
KRX: Kỳ vọng dài hạn
Một thông tin đáng chú ý trong tuần qua là Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE) xác nhận sẽ chính thức triển khai hệ thống giao dịch mới (KRX) vào ngày 5/5/2025. Sau nhiều năm chờ đợi, việc hệ thống KRX đi vào vận hành được xem là bước tiến lớn về mặt hạ tầng công nghệ cho thị trường chứng khoán Việt Nam.
Tuy nhiên, trong ngắn hạn, tác động của hệ thống KRX lên thị trường được nhận định là chưa nhiều, bởi các chức năng mới như giao dịch T+0, bán khống, hoặc nâng giới hạn giao dịch sẽ chưa được triển khai ngay, mà áp dụng theo lộ trình từng bước. Thay vào đó, kỳ vọng lớn nhất từ hệ thống này đến từ vai trò quan trọng trong việc đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật để Việt Nam có thể được các tổ chức xếp hạng quốc tế xem xét nâng hạng thị trường, gần nhất là FTSE trong kỳ đánh giá vào tháng 9/2025. Đây là mục tiêu mà thị trường đã theo đuổi suốt nhiều năm và có thể tạo cú huých lớn cho dòng vốn ngoại nếu được hiện thực hóa.
Góc nhìn kỹ thuật và kịch bản sau kỳ nghỉ
Những cổ phiếu có yếu tố cơ bản vững chắc, phục vụ thị trường nội địa như bán lẻ, tiêu dùng, đầu tư công... được đánh giá là lựa chọn phù hợp cho giai đoạn hiện tại.
Dưới góc độ kỹ thuật, VN-Index đang bám sát vùng hỗ trợ MA100 trên khung đồ thị tuần. Việc tích lũy quanh ngưỡng 1.200 điểm được đánh giá là cần thiết để tạo nền tảng bứt phá, nhưng rủi ro cũng không nhỏ nếu thị trường đánh mất ngưỡng hỗ trợ.
Phiên giao dịch ngày 5/5/2025 được xem là phiên quan trọng, kỳ vọng thị trường có thể mở cửa trong sắc xanh, nhờ tâm lý hứng khởi từ KRX. Nếu vượt được vùng cản 1.240 điểm, chỉ số có thể hướng tới vùng kháng cự tiếp theo quanh 1.280 điểm. Ngược lại, nếu thất bại, vùng hỗ trợ quanh 1.200 điểm sẽ trở thành điểm tựa kỹ thuật.
Thuế quan và tỷ giá là những rủi ro cần lưu ý
Dù thị trường đang nhận được một số yếu tố hỗ trợ ngắn hạn, chúng tôi cho rằng, nhà đầu tư vẫn cần thận trọng trước những rủi ro vĩ mô có thể ảnh hưởng tiêu cực trong thời gian tới.
Một trong những yếu tố cần lưu ý là tiến trình đàm phán thuế quan giữa Mỹ và các đối tác lớn như Anh, Singapore, Nhật Bản đang gặp bế tắc. Tình trạng này đặt ra thách thức cho Việt Nam, quốc gia phụ thuộc lớn vào xuất khẩu và dòng vốn FDI, trong bối cảnh Hà Nội cũng đang tiến hành đàm phán riêng với Washington.
Việc Ấn Độ được Mỹ đánh giá tích cực trong quá trình đàm phán và kỳ vọng sẽ sớm đạt được một thỏa thuận thương mại càng làm gia tăng lo ngại về sự dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Chiến lược “Trung Quốc +1” có thể sẽ dần tập trung hơn vào khu vực Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, khiến Việt Nam đối mặt nguy cơ cạnh tranh thu hút FDI ngày càng lớn. Tuy nhiên, hiện tại đây mới chỉ là những dự đoán ban đầu. Nếu Việt Nam đạt được một thỏa thuận thương mại tích cực với Mỹ, dòng vốn đầu tư nước ngoài nhiều khả năng sẽ tiếp tục lựa chọn Việt Nam như một điểm đến hấp dẫn trong khu vực.
Ngoài ra, tỷ giá VND/USD đang neo ở mức cao sau nhiều lần Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh tăng tỷ giá trung tâm. Dù chỉ số DXY (đo sức mạnh đồng USD) đã giảm hơn 8% kể từ đầu năm 2025, nhưng đồng VND vẫn mất giá khoảng 2%. Trong bối cảnh Chính phủ đang ưu tiên chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tỷ giá tăng hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu, nhưng cũng tiềm ẩn rủi ro về dòng vốn và niềm tin của nhà đầu tư quốc tế.
Chiến lược đầu tư: Giữ tỷ trọng hợp lý, tránh margin
Trong bối cảnh nhiều ẩn số còn chưa ngã ngũ, chúng tôi khuyến nghị nhà đầu tư hạn chế sử dụng giao dịch ký quỹ (margin) và giữ tỷ trọng cổ phiếu ở mức an toàn, khoảng 50 - 70% giá trị tài sản ròng.
Những cổ phiếu có yếu tố cơ bản vững chắc, phục vụ thị trường nội địa như bán lẻ, tiêu dùng, đầu tư công... được đánh giá là lựa chọn phù hợp cho giai đoạn hiện tại. Với nhà đầu tư có khẩu vị rủi ro cao, có thể cân nhắc giải ngân vào các nhóm cổ phiếu “Alpha” (kỳ vọng sẽ vượt trội thị trường về mức sinh lời), tập trung vào xuất khẩu như may mặc, thủy sản, bất động sản và logistics (cảng biển, đội tàu). Đây là những ngành có tiềm năng phục hồi cao nếu các cuộc đàm phán thuế quan giữa Việt Nam và nhiều nước khác với Mỹ ghi nhận tiến triển tích cực trong thời gian tới. Dù vẫn tồn tại một số rủi ro ngắn hạn, nhưng nhiều nhà đầu tư kỳ vọng, các bên sẽ sớm đạt được thỏa thuận nhằm tránh những tác động tiêu cực kéo dài lên chuỗi cung ứng và dòng vốn đầu tư.