Thưa ông, có một thực tế là càng tham gia nhiều FTA, thì tình trạng gian lận xuất xứ hàng hóa, hàng hóa nước ngoài “đội lốt” Việt Nam diễn ra ngày càng nhiều?
Cho đến thời điểm này, chưa có cơ quan chức năng nào chỉ ra cụ thể những mặt hàng nào có gian lận xuất xứ nhằm chống lẩn tránh thuế xuất khẩu vào các thị trường mà Việt Nam đã tham gia, ký kết FTA. Tuy nhiên, Bộ Công thương đã nhiều lần đưa ra cảnh báo là có nguy cơ hàng hóa nước ngoài gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế.
Cụ thể, Bộ Công thương đã chỉ ra 8 mặt hàng gồm sản phẩm gỗ, dệt may, da giày, nhôm, máy tính, sắt thép, nhựa và xe đạp có nguy cơ gian lận xuất xứ. Không chỉ cảnh báo, mà Bộ Công thương đã đưa 8 mặt hàng này vào tầm ngắm và kiểm soát chặt chẽ để ngăn chặn gian lận xuất xứ làm ảnh hưởng đến sản xuất cũng như xuất khẩu của Việt Nam.
Để chống gian lận xuất xứ, Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ nhằm nâng cao hiệu quả của quá trình hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là tham gia các FTA thế hệ mới như EVFTA, CPTPP và sắp tới đây là RCEP (Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện Khu vực, bao gồm ASEAN, Australia, Trung Quốc, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và New Zealand). Đề án này còn nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của Việt Nam trong thương mại quốc tế; bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính.
Nhìn vào một số mặt hàng có sự tăng trưởng xuất khẩu bất thường kể từ khi căng thẳng thương mại Mỹ - Trung xảy ra, như mặt hàng sản phẩm gỗ chẳng hạn, có thể thấy tình trạng gian lận xuất xử đã xảy ra, chứ không còn phải là nguy cơ nữa, thưa ông?
Năng lực sản xuất sản phẩm gỗ của Việt Nam trong mấy năm gần đây không có sự tăng trưởng đột biến, nhưng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này trong 6 tháng đầu năm đạt 4.867 triệu USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ năm 2018. Nhìn vào năng lực sản xuất, có thể thấy, tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu sản phẩm gỗ “có vấn đề”.
Không chỉ sản phẩm gỗ, mà còn 7 chủng loại hàng hóa khác cũng có nguy cơ gian lận xuất xứ hàng hóa. Chính vì vậy, Tổng cục Thống kê đã và đang phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành hữu quan, đặc biệt là với Bộ Công thương, Tổng cục Hải quan để đưa ra giải pháp loại trừ gian lận thương mại, gian lận xuất xứ, lẩn tránh thuế, tránh tình trạng doanh nghiệp vì cái lợi trước mắt, nhập khẩu hàng hóa, thực hiện gia công, sơ chế rất ít và sau đó xuất khẩu đi các nước đã ký kết FTA với Việt Nam nhằm tận dụng cơ hội giảm thuế nhập khẩu của các thị trường này.
Để chống gian lận xuất xứ hàng hóa, theo ông, trước mắt phải làm gì?
Theo tôi, phải thực hiện triệt để Đề án Tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ vừa được Thủ tướng Chính phủ ban hành.
Cụ thể, các cơ quan quản lý nhà nước, trong đó có Tổng cục Thống kê phải tăng cường theo dõi tình hình xuất nhập khẩu với đối tác thương mại lớn, nhằm cảnh báo nguy cơ xảy ra các vụ kiện phòng vệ thương mại, lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, giúp doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ và vừa, chủ động phòng ngừa và ứng phó với vụ kiện phòng vệ thương mại.
Thực hiện cảnh báo sớm nguy cơ bị điều tra chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa thông qua giám sát hoạt động nhập khẩu, xuất khẩu (kể cả tạm nhập tái xuất, trung chuyển, quá cảnh) những mặt hàng đang bị các đối tác kinh tế quan trọng áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại để đưa ra khuyến nghị kịp thời.
Bên cạnh đó, tăng cường kiểm tra, đấu tranh với hành vi gian lận thương mại về xuất xứ hàng hóa trên phạm vi toàn quốc. Các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng, cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng doanh nghiệp phải phối hợp chặt chẽ trong việc cập nhật thông tin; theo dõi, ngăn chặn và xử lý hành vi lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại, gian lận xuất xứ hàng hóa để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo vệ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh chân chính…
Các giải pháp kể trên là chống gian lận xuất xứ đối với hàng xuất khẩu, còn đối với hàng hóa tiêu thụ tại thị trường nội địa, tình trạng gian lận xuất xứ, hàng hóa nước ngoài đội lốt “made in Vietnam” chắc là không ít. Vụ Khaisilk trước đây, hay Asanzo hiện nay là những ví dụ điển hình, thưa ông?
Vụ Khaisilk là việc bán hàng Trung Quốc gắn “made in Vietnam” thì đã rõ và cơ quan chức năng cũng đã khởi tố vụ vụ án. Còn đối với vụ Asanzo, Thủ tướng đã yêu cầu xác minh xem liệu có dấu hiệu lừa dối khách hàng hay không, hiện chưa có kết luận. Tuy nhiên, về vấn đề này, trong thống kê thương mại, dịch vụ, Ủy ban Thống kê Liên hợp quốc - UNSC cũng đang xem xét, rà soát lại các tiêu chuẩn thống kê nhằm đánh giá chính xác xuất xứ hàng hóa.
Hiện nay, Việt Nam nhập khẩu khá nhiều linh kiện, phụ tùng, chi tiết, thiết bị điện tử từ Hàn Quốc (6 tháng đầu năm tổng kim ngạch nhập khẩu từ Hà Quốc gần 23 tỷ USD), sau đó sản xuất ra sản phẩm điện tử, điện thoại nguyên chiếc.
Không thể phủ nhận sản phẩm điện thoại, máy tính, thiết bị điện tử do Samsung sản xuất tại Việt Nam có xuất xứ Việt Nam, mặc dù giá trị gia tăng của sản phẩm nguyên chiếc sản xuất tại Việt Nam không nhiều. UNSC đang nghiên cứu vấn đề này, nhằm đưa ra các tiêu chí, tiêu chuẩn xác định thế nào là hàng hóa có xuất xứ từ một quốc gia.