Bảo vệ nhà đầu tư cá nhân, chuyện cũ vẫn mới

0:00 / 0:00
0:00
(ĐTCK) Để dòng vốn từ nhà đầu tư cá nhân không chỉ “tạm trú” trên thị trường chứng khoán, đối tượng này cần được quan tâm, bảo vệ nhiều hơn và hiệu quả hơn.
TTCK Việt Nam đã đi vào hoạt động hơn 20 năm, nhưng hiện vẫn chưa có một tổ chức độc lập bảo vệ nhà đầu tư. TTCK Việt Nam đã đi vào hoạt động hơn 20 năm, nhưng hiện vẫn chưa có một tổ chức độc lập bảo vệ nhà đầu tư.

Các biện pháp bảo vệ còn hạn chế

Tại Việt Nam, nhà đầu tư cá nhân chiếm khoảng 99% về số lượng và 90% về giá trị giao dịch vào thời điểm cuối quý I/2022. Sự gia tăng mạnh mẽ của nhà đầu tư cá nhân là lực đẩy quan trọng giúp thị trường chứng khoán Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ trong hơn 2 năm qua, bất chấp nền kinh tế gặp khó khăn do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.

Dù đóng vai trò quan trọng như vậy, nhưng nhà đầu tư cá nhân lại là đối tượng chịu nhiều rủi ro, thiệt hại, đặc biệt là rủi ro từ các hành vi vi phạm của các thành viên khác trên thị trường.

Rủi ro chính của nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua chủ yếu liên quan đến việc được cung cấp thông tin không đúng, không đủ, các hành vi thao túng giá, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của các nhà đầu tư, giao dịch nội gián, cung cấp những sản phẩm chưa được cấp phép.

Việc bảo vệ nhà đầu tư nói chung và nhà đầu tư cá nhân nói riêng tại Việt Nam chưa được đánh giá cao và chưa đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Số lượng, tỷ trọng các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2016 đến nay. Nguồn: Tổng hợp từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Số lượng, tỷ trọng các nhà đầu tư cá nhân trên thị trường chứng khoán Việt Nam từ năm 2016 đến nay.

Nguồn: Tổng hợp từ Ủy ban Chứng khoán Nhà nước

Theo bảng xếp hạng chỉ số bảo vệ nhà đầu tư trên thế giới, Việt Nam nằm ở thứ bậc thấp trong bảo vệ nhà đầu tư khi đứng 89/190 quốc gia trong năm 2019, trong khi năm 2018 ở thứ hạng 81, còn năm 2017 xếp hạng 87.

Có thể thấy một số hạn chế trong việc bảo vệ nhà đầu tư cá nhân như sau:

Một là, chưa có một văn bản luật thống nhất về bảo vệ nhà đầu tư, mà nằm rải rác trong nhiều văn bản pháp luật khác nhau như Luật Chứng khoán, Luật Doanh nghiệp, các văn bản dưới luật như nghị định, thông tư, các quyết định… Các quy định này đôi lúc còn chồng chéo, thiếu sự thống nhất, đồng bộ. Kinh nghiệm tại quốc gia có thị trường chứng khoán phát triển như Mỹ cho thấy việc ra đời Luật Bảo vệ nhà đầu tư (năm 1970) tạo cơ sở pháp lý cụ thể, rõ ràng và minh bạch hơn cho việc xác định quyền, nghĩa vụ và các biện pháp bảo vệ nhà đầu tư cá nhân trên thị trường.

Hai là, Luật Chứng khoán (Điều 133, Khoản 2) tuy có quy định về việc yêu cầu bồi thường thiệt hại cho các đối tượng chịu thiệt hại nhưng chưa có quy định, cơ chế xác định mức độ thiệt hại của hành vi vi phạm đối với nhà đầu tư, làm cơ sở cho việc yêu cầu bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư khác. Việc chưa có quy định liên quan đến việc khởi kiện tập thể (có thể do một tổ chức đại diện đứng ra thực hiện) khiến các nhà đầu tư cá nhân khó có thể bảo vệ quyền lợi của mình khi hạn chế bởi sự hiểu biết về pháp lý, các quy định pháp luật.

Ba là, hình thức xử lý vi phạm chưa đảm bảo tính răn đe. Ví dụ, mức phạt theo quy định tại Nghị định 128/2021/NĐ-CP với hành vi mua bán chui cổ phiếu là 3-5% giá trị chứng khoán giao dịch có giá trị từ 10 tỷ đồng trở lên, nhưng không được vượt quá mức tối đa là 1,5 tỷ đồng đối với cá nhân và 3 tỷ đồng đối với tổ chức là thấp nếu so sánh với mức độ thiệt hại mà hành vi đó gây ra. Đây là lý do khiến một số hành vi vi phạm còn lặp lại trên thị trường thời gian qua, làm giảm lòng tin của nhà đầu tư vào thị trường.

Bốn là, chưa có Quỹ bảo vệ nhà đầu tư, tổ chức bảo vệ quyền lợi của nhà đầu tư. Mặc dù Việt Nam đã đi vào hoạt động hơn 20 năm, nhưng hiện vẫn chưa có một tổ chức độc lập bảo vệ nhà đầu tư. Khi các công ty chứng khoán mất khả năng thanh toán, các nhà đầu tư sẽ khó có thể lấy lại tiền của mình khi việc xây dựng quỹ dự phòng rủi ro thanh toán lại thuộc chính các công ty chứng khoán.

Đồng thời, việc thiếu vắng này cũng khiến các nhà đầu tư không có đại diện cho mình tham gia kiện các thành viên khác của thị trường chứng khoán khi họ có hành vi vi phạm. Trong khi đó, tại các thị trường chứng khoán phát triển đều có sự tồn tại của quỹ này (ở Hồng Kông là Công ty Ðền bù cho nhà đầu tư (ICC); tại Ðài Loan là Trung tâm Bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán (SFIPC); tại Mỹ là Công ty Bảo vệ nhà đầu tư chứng khoán (SIPC).

Trong trường hợp Tổ chức bảo vệ nhà đầu tư được thành lập, tổ chức này có thể kiêm luôn chức năng giáo dục tài chính cho nhà đầu tư.

Năm là, các cơ quan quản lý chuyên trách về thị trường chứng khoán còn chưa được giao đầy đủ các quyền để thực hiện hiệu quả chức năng của mình. Hiện Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới được áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Hạn chế này làm giảm tính chủ động của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước trong việc điều tra, xử lý hành vi vi phạm, tăng đầu mối trong quản lý, giám sát khiến hoạt động này nói chung còn khó khăn…

Cần các giải pháp đồng bộ, thống nhất

Để việc tham gia của các nhà đầu tư cá nhân không chỉ mang tính thời điểm, dòng vốn từ đối tượng này không chỉ “tạm trú” trên thị trường chứng khoán, rõ ràng, các nhà đầu tư cá nhân cần được quan tâm, bảo vệ nhiều hơn và hiệu quả hơn. Theo đó, một số giải pháp trọng tâm cần tập trung trong thời gian tới:

Thứ nhất, hướng tới xây dựng một văn bản pháp luật thống nhất bảo vệ nhà đầu tư trên cơ sở chuẩn hóa các quy định trong quản lý và phát triển thị trường chứng khoán theo thông lệ quốc tế, đặc biệt là theo các mục tiêu và nguyên tắc do Tổ chức Quốc tế các ủy ban chứng khoán (IOSCO) khuyến nghị. Việc xây dựng và ban hành một văn bản pháp luật thống nhất về bảo vệ nhà đầu tư giúp tạo ra cơ sở pháp lý vững chắc cho hoạt động này được diễn ra minh bạch và hiệu quả.

Thứ hai, tăng cường quản lý các hoạt động trên thị trường chứng khoán, tập trung vào giám sát, theo dõi chặt chẽ việc công bố thông tin, sự chậm trễ trong việc công bố các thông tin nội bộ, các giao dịch nghi ngờ, các khuyến nghị đầu tư, các giao dịch có liên quan đến các nhà quản trị doanh nghiệp.

Theo đó, tập trung vào việc hoàn thiện khung pháp lý và cơ chế giám sát, phát hiện hay xử lý các hành vi vi phạm. Các quy định cần cụ thể khi xác định các hành vi vi phạm như mua bán chui, giao dịch nội gián cũng như cơ chế thực thi các quy định này.

Nâng cao mức độ xử phạt với các hành vi vi phạm để đảm bảo tính răn đe, đặc biệt là các hành vi liên quan đến việc mua, bán chứng khoán của các nhà quản trị doanh nghiệp niêm yết như mua bán chui, mua bán nội gián. Nghiên cứu bỏ mức trần đối với mức phạt cho hành vi vi phạm trong lĩnh vực chứng khoán.

Bên cạnh đó, nghiên cứu các quy định nhằm xác định các khoản thu lợi bất hợp pháp từ các hành vi vi phạm cũng như tính toán, xác định mức độ thiệt hại mà hành vi đó gây ra cho các nhà đầu tư. Đồng thời, buộc các đối tượng vi phạm nộp lại số lợi nhuận này hoặc khoản thu nhập trái pháp luật có được do thực hiện hành vi vi phạm cũng như bồi thường thiệt hại cho các nhà đầu tư.

Thứ ba, nâng cao trách nhiệm của các cơ quan quản lý nhà nước, các sở giao dịch trong quản lý và điều hành thị trường, mở rộng quyền hạn, đặc biệt là điều tra…

Hiện nay, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước mới được áp dụng các biện pháp xử lý hành chính. Trong khi đó, với các vụ việc vi phạm chứng khoán nghiêm trọng bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng Ủy ban Chứng khoán Nhà nước lại không có thẩm quyền tham gia khởi tố điều tra.

Việc nâng cao trách nhiệm, mở rộng quyền hạn của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, đặc biệt trong hoạt động điều tra, xử lý vi phạm với các thành viên tham gia thị trường là hướng đi đúng và phù hợp với thông lệ quốc tế.

Theo đó, trong nguyên tắc số 8 của Bộ quy tắc quản lý thị trường chứng khoán 2003, IOSCO đã khẳng định: “Cơ quan quản lý nên có quyền yêu cầu cung cấp các thông tin hoặc thực hiện thanh tra hoạt động kinh doanh bất cứ khi nào tin rằng điều đó là cần thiết để đảm bảo tuân thủ tiêu chuẩn có liên quan”.

Thứ tư, nghiên cứu thành lập Quỹ bảo vệ nhà đầu tư, tổ chức bảo vệ nhà đầu tư. Đây sẽ là tổ chức đại diện, thay mặt các nhà đầu tư khởi kiện các thành viên khác của thị trường khi có các hành vi vi phạm, đồng thời bù đắp thiệt hại cho các nhà đầu tư cá nhân khi các công ty chứng khoán bị phá sản hoặc không có khả năng thanh toán.

Trong bối cảnh các nhà đầu tư cá nhân có vai trò quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của thị trường chứng khoán, đồng thời lại đang phải đối mặt với nhiều rủi ro thì việc thành lập quỹ này là rất cần thiết.

Quỹ cần được xây dựng theo hướng kết hợp, tức là Nhà nước đứng ra thành lập và giao cho sở giao dịch chứng khoán quản lý, vận hành thông qua một hội đồng quản lý, bao gồm các đại diện từ Nhà nước, sở giao dịch chứng khoán và thành viên thị trường.

Thứ năm, tăng cường đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm cho các nhà đầu tư cá nhân.

Phạm Tiến Đạt
Viện Chiến lược và chính sách tài chính, Bộ Tài chính

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,206.97 -9.64 -0.8% 149,826 tỷ
HNX 226.55 -3.17 -1.4% 1,384 tỷ
UPCOM 88.03 -0.95 -1.08% 344 tỷ