Giao dịch chứng khoán chiều 13/2: Phiên ATC giúp thị trường bật hồi 10 điểm, thanh khoản cải thiện

(ĐTCK) Lực cầu gia tăng mạnh khi thị trường bước vào đợt khớp lệnh ATC đã giúp thị trường thu hẹp đà giảm khi hồi phục gần 10 điểm, với động lực chính đến từ cặp đôi lớn BID và MSN.

Trong khi dòng tiền vẫn ngày càng thận trọng thì áp lực bán gia tăng trong nửa cuối phiên sáng đã khiến VN-Index thủng mốc 1.050 điểm. Trong đó, nhóm cổ phiếu bất động sản chịu sức ép lớn nhất với hàng loạt mã tạm dừng phiên sáng tại mức giá sàn, với điểm đáng chú ý là NVL dư bán sàn tới gần 7 triệu đơn vị.

Bước sang phiên giao dịch chiều, diễn biến có phần tiêu cực hơn khi lực bán lan rộng với gánh nặng lớn đến từ nhóm cổ phiếu bluechip đã đẩy VN-Index về sát ngưỡng 1.030 điểm sau khoảng 1 giờ mở cửa khi bảng điện tử chìm trong sắc đỏ, với số mã nằm sàn la liệt.

Khi VN-Index có dấu hiệu lao dốc quà đà, vượt ra ngoài dải Bollinger Bands ở khu vực 1.034 điểm, lực cầu đã tham gia khá tốt, đặc biệt trong đợt khớp lệnh ATC, nhiều mã lớn bất ngờ bật cao, với tâm điểm là BID và MSN, đã giúp thị trường bật hồi khoảng 10 điểm và lấy lại vùng giá 1.040 điểm.

Hiện thị trường đang ở trạng thái tâm lý không tích cực sau phiên giảm điểm rất mạnh ngày 1/2, lực cầu suy giảm và chịu thêm áp lực từ các thông tin liên quan tới EIB đang lan truyền.

Đóng cửa, sàn HOSE có 71 mã tăng và 367 mã giảm (47 mã giảm sàn), VN-Index giảm 11,6 điểm (-1,1%), xuống 1.043,7 điểm. Tổng khối lượng giao dịch đạt hơn 681,32 triệu đơn vị, giá trị 10.459,37 tỷ đồng, tăng 46,86% về khối lượng và 28,16% về giá trị so với phiên cuối tuần trước ngày 10/2. Trong đó, giao dịch thỏa thuận đóng góp 77,4 triệu đơn vị, giá trị 1.541,3 tỷ đồng.

Như đã nói ở trên, một số mã bluechip nới rộng biên độ tăng đã tiếp sức giúp thị trường thu hẹp đà giảm mạnh, điển hình là cổ phiếu ngân hàng BID tăng 3,3% lên mức giá cao nhất ngày 44.400 đồng/CP, cùng MSN cũng thiết lập giá cao nhất ngày khi đóng cửa tăng 1,9% lên 92.900 đồng/CP.

Ngoài ra, các một số mã bluechip khác cũng đóng cửa tại mức giá cao nhất trong ngày như STB tăng 3,6%, SAB tăng 1,3%, VJC và VRE cùng tawng1 ,1%, MWG tăng 1% và CTG tăng nhẹ 0,2%.

Trong khi đó, cặp đôi bất động sản là NVL và PDR vẫn trong trạng thái trắng bên mua và đóng cửa tại mức giá sàn. Cụ thể, NVL khớp 19,94 triệu đơn vị và dư bán sàn hơn 8,85 triệu đơn vị, còn PDR khớp xấp xỉ 14 triệu đơn vị và dư bán sàn 1,19 triệu đơn vị.

Xét về nhóm ngành, chỉ còn 4 nhóm giữ được sắc xanh nhạt với mức tăng khá nhẹ là khai khoáng, sản phẩm cao su, chăm sóc sức khỏe và thực phẩm – đồ uống.

Mặt khác, các nhóm cổ phiếu trụ cột đều trong trạng thái mất điểm. Ở dòng bank, ngoài diễn biến khởi sắc của cặp đôi BID và STB, cùng CTG nhích nhẹ, còn lại đều đóng cửa trong sắc đỏ. Trong đó, đáng kể là EIB và OCB kết phiên nằm sàn, VIB giảm 3,81%, VPB, TPB, SHB, MSB đều giảm hơn 2%, VCB, TCB, LPN, MBB, ACB, LPB cùng giảm hơn 1%...

Nhóm cổ phiếu chứng khoán không có nổi mã nào ngược dòng thành công. Kết phiên, bên cạnh CTS, APS, VIX giảm sàn, các mã khác cũng giảm khá mạnh như VND giảm 3,9%, SSI giảm 2,6%, VCI giảm 6%...

Ở nhóm bất động sản, ngoài PDR và NVL, hàng loạt mã vừa và nhỏ đã đóng cửa nằm sàn như DIG, DXG, HPX, HBC, DRH, DPG, VGC, CRE, KHG…

Ngoài ra, nhóm thủy sản cũng la liệt sàn với sự góp mặt của VHC, ACL, IDI, ANV, ASM, CMX cũng giảm sát sàn khi mất 6,8%...

Về thanh khoản, top 5 cổ phiếu dẫn đầu đều đóng cửa giảm điểm. Cụ thể, VPB khớp 25,78 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 2,9% xuống 17.000 đồng/CP; HAG giảm 6,9% xuống giá sàn 7.680 đồng/CP và khớp 24,58 triệu đơn vị, VND khớp hơn 20,12 triệu đơn vị, NVL khớp 19,94 triệu đơn vị, cùng HPG giảm 1,5% xuống 20.200 đồng/CP và khớp 18,74 triệu đơn vị.

Trên sàn HNX, sau màn lao dốc mạnh vào giữa phiên, thị trường đã nhận tín hiệu bớt tiêu cực từ sàn HOSE và thu hẹp đà giảm chút ít về cuối phiên nhờ lực cầu gia tăng.

Đóng cửa, sàn HNX có 49 mã tăng và 140 mã giảm, HNX-Index giảm 4,01 điểm (-1,92%) xuống 204,49 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 81,57 triệu đơn vị, giá trị 1.074,87 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 1,1 triệu đơn vị, giá trị 33,64 tỷ đồng.

Nhóm cổ phiếu chứng khoán luôn song hành cùng thị trường và đã chứng kiến phiên giảm sâu. Trong đó, cổ phiếu SHS kết phiên giảm 5,9% xuống mức giá 8.000 đồng/CP, nhưng vẫn dẫn đầu thanh khoản thị trường với 19,19 triệu đơn vị khớp lệnh.

Các mã khác trong ngành như MBS giảm 4,5% xuống 12.800 đồng/CP và khớp 2,8 triệu đơn vị, APS giảm sàn và khớp 1,41 triệu đơn vị, TVC giảm 6,1% xuống mức thấp nhất ngày 4.600 đồng/CP, VIG giảm 5,8% xuống 4.900 đồng/CP…

Trong khi đó, cổ phiếu bất động sản CEO cũng có phiên giảm mạnh khi đóng cửa mất 8,5% xuống vùng giá thấp trong ngày 19.400 đồng/CP, thanh khoản chỉ thua SHS với hơn 11,5 triệu đơn vị khớp lệnh; IDC giảm 1,8% xuống 37.600 đồng/CP, IDJ giảm 7,1% xuống 7.800 đồng/CP…

Tuy nhiên, nhóm cổ phiếu than đã ngược dòng thành công với nhiều mã tăng mạnh như TC6 tăng 8,5% lên mức giá cao nhất ngày 8.900 đồng/CP, TVD tăng 5,2% lên 14.200 đồng/CP, MDC tăng 3,8% lên 13.600 đồng/CP, NBC tăng 2,8% lên 10.900 đồng/CP.

Trên UPCoM, mặc dù mở cửa trong sắc xanh nhưng áp lực bán gia tăng đã khiến thị trường quay đầu.

Chốt phiên, UPCoM-Index giảm 0,14 điểm (-0,18%) xuống 77,2 điểm. Tổng khối lượng khớp lệnh đạt 32,25 triệu đơn vị, giá trị 409,6 tỷ đồng. Giao dịch thỏa thuận có thêm 2,21 triệu đơn vị, giá trị 35,59 tỷ đồng.

Cổ phiếu BSR vẫn có giao dịch vượt trội với gần 12,7 triệu đơn vị khớp lệnh và đóng cửa trong xu hướng chung của thị trường với mức giảm 3,7%, xuống 15.800 đồng/CP.

Trong khi đó, cổ phiếu đứng thứ 2 về thanh khoản là C4G chỉ khớp 2,85 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 4,6% xuống 10.300 đồng/CP.

Các cổ phiếu khác như VHG, SBS, DDV, ABB đều khớp hơn 1 triệu đơn vị và đóng cửa cũng giảm khá mạnh.

Trên thị trường phái sinh, cả 4 hợp đồng tương lai chỉ số VN30 đều giảm, trong đó, VN30F2302 đáo hạn vào tuần sau giảm 6,4 điểm, tương đương -0,6% xuống 1.038,6 điểm, khớp lệnh hơn 289.500 đơn vị, khối lượng mở 40.000 đơn vị.

Trên thị trường chứng quyền, sắc đỏ chiếm thế áp đảo, với CTCB2213 có khối lượng khớp lệnh cao nhất đạt 3,08 triệu đơn vị, đóng cửa giảm 50% xuống mức giá sàn 10 đồng/cq.

T.Thúy

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục