Nutifood: 2 năm, vượt 3 rào cản
Câu chuyện được ông Lê Nguyên Hòa, Phó chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty NutiFood chia sẻ tại Diễn đàn Thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ được tổ chức cuối tuần qua tại TP.HCM là ví dụ điển hình cho sự gian nan đưa hàng vào thị trường Hoa Kỳ của doanh nghiệp Việt.
Theo ông Hòa, Nutifood là một trong những công ty đầu tiên trên thế giới có sản phẩm cho trẻ em suy dinh dưỡng thấp còi. GrowPLUS+ của NutiFood đã được Công ty Nielsen chứng nhận là sản phẩm đặc trị dành cho trẻ em bán chạy nhất Việt Nam.
Đây là cơ hội để Nutifood hợp tác với đối tác tại Hoa Kỳ, nhưng cũng phải mất 2 năm, doanh nghiệp mới xuất được lô hàng đầu tiên vào thị trường này.
“Lô hàng đầu tiên là sản phẩm Pedia Plus cho trẻ biếng ăn, số lượng không đáng kể, nhưng quan trọng là NutiFood đã đặt chân vào thị trường Hoa Kỳ, trong khi, đây là sản phẩm mà chính các công ty Hoa Kỳ đang chiếm thị phần lớn tại Việt Nam”, ông Hòa phấn khởi.
Đại diện của NutiFood chia sẻ, để vào được thị trường Hoa Kỳ, Công ty phải vượt qua 3 rào cản.
Rào cản đầu tiên đến từ các nhà sản xuất, phân phối tại Hoa Kỳ, khi họ có lợi thế là đối tác của hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ nổi tiếng. Do đó, sản phẩm của NutiFood phải qua các vòng kiểm định rất gắt gao về chất lượng.
Rào cản thứ hai là việc lấy ý kiến của người tiêu dùng Hoa Kỳ thông qua hệ thống siêu thị, chuỗi bán lẻ. Quy trình này tốn nhiều thời gian, bởi theo ý kiến của người tiêu dùng, doanh nghiệp phải chỉnh sửa từng chi tiết nhỏ như thiết kế mẫu mã, số lượng hộp sữa trong một lốc sữa…
Rào cản thứ ba là Nhà máy phải đạt tiêu chuẩn của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) do một tổ chức kiểm định được FDA Hoa Kỳ ủy nhiệm.
“Quy định của FDA cực kỳ khắc nghiệt, Nutifood phải nỗ lực và đầu tư kinh phí lớn để đáp ứng các yêu cầu đó”, ông Hòa nói.
Xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất
Ông Trần Quốc Mạnh, Chủ tịch Công ty cổ phần Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Sadaco) đánh giá, Hoa Kỳ là nơi có cơ chế thị trường cao nhất, những biện pháp phòng vệ thương mại như chống bán phá giá,… được áp dụng rất khắt khe, nên các doanh nghiệp Việt Nam phải trưởng thành hơn nữa để có thể đưa sản phẩm vào thị trường này.
Hiên nay, đồ gỗ là một trong 5 mặt hàng của Việt Nam có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất vào Hoa Kỳ. Theo đại diện Sadaco, nếu doanh nghiệp đồ gỗ có tham vọng vào Hoa Kỳ, thì phải đồng thời đảm bảo cả hai yếu tố: năng suất và chất lượng đạt đến độ tinh xảo.
Đơn hàng của Hoa Kỳ đối với đồ gỗ thường rất lớn, trung bình từ 100 đến vài trăm container/tháng. Do đó, doanh nghiệp Việt Nam cần phải mở rộng quy mô, tự động hóa dây chuyền sản xuất… để đảm bảo đơn hàng.
Trong kế hoạch sắp tới, ngoài việc mạnh tay đầu tư, Sadaco sẽ thâu tóm một số công ty sản xuất gỗ lớn tại Việt Nam, tái cấu trúc và trang bị lại các thiết bị để đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của thị trường Hoa Kỳ.
Gần đây, Hoa Kỳ đã hoàn tất nghị trình Chính sách thương mại năm 2018.
Theo Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải, những thay đổi trong chính sách thương mại mới của Hoa Kỳ sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc xuất khẩu nhiều mặt hàng chủ lực của Việt Nam, khiến cho việc duy trì mức kim ngạch hiện tại, hay thúc đẩy tăng trưởng xuất khẩu vào Hoa Kỳ trở thành bài toán không dễ tìm ra lời giải đáp thỏa đáng.
Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh, Bộ Công Thương hoan nghênh và khuyến khích các doanh nghiệp Việt Nam cùng nhau phối hợp xây dựng chuỗi cung ứng sản xuất hàng xuất khẩu vào thị trường Hoa Kỳ, thông qua đó mang lại nhiều giá trị gia tăng cho hàng hóa Việt Nam, Bộ Công Thương luôn sẵn sàng hỗ trợ doanh nghiệp trong tiến trình này.
Từ hơn 10 năm qua, Hoa Kỳ đã trở thành đối tác thương mại hàng đầu của Việt Nam. Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đạt 50,81 tỷ USD vào cuối năm 2017.
Việt Nam hiện là đối tác xếp thứ 12 về xuất khẩu hàng hóa sang Hoa Kỳ, xếp thứ 27 về nhập khẩu hàng hóa và là đối tác thương mại lớn thứ 16 của Hoa Kỳ.
(Nguồn: Bộ Công thương)