Gian lận thương mại đội lốt hàng Việt, doanh nghiệp lo ngại vạ lây

(ĐTCK) Một số vụ gian lận thương mại, đội lốt hàng Việt Nam xuất đi Mỹ bị phát giác trong thời gian gần đây đang khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng bị ảnh hưởng khi tìm đường mở rộng xuất khẩu vào thị trường này.
Ảnh minh họa. Ảnh minh họa.

Doanh nghiệp nhôm “thiệt đơn thiệt kép”

Thông tin Hải quan bắt giữ lô hàng nhôm trị giá 4,3 tỷ đồng nhập từ Trung Quốc đang chờ xuất khẩu đi Mỹ vào cuối tháng 10 vừa qua làm gia tăng lo ngại cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam.

Trên thực tế, nhiều chuyên gia và cả cơ quan chức năng cũng đã cảnh báo nguy cơ Việt Nam bị lợi dụng trở thành điểm trung chuyển lẩn tránh, trốn thuế của Trung Quốc và một số nước khác.

Ở thị trường trong nước, ngày 28/9/2019, Bộ Công Thương đã ban hành Quyết định áp dụng biện pháp chống bán phá giá chính thức đối với một số sản phẩm nhôm thanh đùn ép có xuất xứ từ Trung Quốc.

Theo đó, mức thuế chống bán phá giá tạm thời được áp dụng cho các doanh nghiệp xuất khẩu nhôm thanh đùn ép của Trung Quốc là từ 2,49% đến 35,58%. Số lượng nhà sản xuất Trung Quốc bị điều tra trong vụ việc là 16 công ty.

Bộ Công Thương bắt đầu tiến hành vụ việc điều tra vào tháng 1/2019 trên cơ sở kết quả thẩm định hồ sơ yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá của đại diện ngành sản xuất trong nước nộp vào tháng 10/2018.

Kết quả điều tra, đánh giá cho thấy, ngành sản xuất nhôm trong nước đã chịu thiệt hại nặng nề trong thời gian vừa qua, hầu hết các doanh nghiệp đều thua lỗ, nhiều dây chuyền sản xuất phải ngừng hoạt động.

Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên là nhôm Trung Quốc đang được bán phá giá với biên độ từ 2,49% đến 35,58%, một số trường hợp giá bán còn thấp hơn rất nhiều so với chi phí sản xuất sau khi bị nhiều nước ngăn chặn bằng các rào cản thương mại, kể cả các biện pháp chống bán phá giá.

Lãnh đạo Công ty cổ phần EuroHa, doanh nghiệp chuyên sản xuất nhôm cho biết, doanh nghiệp chân chính đang phải đương đầu với hàng giá rẻ, hàng trôi nổi không chính thống theo đường tiểu ngạch, việc cạnh tranh đã khiến doanh nghiệp này giảm 35% công suất.

Tại Công ty cổ phần Nhôm Sông Hồng (NSH), doanh thu bán hàng quý III/2019 đạt 191,1 tỷ đồng, giảm 23,5% so với cùng kỳ 2018; lũy kế 9 tháng đầu năm đạt 732 tỷ đồng, giảm 18,5% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quý III, Công ty báo lãi 345,5 triệu đồng, giảm 62,5% so với cùng kỳ năm ngoái; lũy kế 9 tháng lãi 1,34 tỷ đồng, giảm 66% so với cùng kỳ năm ngoái. Tính đến 30/9/2019, Công ty có 463 tỷ đồng hàng tồn kho, tăng 2,4% so với số dư đầu năm.

Chịu áp lực cạnh tranh gay gắt là câu chuyện không chỉ Nhôm Sông Hồng, mà nhiều doanh nghiệp trong ngành đang phải đối mặt.

Năm 2018, lượng nhôm thanh đùn ép từ Trung Quốc nhập khẩu vào Việt Nam lên tới 62.000 tấn.   

Số liệu thống kê cho thấy, năm 2018, lượng nhôm thanh đùn ép nhập khẩu vào Việt Nam từ Trung Quốc lên tới 62.000 tấn, gần gấp đôi lượng nhập khẩu năm 2017.

Số liệu này chưa bao gồm lượng lớn nhôm nhập khẩu vào Việt Nam được đưa vào các khu chế xuất để sản xuất hàng xuất khẩu. Trong khi đó, lượng nhập khẩu từ các nước còn lại liên tục giảm qua các năm và đến 2018 chỉ còn chưa đến 5.000 tấn.

Ngăn chặn dòng hàng hóa qua Việt Nam “tẩy mác”

Ngoài nhôm, nhiều doanh nghiệp sản xuất các mặt hàng như gỗ, thép, đệm mút, lốp xe tải, xe đạp điện… cũng lo ngại tình trạng gian lận xuất xứ và cạnh tranh không lành mạnh từ hàng hóa Trung Quốc. Ngăn chặn dòng hàng hóa “lẩn tránh” qua Việt Nam là vấn đề đang được đặc biệt quan tâm hiện nay.

Bộ Công Thương cho biết, mới đây, Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã công bố quyết định cuối cùng vụ việc điều tra về thuế chống bán phá giá đối với A-xê-ton nhập khẩu từ Singapore và Tây Ban Nha; điều tra về chống bán phá giá đối với việc nhập khẩu thép sợi các-bon và thép hợp kim từ Thái Lan;

Điều tra về thuế chống bán phá giá đối với nệm từ Trung Quốc và điều tra về thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp đối với thùng chứa bằng thép không gỉ từ Trung Quốc và Ðức. Kể từ khi Tổng thống Trump đắc cử, DOC đã khởi xướng 184 vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp mới.

Ðể tránh nguy cơ bị điều tra chống bán phá giá, Bộ Công Thương khuyến cáo, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu của Việt Nam cần xem xét cẩn trọng, kỹ lưỡng trong việc đầu tư mở rộng công suất, kế hoạch sản xuất, xuất khẩu các sản phẩm trên sang thị trường Mỹ.

Ðồng thời, cần tuân thủ đầy đủ và chặt chẽ các quy định về quy tắc xuất xứ, pháp luật về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại; không tiếp tay cho các doanh nghiệp có ý định, hành vi giả mạo, gian lận xuất xứ Việt Nam để xuất khẩu các sản phẩm bị áp thuế nói trên sang thị trường Mỹ.

Hải Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục