không còn nhiều ý nghĩa và vùng hỗ trợ cứng 1.200 điểm hoàn toàn có thể bị xuyên thủng trong bối cảnh thị trường liên tục chứng kiến những phiên bán tháo mạnh.
Thậm chí, như chuyên gia chứng khoán chia sẻ tại buổi Talkshow kỳ 3 do Báo Đầu tư Chứng khoán vừa tổ chức hôm qua (ngày 12/5), chỉ số VN-Index có thể rơi xuống dưới vùng giá 950 điểm.
Nghỉ ngơi khi thị trường “giông bão”
Trong phiên giao dịch sáng nay, dù thanh khoản có phần cải thiện nhưng không cứu được thị trường thoát khỏi phiên giảm sâu trước áp lực bán lớn gia tăng ở cuối phiên và chỉ số VN-Index đã tạm dừng tại vùng giá thấp nhất trong phiên khi bốc hơi hơn 28 điểm.
Và điều gì đến cũng sẽ đến, khi áp lực bán không hề thuyên giảm mà càng càng tăng mạnh hơn trong phiên chiều, đã nhanh chóng khiến VN-Index thủng “ngưỡng hỗ trợ mạnh” 1.200 điểm chỉ sau hơn 40 phút mở cửa.
Mặc dù có nỗ lực bật ngược đi lên nhưng dưới áp lực bán mạnh trên diện rộng, thị trường khó có thể tiến xa mà nhanh chóng giật lùi trở lại. Hàng trăm mã giảm điểm, trong đó có tới 199 mã giảm sàn trên sàn HOSE đã khiến VN-Index bốc hơi tới hơn 56 điểm và rơi xuống sát mốc 1.180 điểm.
Tâm điểm hiện nay đang nằm ở thị trường phái sinh với thanh khoản đột biến. Đã có ngững nghi vấn về việc tay to bán mạnh ở thị trường cơ sở để kiếm lời trên thị trường phái sinh khi short mạnh.
Chứng khoán phái sinh gây sức ép lên thị trường cơ sở?
Đóng cửa, sàn HOSE có 37 mã tăng và 436 mã giảm (199 mã giảm sàn), VN-Index giảm 56,07 điểm (-4,53%), xuống 1.182,77 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt gần 817 triệu đơn vị, giá trị 20.365,8 tỷ đồng, tăng 46,44% về khối lượng và 29% về giá trị so với phiên hôm qua. Giao dịch thỏa thuận đóng góp 80,89 triệu đơn vị, giá trị gần 1.977 tỷ đồng.
Nhóm VN30 có duy nhất VJC tăng nhẹ 0,9%, cùng SSI đứng giá tham chiếu, còn lại đều mất điểm với biên độ giảm chủ yếu trên 3%.
Trong đó, có tới 1/4 số mã trong nhóm này, tương ứng 7 mã nằm sàn gồm BVH, GVR, KDH, MSN, POW, TCB và STB.
Các mã giảm mạnh khác như MWG giảm 6,9% xuống sát sàn, ACB và VPB cùng giảm gần hết biên độ với mức giảm 6,8%, HPG giảm 6,1%, MBB và PDR cùng giảm 6%, VRE giảm 5,9%, BID giảm 5,4%, GAS giảm 5,3%, VCB giảm 5,2%...
Bên cạnh đó, nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ cũng đón nhận la liệt các mã nằm sàn như HAG, POW, FLC, HQC, DIG, ROS, TCH, HNG, AAA.
Xét về nhóm ngành, thị trường tiêu cực nên nhóm chứng khoán vẫn là nhóm đi đầu với hàng loạt mã kết phiên giảm sàn như FPT, VND, VIX, VCI, TVS, TVB, AGR, VDS…
Ở nhóm ngân hàng, bên cạnh TCB, VIB, STB, MSN, OCB giảm sàn, các mã còn lại cũng chủ yếu giảm trên 5-6% như BCM, BID, VPB, MBB, ACB, TPB, SHB…
Nhóm thép cũng không khả quan hơn với các mã HSG, NKG, POM, TLH, SMC đều kết phiên trong sắc xanh mắt mèo. Cổ phiếu đầu ngành HPG thoát nằm sàn nhưng vẫn trong đà giảm sâu khi để mất 6,1%, kết phiên đứng tại mức 35.900 đồng/CP.
Thanh khoản thị trường cải thiện, trong đó đóng góp tích cực là HPG khớp lệnh dẫn đầu thị trường, đạt xấp xỉ 43 triệu đơn vị.
Đứng ở vị trí tiếp theo về thanh khoản là SSI khớp hơn 25 triệu đơn vị và STB khớp 22,54 triệu đơn vị.
Ngoài ra, hàng loạt mã cũng có thanh khoản hơn 10-20 triệu đơn vị như VPB, VND, SHB, MBB, TCB…
Trên HNX, lực bán mạnh trên diện rộng thị trường cùng sức ép lớn từ nhóm cổ phiếu bluechip khiến HNX-Index tiếp tục có thêm phiên lao dốc.
Chốt phiên, sàn HNX có 45 mã tăng và 201 mã giảm (64 mã giảm sàn), HNX-Index giảm 13,13 điểm (-4,16%), xuống 302,39 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 101,54 triệu đơn vị, giá trị 1.911,62 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 6,75 triệu đơn vị, giá trị 180,6 tỷ đồng.
Cặp PVS và PVC vẫn giữ được sắc xanh và dẫn đầu trong nhóm tăng điểm của rổ HNX30. Kết phiên, PVS tăng 2,7% lên 23.100 đồng/CP và khớp 14,85 triệu đơn vị, còn PVC tăng 1,1% lên 18.400 đồng/CP và khớp 2,22 triệu đơn vị.
Ngoài ra, trong nhóm này còn có DDG và NVB giữ được đà tăng nhẹ trên dưới 0,5%.
Trong khi đó, có tới 25 mã giảm giảm, với 11 mã giảm sàn hoặc sát sàn. Đáng kể một số mã lớn như IDC, TNG giảm sàn, THD giảm 9,6%, SHS giảm 6,6%, CEO giảm 5,8%...
Ngoài PVS giao dịch sôi động, thanh khoản thị trường tăng có thêm sự góp mặt của SHS khớp tới hơn 12,42 triệu đơn vị, gấp gần 3 lần mức thanh khoản trung bình 10 phiên giao dịch gần đây. Các mã như CEO, HUT, IDC, TNG cũng có mức thanh khoản tăng vọt.
Ở nhóm cổ phiếu vừa và nhỏ, hàng loạt mã như TVC, MBG, LIG, ACM, DL1 cũng đều kết phiên giảm sàn với khối lượng khớp lệnh hơn 1 triệu đơn vị.
Trên UPCoM, dù có chút thu hẹp về cuối phiên nhưng thị trường vẫn chìm trong biển đỏ.
Chốt phiên, UpCoM-Index giảm 2,82 điểm (-2,93%), xuống 93,61 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt hơn 73,9 triệu đơn vị, giá trị 778,42 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm hơn 5 triệu đơn vị, giá trị 82,86 tỷ đồng.
Cũng như thị trường niêm yết, các cổ phiếu lớn trên UPCoM cũng đua nhau giảm sâu trong phiên chiều như BSR giảm 7% xuống 18.500 đồng/CP, VGT giảm 10,5%, VGI giảm 10,2%, MSR giảm 12,7%, OIL giảm 9,3%, ACV giảm 5,3%...
Trong đó, BSR dẫn đầu thanh khoản thị trường với khối lượng khớp lệnh đạt 8,62 triệu đơn vị. Tiếp theo là PVX khớp 6,26 triệu đơn vị và kết phiên giảm 12,7% về sát giá sàn.
Nhiều mã nhỏ khác như HVG, AVF, DCS, KSH, DPS đều kết phiên nằm sàn với khối lượng khớp lệnh một vài triệu đơn vị.
Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai đều giảm mạnh, trong đó, VN30F2205 giảm 45 điểm (-3,5%), xuống 1.225 điểm, khớp lệnh gần 437.720 đơn vị, khối lượng mở hơn 31.060 đơn vị.
Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ cũng bao trùm, với CVPB2202 phiên này giao dịch sôi động nhất với hơn 2,98 triệu đơn vị, và giảm mạnh hơn 36,4% xuống 280 đồng/cq.