Gian nan hải trình tái cơ cấu Vinalines

Vẫn còn rất nhiều công việc bộn bề phía trước cần phải giải quyết để Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) thoát hẳn gánh nặng nợ nần sau hơn 6 năm tái cơ cấu.
Cảng Hải Phòng - một trong những công ty thành viên đang đem lại lợi nhuận cho Vinalines. Ảnh: A.M Cảng Hải Phòng - một trong những công ty thành viên đang đem lại lợi nhuận cho Vinalines. Ảnh: A.M

Vinalines đã “nổi”

Ông Trần Tuấn Hải, Trưởng ban Truyền thông Vinalines thông tin, nếu không có gì thay đổi, Vinalines sẽ tiến hành Đại hội đồng cổ đông lần đầu của Công ty mẹ vào khoảng tháng 5/2019, đồng thời chính thức vận hành thương hiệu mới VIMC.

Trước đó, trong các đợt roadshow trước thềm IPO Công ty mẹ, lãnh đạo Vinalines đã khẳng định sẽ bắt đầu trả cổ tức cho các cổ đông sau từ 1 - 2 năm chuyển đổi hoạt động theo mô hình công ty cổ phần.

“Theo Luật Doanh nghiệp, Vinalines chỉ có thể trả cổ tức sau khi cân bằng tài chính. Với khoản lỗ lũy kế tính đến tháng 12/2018 chỉ còn khoảng 2.900 tỷ đồng, chúng tôi có thể san lấp trong 2 năm tới nhờ triển vọng kinh doanh tích cực của Tổng công ty”, ông Hải cho biết.

Như vậy, về lý thuyết, lộ trình tái cơ cấu Vinalines, xét trên góc độ quan trọng nhất là tài chính sẽ kết thúc vào năm 2020, trễ gần 5 năm so với tiến độ đề ra tại Quyết định 276/TTg-QĐ.

Hải trình tái cơ cấu Vinalines bắt đầu cách đây hơn 6 năm, sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 276/QĐ-TTg về phê duyệt Đề án tái cơ cấu Tổng công ty giai đoạn 2012 - 2015.

Ngoài khoản lỗ, nợ tự thân dồn nén sau chuỗi thời gian làm ăn bết bát do thị trường vận tải biển thế giới suy thoái, việc phải “cõng” thêm con tàu đắm - Công ty Vận tải biển Vinashin (Vinashinlines) khiến Vinalines chấp chới trên bờ vực phá sản.

Trong 7 “đơn thuốc” được Chính phủ và các bộ, ngành kê cho “con bệnh trọng” Vinalines (gồm cổ phần hóa các công ty vận tải biển và cảng biển; thoái vốn; giải thể, phá sản doanh nghiệp; tái cơ cấu tài chính; tái cơ cấu hoạt động kinh doanh; tái cơ cấu nguồn nhân lực; tái cơ cấu quản trị doanh nghiệp), thì nội dung tái cơ cấu tài chính và kinh doanh được coi là cấp bách hơn cả.

Cần nói thêm, tại thời điểm 1/1/2013, tổng tài sản hợp nhất của Vinalines là 58.823 tỷ đồng, nhưng nợ phải trả lên tới 67.550 tỷ đồng, khiến vốn chủ sở hữu toàn Tổng công ty bị âm 8.726 tỷ đồng. Đội tàu biển gồm 154 tàu, với tổng trọng tải 3,4 triệu DWT được mua sắm trong giai đoạn thị trường vận tải biển đang ở đỉnh cao, với nhiều tàu già, khai thác kém hiệu quả là nguyên nhân trực tiếp mang lại khoản lỗ lũy kế lên tới 23.033 tỷ đồng, vượt cả doanh thu hợp nhất toàn tổng công ty trong năm 2013.

Trong bối cảnh trên, bài toán khó là có được phương án thuyết phục các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là các tổ chức tín dụng, ngân hàng tin Vinalines sẽ cải thiện được tình hình kinh doanh và có tiền thanh toán dư nợ tồn đọng.

Theo ông Hải, giải pháp đầu tiên mà Vinalines bắt tay vào làm là cơ cấu lại các khoản nợ vay, để không bị mất cân đối giữa nợ và tài sản. Trong đó,  mua bán nợ và chuyển nợ thành vốn góp là 2 phương án được chọn để đảm bảo lợi ích ở mức tối đa cho 3 bên (gồm nhà nước (chủ sở hữu) - ngân hàng (chủ nợ) - Vinalines (bên nợ).

Cụ thể, đối với hình thức mua bán nợ, Vinalines và ngân hàng mua bán với nhau thông qua bên trung gian là Công ty TNHH Mua bán nợ Việt Nam (DATC). Đây là cách làm mới.  Việc các công ty mua bán, xử lý nợ thông qua tham gia đàm phán trên nguyên tắc giá thị trường sẽ giải quyết được tình trạng các tổ chức tín dụng đòi thu nợ giá cao, trong khi doanh nghiệp mắc nợ không có khả năng chi trả.

“Đối với một số khoản nợ khác không có khả năng trả ngân hàng, hình thức thanh toán được áp dụng là chuyển số nợ thành cổ phần tại doanh nghiệp của Vinalines. Khi đó, tổ chức tín dụng cho Vinalines vay sẽ trở thành cổ đông của Tổng công ty”, ông Hải cho biết.

Nhờ những giải pháp tài chính linh hoạt này, đến 31/12/2018, nợ phải trả toàn tổng công ty đã giảm mạnh (khoảng 74%) từ 67.550 tỷ đồng trước thời điểm tái cơ cấu xuống còn 17.299 tỷ đồng; dư nợ vay Công ty mẹ - Vinalines giảm tới 80% từ 11.425 tỷ đồng trước xuống còn 2.413 tỷ đồng tại thời điểm 31/12/2018, xóa nợ được khoảng 9.000 tỷ đồng.

Tuy nhiên, theo Quyền Tổng giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Tĩnh, cơ cấu nợ chỉ là giải pháp để giảm nợ, giảm chi phí lãi vay. Vinalines muốn đi lên bền vững, những “ung nhọt” là các công ty hoạt động kém hiệu quả, đặc biệt là khối vận tải phải được xử lý sớm để giảm tổn thất và cắt lỗ.

Cùng với việc tập trung nâng cao hiệu quả khai thác các cảng biển; mở rộng kinh doanh logistics – 2 lĩnh vực luôn mang lại lợi nhuận ổn định, Vinalines đã mạnh tay dừng đóng mới 17 tàu, bán thanh lý một nửa đội tàu với nhiều tàu già, hoạt động kém hiệu quả để kéo tổng trọng tải từ 3,4 triệu DWT xuống còn 1,7 triệu DWT.

Cũng trong giai đoạn này, Vinalines đã thực hiện thoái vốn tại 40 đầu mối, thu về 2.435 tỷ đồng, lãi 320 tỷ đồng để dồn nguồn lực tài chính cho tái cơ cấu.

Nhờ những giải pháp trên, đến cuối năm 2015, Vinalines ghi nhận lợi nhuận trước thuế đầu tiên, dù khá mỏng (65 tỷ đồng), trước khi tăng dần lên 969 tỷ đồng vào năm 2017 và 500,3 tỷ đồng vào năm 2018.

Đặc biệt, khoản lỗ lũy kế đã giảm gần 8 lần, từ 23.033 tỷ đồng, xuống còn 2.919 tỷ đồng trong khi vốn chủ sở hữu đã tăng lên hơn 9.096 tỷ đồng vào cuối năm ngoái.

Hải trình còn sóng gió

Theo lý giải của ông Tĩnh, công cuộc tái cơ cấu Vinalines diễn ra trong giai đoạn thị trường vận tải biển khá bất lợi, giá cước thấp, thị trường chưa có dấu hiệu phục hồi rõ nét. Cả chủ nợ, bên nhận nợ và Vinalines đều chưa có kinh nghiệm xử lý các khoản công nợ lớn, phức tạp, dẫn đến nhiều mục tiêu tái cơ cấu phải kéo dài thời gian thực hiện.

Trên thực tế, sự phục hồi của Vinalines tuy đã rõ nét, nhưng vẫn còn tiềm ẩn nhiều khó khăn. Cụ thể, các doanh nghiệp vận tải biển của Vinalines tuy đã được triển khai quyết liệt nhiều giải pháp tái cơ cấu, như xử lý tài sản gây thua lỗ, tái cơ cấu đội tàu, tái cơ cấu tài chính, tiết giảm chi phí, tinh giảm bộ máy…, nhưng kết quả mới dừng ở việc giảm lỗ. Nhiều đơn vị vận tải chưa thoát khỏi thua lỗ và vẫn tiếp tục tái cơ cấu để cải thiện dần kết quả hoạt động kinh doanh.

Một lo lắng nữa đối với lãnh đạo Vinalines và các cổ đông của doanh nghiệp này là việc tái cơ cấu các khoản nợ của Công ty mẹ và một số đơn vị thành viên tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam - VDB chưa được xử lý triệt để, do ngân hàng này chưa có cơ chế mua bán nợ theo cơ chế thị trường như các ngân hàng thương mại đang thực hiện.

“Các giải pháp tái cơ cấu nợ tại VDB, vì lẽ đó mới chỉ là khoanh nợ, giãn nợ, xóa lãi vay, nên bản chất các khoản nợ xấu vẫn còn, trong khi đó, tài sản ngày một bị mất giá. Do vậy, Vinalines và các đơn vị thành viên không thể xử lý dứt điểm các khó khăn về tài chính”, ông Tĩnh cho biết.

Bên cạnh đó, kết quả IPO của Công ty mẹ - Tổng công ty không đạt được như phương án cổ phần hóa đề ra. Phiên IPO vào 8h30 ngày 5/9/2018 chỉ thu hút tổng cộng 42 nhà đầu tư đăng ký mua với khối lượng 5.439.800 cổ phần, chỉ nhỉnh hơn 1,1% trên tổng số gần 490 triệu cổ phần đưa ra đấu giá. Trong đó các cá nhân đăng ký mua 5.139.800 cổ phiếu, các tổ chức gom 300.000 cổ phiếu. Việc chỉ bán được một lượng cổ phiếu quá nhỏ chắc chắn không giúp Vinalines cải thiện tình hình tài chính và tạo bước ngoặt trong mô hình quản trị doanh nghiệp

“Hiện tại, Vinalines vẫn rất cần sự hỗ trợ từ Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp cũng như các bộ, ngành liên quan đến tiến trình tái cơ cấu hoàn thành toàn bộ các mục tiêu đề ra”, lãnh đạo Vinalines cho biết.

Anh Minh
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục