Giãn nợ là lối thoát đầu tiên cho doanh nghiệp bất động sản

0:00 / 0:00
0:00
Khó khăn lớn nhất của doanh nghiệp bất động sản hiện nay được cho là điểm nghẽn về tiền và chính sách. Do vậy, để giải quyết được vấn đề, cần tháo gỡ các nút thắt này.
Giãn nợ là lối thoát đầu tiên cho doanh nghiệp bất động sản

Mọi thứ đều tắc nghẽn

Trao đổi về những khó khăn của doanh nghiệp bất động sản hiện nay, đại diện Tập đoàn Novaland cho biết, thị trường bất động sản đang tắc nghẽn nhiều mặt, trong đó nổi cộm là các vấn đề liên quan đến pháp lý, tín dụng bị siết chặt, lãi suất quá cao, thị trường mất niềm tin…

“Những vấn đề trên đã gây khó khăn cho hoạt động của không chỉ Novaland, mà với hầu hết doanh nghiệp bất động sản. Cả khách hàng cũng không có tiền để thanh toán, khiến nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nguồn thu và có khả năng không kịp trả các khoản vay gốc, nợ lãi và trái phiếu sắp đến hạn. Nếu tình hình này kéo dài sẽ gây rủi ro, làm mất thanh khoản hàng loạt”, đại diện Novaland lo ngại.

Để giải quyết những khó khăn đó, Novaland kiến nghị, trước mắt, Ngân hàng Nhà nước cho phép các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng được phép tái cơ cấu, gia hạn, ân hạn các khoản nợ đến hạn trong 3 năm và không bị chuyển nhóm nợ. Các tổ chức tín dụng xem xét giảm lãi suất, gia hạn kỳ hạn trái phiếu cho các doanh nghiệp bất động sản và xây dựng thời hạn 3 năm để giảm áp lực và tăng niềm tin cho thị trường.

Đồng thời, đại diện trên kiến nghị Chính phủ có các phương án kịp thời để hỗ trợ giải quyết tận gốc các vướng mắc pháp lý do các luật chồng chéo, cần định giá tiền sử dụng đất theo hệ số K đơn giản, minh bạch để các dự án có thể tiếp tục triển khai nhanh, tiết giảm chi phí, giúp hạ giá thành sản phẩm.

Chia sẻ những khó khăn của thị trường bất động sản, Bộ Xây dựng đánh giá, thị trường này vẫn còn nhiều khó khăn về thể chế, nguồn vốn tín dụng, nguồn vốn trái phiếu, chứng khoán, tổ chức thực thi pháp luật của địa phương…, nên cần tiếp tục được tập trung tháo gỡ.

Theo Bộ Xây dựng, các buổi làm việc của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ với các địa phương, doanh nghiệp bất động sản và qua báo cáo của các địa phương, doanh nghiệp gửi về cho thấy, rất nhiều dự án nhà ở, khu đô thị đang triển khai thực hiện gặp khó khăn, vướng mắc hoặc dừng triển khai.

Cụ thể, TP.HCM có trên 80% dự án nhà ở, khu đô thị gặp khó. Con số này của TP. Hà Nội là 50%, TP. Đà Nẵng là 60%, TP. Hải Phòng là 30%, TP. Cần Thơ là 40%.

Đề xuất giãn nợ cho doanh nghiệp bất động sản

Nếu điểm nghẽn về tín dụng được giải quyết kịp thời trong năm 2023 thì sẽ giúp ổn định thị trường bất động sản, đồng thời có lợi cho sự phát triển bền vững của cả hệ thống tín dụng.

- Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho rằng, doanh nghiệp bất động sản và người dân đang kỳ vọng vào sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn của thị trường.

Theo ông Châu, một trong những khó khăn cần sớm được tháo gỡ là giãn nợ, bởi doanh nghiệp có các khoản vay tín dụng sắp đáo hạn nếu không được gia hạn sẽ bị xếp vào nhóm nợ xấu. Doanh nghiệp có các khoản vay tín dụng quá hạn cũng đứng trước nguy cơ bị nhảy nhóm thành nợ xấu hơn.

Để gỡ điểm nghẽn này, ông Châu đề nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét ban hành thông tư cho phép doanh nghiệp bất động sản được tái cơ cấu khoản nợ vay tín dụng đến hạn từ 12 - 24 tháng, giữ nguyên nhóm nợ và được vay vốn tín dụng mới có tài sản bảo đảm.

“Nếu điểm nghẽn về tín dụng được giải quyết kịp thời trong năm 2023 thì sẽ giúp ổn định thị trường bất động sản, đồng thời có lợi cho sự phát triển bền vững của cả hệ thống tín dụng”, ông Châu nói.

Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư, hầu hết doanh nghiệp địa ốc cho rằng, giải pháp cốt lõi nhất giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn là khoanh hoặc giãn nợ để họ “cầm hơi, lấy sức làm trả nợ”.

“Mấu chốt là khoanh nợ cũ, rà soát các điều kiện an toàn tín dụng đối với những trường hợp đặc thù để giúp các bên tái cơ cấu khoản nợ đến hạn”, ông Cao Hữu Phi, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng địa ốc COPIHOME nói.

Tuy nhiên, để làm được điều này, vấn đề lớn nhất vẫn là pháp lý của các dự án, bởi thực tế, nếu pháp lý dự án có vấn đề hoặc chưa đầy đủ, ngân hàng sẽ gặp khó trong việc tái cấu trúc nợ.

Trong bối cảnh này, bà Hoàng Nguyệt Minh, Giám đốc cấp cao Bộ phận Cho thuê thương mại của Savills Việt Nam cho rằng, giải pháp cần thiết, hiệu quả và bền vững nhất là một chính sách được thiết kế tổng thể sau khi đã đánh giá chi tiết và phân loại được tình trạng pháp lý của dự án bất động sản cũng như kênh tín dụng và trái phiếu của doanh nghiệp.

Bà Minh nhìn nhận, các nhà đầu tư đang rất quan ngại việc không giải quyết được bài toán pháp lý để hoàn thiện dự án, trong khi đây cũng là tiền đề để các giao dịch chuyển nhượng diễn ra thuận lợi, qua đó, thị trường có điều kiện tự điều tiết và vốn được phân bổ lại theo quy luật cạnh tranh.

“Điều quan trọng là tiết giảm các thủ tục hành chính, nhanh chóng gỡ vướng pháp lý dự án để tránh đọng vốn kéo dài, vì chi phí tài chính cuối cùng sẽ được đẩy vào giá bán bất động sản và người mua sẽ phải chịu chi phí này”, bà Minh phân tích.

Trọng Tín
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục