Chỉ trong vòng 13 phiên giao dịch gần đây tính tới ngày 11/5, thanh khoản của các hợp đồng phái sinh đáo hạn tháng 5 và tháng 6 có dấu hiệu tăng mạnh. Trong khi đó, các hợp đồng phái sinh đáo hạn tháng 9 và tháng 12 có dấu hiệu biến động không đáng kể.
Cụ thể, tại hợp đồng phái sinh đáo hạn tháng 6/2022, khối lượng hợp đồng giao dịch trong 13 phiên dao động từ 720 đến hơn 1.600 hợp đồng/phiên, cao hơn mức trung bình trước đây khoảng 50 đến 100 hợp đồng/phiên. Tương tự, hợp đồng phái sinh đáo hạn tháng 5/2022, trong 13 phiên trở lại đây thanh khoản duy trì từ 211.000 hợp đồng đến 384.000 hợp đồng/phiên, cao hơn trước đó duy trì mức dưới 200.000 hợp đồng/phiên.
Ngoài ra, khối lượng hợp đồng mở (OI) cũng có dấu hiệu tăng mạnh. Cụ thể, tại hợp đồng phái sinh đáo hạn tháng 5/2022, nếu như ngày 19/4 chỉ có 3.069 hợp đồng mở thì tới ngày 11/5 đã tăng lên 38.111 hợp đồng mở, gấp 11,4 lần. Tương tự vậy, hợp đồng phái sinh đáo hạn tháng 6/2022, ngày 19/4 số lượng hợp đồng mở là 745 hợp đồng thì tới 11/5 đã là 975 hợp đồng, tăng 31%.
Thanh khoản và lượng hợp đồng mở trên thị trường phái sinh có xu hướng tăng đột biến trong vòng 13 phiên trở lại đây, đây là giai đoạn sau khi thị trường trải qua chuỗi bán tháo liên tục từ 7/4 đến 25/4 và sau đó biến động với một biên độ tương đối lớn từ 26/4 tới 11/5.
Riêng hợp đồng VN30F2205 có thanh khoản cao nhất, trong giai đoạn dòng tiền đổ mạnh vào chỉ số phái sinh, biến động chỉ số trong phiên dao động từ 16,4 - 64,4 điểm/phiên. Trong đó, riêng phiên giao dịch ngày 26/4 biến động 64,4 điểm, phiên ngày 9/5 biến động 57,5 điểm, phiên 27/4 biến động 53 điểm, phiên 10/5 biến động 47,5 điểm, phiên 11/5 biến động 29,8 điểm… Ngược lại, giai đoạn thị trường ổn định, chỉ số phái sinh chỉ biến động khoảng 10-15 điểm/phiên.
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, sau khi thị trường giảm nhanh và sâu, rất nhiều nhà đầu tư không kịp bán hạ tỷ trọng cổ phiếu, dẫn tới việc thua lỗ nặng, một công ty chứng khoán có thị phần Top 3 thị trường đã cho phép khách hàng rút âm tiền (chưa tới mức force sell) để short phái sinh phòng hộ tài khoản, nhằm giảm thiểu thua lỗ. Công ty cũng đã gửi email tới tất cả khách hàng hướng dẫn “short” phái sinh với một hợp đồng chỉ 20 triệu đồng.
Theo những nhà đầu tư có kinh nghiệm, nếu xét về ý nghĩa phòng vệ danh mục chứng khoán cơ sở khi thị trường giảm sâu và chưa có dấu hiệu chững lại đà giảm thì đây là một chính sách có lợi cho nhà đầu tư. Tuy nhiên, thông điệp nói trên của công ty chứng khoán có thể đã được thế lực nào đó trên thị trường cố tình diễn giải khác đi nhằm thúc đẩy tình trạng bán trên thị trường cơ sở thêm trầm trọng.
Phóng viên cũng đã tìm hiểu tình trạng bán giải chấp trên thị trường để xem liệu đây có phải là nguyên nhân đẩy thị trường rơi sâu tiếp hay không? Khảo sát qua MBS, KB, Mirrae Assert... cho thấy số tài khoản phải bán giải chấp gần như rất ít, phần lớn nhà đầu tư đã đưa tài khoản về trạng thái “tiền thịt”. Vậy nên thị trường giảm điểm mạnh với lý do bán giải chấp không còn quá thuyết phục.
Ở giai đoạn thanh khoản của thị trường cơ sở về mức cực thấp, có nhiều phiên chưa tới 10.000 tỷ đồng, một số nhà đầu tư có kinh nghiệm cho rằng, việc kéo đẩy chỉ số VN30, VN-Index có thể trở nên không quá phức tạp, để phục vụ cho việc kiếm lời trên thị trường phái sinh.
Nếu đúng như vậy, chỉ một số ít thành phần được lợi, nhưng thiệt hại cho cả thị trường lớn và ảnh hưởng tiêu cực đến phong vũ biểu của nền kinh tế là hậu quả nhãn tiền. Đây là điều mà nhà đầu tư hết sức lưu ý, để tránh vô tình tiếp sức cho những hành động không mang tính xây dựng thị trường này.