Nỗ lực cắt lỗ, giảm nợ
Vinalines được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa Công ty mẹ - Tổng công ty, với số vốn điều lệ sau cổ phần hóa là hơn 14.046 tỷ đồng, trong đó Nhà nước nắm giữ 65% vốn điều lệ, bán cho các cổ đông bên ngoài 35% vốn điều lệ.
Ngày 20/8/2018, Vinalines tổ chức giới thiệu cơ hội đầu tư vào đợt chào bán cổ phần lần đầu ra công chúng (IPO) ngày 5/9 tới, với khối lượng 488.818.130 cổ phần (chiếm 34,8% vốn điều lệ), giá khởi điểm 10.000 đồng/cổ phần. Nếu IPO thành công, Vinalines sẽ triển khai bán 0,2% cổ phần cho cán bộ, công nhân viên và tổ chức công đoàn.
Là tổng công ty vận tải biển lớn nhất Việt Nam, Vinalines đang hoạt động với chuỗi giá trị khép kín gồm ba lĩnh vực: khai thác cảng, vận tải biển, dịch vụ hàng hải. Hiện đội tàu của Vinalines gồm 85 tàu, tổng trọng tải hơn 1,8 triệu tấn, chiếm 25% tổng trọng tải đội tàu biển quốc gia.
Hệ thống cảng biển của Vinalines trải dài khắp ba miền Bắc - Trung - Nam, với tổng chiều dài 13 km, chiếm 1/5 tổng chiều dài cầu cảng cả nước. Hệ thống kho bãi của Vinalines lớn nhất Việt Nam, với tổng diện tích 263 ha.
Dù sở hữu nhiều lợi thế trong lĩnh vực hàng hải, nhưng Vinalines có thời gian dài chìm trong biển nợ và tình trạng kinh doanh sa sút.
Báo cáo tài chính của Công ty mẹ Vinalines cho thấy, năm 2017, riêng lợi nhuận thuần từ kinh doanh âm 791 tỷ đồng, năm trước đó âm 1.519 tỷ đồng. Lợi nhuận gộp về bán hàng và cung cấp dịch vụ năm 2017 âm hơn 360 tỷ đồng, năm trước đó âm 1.532 tỷ đồng.
Trong báo cáo kiểm toán độc lập, Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn UHY từ chối đưa ra ý kiến đối kiểm toán về báo cáo tài chính hợp nhất năm 2017 của Vinalines do không thể thu thập được bằng chứng kiểm toán thích hợp đối với một số vấn đề quan trọng.
Các công ty con như Vận tải biển Việt Nam, Vận tải và Thuê tàu biển Việt Nam, Đầu tư Cảng Cái Lân, Vận tải Biển Đông, Vận tải biển Vinaship… bị đưa ra ý kiến ngoại trừ hoặc nhấn mạnh về khả năng hoạt động liên tục khi hầu hết đều làm ăn thua lỗ, âm vốn chủ sở hữu, âm vốn lưu động ròng, gánh nặng từ những khoản nợ quá hạn và đến hạn trả.
Ông Lê Anh Sơn cho biết, có thời điểm, Vinalines lỗ lũy kế 22.000 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu chỉ còn 5.000 đồng. Vinalines đã rốt ráo tái cơ cấu, tập trung tái cơ cấu tài chính Công ty mẹ, giảm dần nợ và đưa chỉ số tài chính về mức an toàn. Kết quả, sau 4 năm tái cơ cấu, Vinalines đã giảm được 78% nợ, nợ của Công ty mẹ Vinalines hiện nay chỉ còn hơn 2.000 tỷ đồng.
Trước đây (2006 - 2010), Tổng công ty đã mua nhiều tàu có giá trị cao, chi phí vận hành và chi phí vận tải lớn. Đây là một trong những nguyên nhân khiến lợi nhuận của Vinalines thấp, thậm chí âm, vì vậy Tổng công ty tìm cách tinh gọn đội tàu không hiệu quả. Một số công ty hoạt động không liên tục, hiệu quả không cao, Vinalines có chủ trương thoái vốn hết, chỉ giữ lại những doanh nghiệp thực sự hiệu quả, tạo ra giá trị chuỗi cho Tổng công ty.
Một công ty thành viên điển hình kéo con tàu Vinalines đi xuống là Vận tải Biển Đông, âm vốn chủ sở hữu hơn 4.000 tỷ đồng, lỗ trung bình mỗi năm 500 tỷ đồng. Đây là doanh nghiệp từ Vinashin bàn giao sang, Vinalines đã tiến hành tái cơ cấu, nhưng khoản nợ đối với các tổ chức tín dụng quá lớn.
Kỳ vọng vào đợt IPO
Trước các nhà đầu tư, ông Lê Anh Sơn nhấn mạnh: “Sau IPO, Vinalines sẽ cất cánh. Đây là giai đoạn để làm sống lại Vinalines, trong tương lai sắp tới sẽ tăng tốc để con tàu đuổi kịp các đối thủ cạnh tranh”.
6 tháng đầu năm 2018, Công ty mẹ Vinalines dự kiến doanh thu đạt 533,8 tỷ đồng, lỗ luỹ kế giảm còn gần 1.141 tỷ đồng. Trong nửa cuối năm 2018, Tổng công ty dự kiến doanh thu đạt 505 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 180 tỷ đồng.
Năm 2019, kế hoạch doanh thu hợp nhất là 12.715 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế hợp nhất 711 tỷ đồng, các chỉ tiêu này cho năm 2020 lần lượt là 13.423 tỷ đồng và 953 tỷ đồng.
Vinalines kỳ vọng, sau cổ phần hóa, đến năm 2020 sẽ trả cổ tức và đảm nhận 30% hàng hóa qua cảng tại Việt Nam.
Tổng công ty sẽ tập trung phát triển hệ thống cảng biển khu vực phía Bắc với 6 bến container và tổng hợp tại cảng Lạch Huyện (Hải Phòng) tiếp nhận tàu đến 8.000 TEU, khu vực miền Trung sẽ đầu tư cảng Liên Chiểu và miền Nam đầu tư 2 cầu cảng của Dự án Cảng tổng hợp Vinalines Hậu Giang.
Không ít nhà đầu tư tỏ ra hoài nghi với kế hoạch kinh doanh của Vinalines. Tuy nhiên, ông Lê Anh Sơn khẳng định, lợi nhuận lên đến vài nghìn tỷ đồng của Vinalines trong tương lai là khả thi, bởi Tổng công ty đang sở hữu một số cảng mang lại lợi nhuận tốt, còn dư địa phát triển, nhất là các cảng nước sâu.
Tổng công ty có khả năng tăng lợi nhuận bằng cách tạo ra chuỗi logictics. Vinalines hướng tới sử dụng thế mạnh của cảng Cái Mép - Thị Vải, Lạch Huyện. Với việc giá dịch vụ logictics tại cảng nước sâu của Việt Nam đang thấp nhất Đông Nam Á, cơ hội tăng giá trong tương lai sẽ hỗ trợ doanh nghiệp.
Về việc tìm kiếm nhà đầu tư chiến lược, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền Tổng giám đốc Vinalines cho hay, có nhà đầu tư Hàn Quốc, đối tác cùng lĩnh vực hàng hải, quan tâm mua cổ phần của Tổng công ty trong đợt IPO tới, nhưng vì thời gian gấp gáp, có thể công ty này sẽ không kịp tham gia.
Ông Tĩnh chia sẻ, giai đoạn này, thị trường chứng khoán không thực sự thuận lợi để IPO, nhưng Vinalines vẫn chào bán cổ phần theo kế hoạch, dù chưa có đối tác chiến lược. Tổng công ty sẽ tiếp tục mở rộng quan hệ với các đối tác, hy vọng đối tác sẽ tìm hiểu và mua cổ phần Vinalines sau IPO.
3 nhóm giải pháp hiện thực hóa kế hoạch kinh doanh
“Chúng tôi sẽ phát triển Vinalines đi trên 3 chân kiềng lớn và là nền tảng để phát triển”, Chủ tịch Hội đồng thành viên Vinalines cho biết giải pháp để thực hiện kế hoạch kinh doanh sau cổ phần hóa, trong đó năm 2020 đạt doanh thu 13.423 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế Công ty mẹ 628 tỷ đồng.
Thứ nhất, Vinalines tập trung kinh doanh cảng biển nước sâu và các dịch vụ cốt lõi xung quanh để tạo chuỗi khép kín, đón các hãng tàu lớn trên thế giới. Tổng công ty đang được giao đầu tư các cảng lớn như Lạch Huyện.
Các cảng lớn khác như Cái Mép - Thị Vải, Liên Triểu... còn nhiều dư địa để phát triển. Riêng Cái Mép - Thị Vải là một trong 19 cảng trên toàn cầu có thể đón nhận tàu lớn nhất thế giới.
Thứ hai, tập trung đầu tư công nghệ, xây dựng chuỗi logictics toàn cầu tương tự Amazon, giao hàng trong 24h.
Thứ ba, phát triển đội ngũ nhân lực có chuyên môn sâu và yêu nghề. Đây là động lực để Việt Nam trở thành mắt xích quan trọng trong chuỗi logistics toàn cầu.
Bên cạnh ba chân kiềng kể trên, lãnh đạo Vinalines cho biết, Tổng công ty sẽ tiếp tục tinh giản đội tàu và thoái vốn ở một số công ty con hoạt động không hiệu quả.
Theo kế hoạch, Vinalines sẽ thoái vốn tại 18 doanh nghiệp thành viên, trong đó thoái toàn bộ tại 9 doanh nghiệp gồm Vitranschart, Phát triển Khu công nghiệp Tín Nghĩa, Petec, Sesco, Inlaco Hải Phòng, Đầu tư và Thương mại Hàng hải Hải Phòng, Dong Do Marine, OSTC, Vinalines Nha Trang. Tổng công ty sẽ giữ cổ phần chi phối tại 9 doanh nghiệp hoạt động hiệu quả: Vosco, Vinaship, Hải Phòng Port, Đà Nẵng Port, Cần Thơ Port, Cam Ranh Port, Cái Lân Port, Transvina, Khuyến Lương Post.
Vinalines kỳ vọng sớm có nhà đầu tư chiến lược
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền Tổng giám đốc Vinalines chia sẻ, Tổng công ty đã làm việc với một số đối tác, khách hàng lớn trên thế giới là hãng vận tải biển, kỳ vọng sẽ sớm có nhà đầu tư chiến lược đồng hành cùng doanh nghiệp.
Ông có tin đợt IPO sắp tới sẽ thành công?
Sau giai đoạn tập trung tái cơ cấu theo chỉ đạo của Chính phủ và sự hỗ trợ của các bộ, ngành, kết quả lớn nhất mà Vinalines có được là tái cơ cấu tài chính, đưa các chỉ số tài chính về mức an toàn, đủ để nhà đầu tư có niềm tin.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh, Quyền Tổng giám đốc Vinalines
Thứ nhất, các khoản nợ đang được xử lý triệt để.
Thứ hai, các tài sản, các thành viên hoạt động không hiệu quả, chúng tôi đã tìm cách tinh gọn, thoái vốn, thanh lý và thậm chí giải thể, phá sản. Những khoản lỗ từ nguyên nhân ấy đã được cơ cấu triệt để. Ngoài ra, chúng tôi tái cơ cấu bộ máy quản trị tại các công ty có vốn của Vinalines, đồng thời sử dụng công nghệ để nâng cao hiệu quả hoạt động.
Đợt IPO này, chúng tôi đã làm việc với các đối tác, khách hàng lớn trên thế giới là các hãng vận tải biển và tin tưởng rằng, với ngành nghề của Vinalines cùng sự phát triển của kinh tế biển, Tổng công ty sẽ tìm được các nhà đầu tư đồng hành cùng doanh nghiệp. Tuy nhiên, đợt IPO diễn ra rất gấp, một số nhà đầu tư muốn tham gia nhưng họ sợ không kịp làm các thủ tục về thẩm định.
Theo ông, Vinalines có các yếu tố nào để thu hút nhà đầu tư chiến lược, góp phần thúc đẩy Tổng công ty phát triển?
Lợi thế của Vinalines là hoạt động trong lĩnh vực hàng hải, có ba ngành nghề chính gồm vận tải biển, cảng biển và dịch vụ, tạo thành chuỗi phục vụ cho khách hàng những dịch vụ trọn gói.
Với tốc độ tăng trưởng sản lượng xuất khẩu thông qua hệ thống cảng biển ở mức cao, đến năm 2020 dự báo đạt hơn 20 triệu Teus (gần 300 triệu tấn), cán mốc hơn 40 triệu Teus (600 triệu tấn) vào năm 2030, chúng tôi chắc chắn sẽ thu hút được các nhà đầu tư, đối tác chiến lược.
Tốc độ tăng trưởng thị trường logistics đạt 20 - 25%/năm, tiềm năng phát triển cho thị trường hàng hải Việt Nam là rất lớn.
Có ý kiến cho rằng, tỷ lệ cổ phần bán ra là 34,8% chưa đủ để hấp dẫn nhà đầu tư lớn?
Điều này là đúng với một số nhà đầu tư muốn gia tăng tỷ lệ sở hữu cao hơn, chi phối với tỷ lệ 49%, 51%. Thực sự, một số nhà đầu tư cũng có ý kiến về tỷ lệ bán ra ít, họ muốn gia tăng tỷ lệ nắm giữ cổ phần để tiếng nói của họ có ảnh hưởng.
Tuy nhiên, với quyết định về chiến lược phát triển, tỷ lệ chào bán hiện nay chỉ gần 35%. Mặc dù vậy, chúng tôi cũng đã trao đổi với nhà đầu tư và có đưa ra giải pháp cho họ, với niềm tin Vinalines sẵn sàng chia sẻ về quản trị, cơ hội kinh doanh để hai bên cùng nhau có kết quả tốt.
Các nhà đầu tư rất quan tâm tới đợt IPO, chỉ là vấn đề thời gian hơi gấp gáp. Như một đối tác tại Hàn Quốc của chúng tôi, cùng hoạt động trong ngành vận tải biển, đang nỗ lực để kịp tham gia đợt chào bán cổ phần ngày 5/9 và trở thành nhà đầu tư chiến lược. Nếu kịp thủ tục, có thể họ sẽ mua từ 5 - 10% cổ phần. Chúng tôi cũng kỳ vọng sẽ có nhà đầu tư tham gia trong giai đoạn sau IPO.