Giãn cách xã hội phân hóa hơn kết quả báo cáo thường niên

0:00 / 0:00
0:00

(ĐTCK) Tác động của dịch Covid-19 khiến chất lượng báo cáo thường niên của các doanh nghiệp niêm yết vốn đã có sự phân hóa thì nay càng trở nên rõ nét hơn.

Báo cáo thường niên và Báo cáo phát triển bền vững của BVSC đoạt giải cao trong Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2020 Báo cáo thường niên và Báo cáo phát triển bền vững của BVSC đoạt giải cao trong Cuộc bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2020

Phân hóa và bứt tốp

Theo số liệu tổng kết Chương trình bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2020, số lượng báo cáo thường niên được chấm năm nay giảm 28 báo cáo so với năm 2019 do có nhiều công ty không nộp đúng thời hạn, điểm trung bình và trung vị của các báo cáo đều giảm nhẹ so với năm 2019.

Tuy nhiên, ở các công ty thuộc Top 30 và Top 50, điểm trung bình của các công ty ở mức cao và không thay đổi nhiều cho thấy các công ty đã làm tốt vẫn duy trì được chất lượng báo cáo qua các năm. Như vậy, sự suy giảm về mức điểm tập trung ở các báo cáo có điểm trung bình và thấp.

Đặc biệt, mức điểm thấp nhất của báo cáo thường niên năm nay còn giảm so với năm 2019. Điều này được lý giải là do trong thời điểm lập báo cáo thường niên, các doanh nghiệp phải tập trung đối phó với dịch bệnh, thực hiện giãn cách xã hội nên việc đi lại hoặc đến công sở làm việc bị giới hạn. Do đó, việc hoàn thành báo cáo thường niên đúng hạn đã là một nỗ lực lớn.

Năm 2020 là năm thứ ba thực hiện chia nhóm các doanh nghiệp theo quy mô vốn hóa, kết quả cho thấy tiếp tục có sự phân hóa rõ rệt về chất lượng báo cáo thường niên giữa các nhóm vốn hóa. Dẫn đầu về chất lượng cả về nội dung lẫn hình thức vẫn là nhóm vốn hóa lớn với điểm trung bình chung và điểm trung bình các phần cao hơn 2 nhóm còn lại. Dù vậy, cũng cần lưu ý là nhóm vốn hóa lớn chỉ gồm 50 doanh nghiệp trong rổ VNX50, nên chất lượng báo cáo tương đối đồng đều và điểm số thể hiện sự vượt trội hơn.

Nhóm vốn hóa vừa với 150 doanh nghiệp tiếp theo đạt điểm trung bình 54,36/100 chỉ là mức điểm cơ bản, nghĩa là doanh nghiệp mới cung cấp những nội dung cơ bản nhất theo mẫu báo cáo thường niên. Tuy nhiên, Top 10 báo cáo thường niên đoạt giải ở 2 nhóm vốn hóa lớn và vừa thì đều tương đồng về chất lượng và đều là những báo cáo tiêu biểu, nổi bật với nội dung súc tích, đa dạng, được đầu tư kỹ lưỡng, trình bày bắt mắt, slogan mới lạ… cho thấy sự làm việc hết sức nghiêm túc và trách nhiệm cao của ê-kíp làm báo cáo. Ban Tổ chức rất trân trọng những nỗ lực này của doanh nghiệp và hy vọng giải thưởng như một sự ghi nhận cho những vất vả, cố gắng của doanh nghiệp để tạo ra những báo cáo tuyệt vời như thế đến với cổ đông, nhà đầu tư.

Nhóm vốn hóa nhỏ có số lượng doanh nghiệp nhiều nhất - gần 200 công ty và chất lượng báo cáo vẫn còn yếu với điểm trung bình và trung vị đều dưới mức trung bình của thang điểm 100, cho thấy hơn phân nửa số doanh nghiệp ở nhóm này chưa đáp ứng được những yêu cầu cơ bản của báo cáo thường niên. Một điểm đáng khích lệ ở nhóm vốn hóa nhỏ năm nay là điểm nội dung lớn nhất không chênh lệch nhiều so với 2 nhóm còn lại, đạt tầm 111/128 điểm.

Tuy điểm trung bình không cao, nhưng những gương mặt đoạt giải trong Top 5 Báo cáo thường niên nhóm vốn hóa nhỏ thực sự là những báo cáo xứng đáng được vinh danh. Kết quả trao giải năm nay cũng xuất hiện gương mặt mới trong giải thưởng ở nhóm vốn hóa nhỏ cho thấy Chương trình bình chọn thực sự đã tác động đến nhận thức của doanh nghiệp trong việc lập báo cáo để ngày càng có nhiều báo cáo chất lượng, cung cấp thông tin quan trọng cho cổ đông, nhà đầu tư.

Ban Tổ chức mong rằng, với những giải thưởng ghi nhận chất lượng báo cáo ở cả 3 nhóm vốn hóa sẽ góp phần tạo ra sự thay đổi nhận thức ngày càng được lan tỏa đến mọi đối tượng doanh nghiệp niêm yết, đặc biệt ở nhóm vốn hóa nhỏ hiện còn cách biệt khá lớn so với 2 nhóm còn lại.

Quản trị công ty vẫn là điểm yếu

Điểm trung bình các phần của báo cáo năm 2020 so với năm 2019 có sự chênh lệch tương đối. Có thể thấy, sự sụt giảm trong kết quả điểm kinh doanh và tài chính và điểm quản trị công ty. Đặc biệt, phần điểm quản trị công ty giảm dưới mức trung bình, đạt 43,4%, đòi hỏi sự chú trọng hơn của doanh nghiệp để nâng cao chất lượng nội dung này trong bối cảnh quản trị công ty ngày càng cho thấy tầm quan trọng đối với sự phát triển của doanh nghiệp.

Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc Ban Tổ chức đã thay đổi về cách thức chấm điểm ở một số câu hỏi theo hướng đòi hỏi báo cáo phải cung cấp thông tin chi tiết và cụ thể hơn. Sự thay đổi này cũng nhằm định hướng doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến hoạt động quản trị công ty trong bối cảnh môi trường vĩ mô và nhu cầu đầu tư ngày càng phức tạp, đa dạng.

Điểm hình thức trung bình dù có tăng, nhưng hiện mới đạt 51,1% của thang điểm tối đa cho thấy doanh nghiệp đầu tư cho hình thức báo cáo chưa đồng đều, chủ yếu nằm ở nhóm doanh nghiệp lọt vào vòng chung khảo. Điểm về báo cáo liên quan đến môi trường và xã hội hiện là nội dung kém nhất, một phần do mới được đưa vào mẫu báo cáo thường niên vài năm gần đây, nhưng phải có sự bắt đầu thì tương lai mới có thể nhìn thấy sự thay đổi. Do đó, chúng ta hy vọng sẽ nhìn thấy những cải thiện trong thời gian tới.

Về chi tiết nội dung báo cáo, hầu hết các công ty đều đạt điểm cao ở các nội dung về thông tin công ty, ban lãnh đạo, cơ cấu cổ đông, kết quả kinh doanh trong năm, các chỉ tiêu tài chính, kế hoạch và định hướng kinh doanh, thông tin về quản trị công ty… là những thông tin cơ bản cho một báo cáo thường niên.

Tuy nhiên, các công ty lại rất dễ bỏ sót ở một số câu hỏi như thông tin người chịu trách nhiệm triển khai các chính sách về môi trường, danh sách thành viên Hội đồng quản trị đã có chứng chỉ đào tạo quản trị công ty hoặc danh sách các thành viên Hội đồng quản trị đã tham gia các chương trình về quản trị công ty trong năm… Theo đánh giá của Ban Tổ chức, các câu hỏi này chỉ mang tính trình bày thông tin, nhưng rất tiếc là khá nhiều công ty đã bỏ qua. Một số câu hỏi khác về ảnh hưởng của các yếu tố vĩ mô như tỷ giá hối đoái, lãi suất cho vay đến kết quả kinh doanh của doanh nghiệp… cũng không được nhiều công ty đánh giá và cung cấp thông tin.

Ngoài ra, năm nay, Ban Tổ chức đã thêm một số câu liên quan đến hoạt động quan hệ nhà đầu tư của doanh nghiệp, báo cáo có đánh giá việc thực hiện quản trị công ty theo các chuẩn mực khác như Thẻ điểm Quản trị công ty ASEAN hay CG Code… Do đây là câu hỏi mới bổ sung nên cũng chưa có nhiều doanh nghiệp đạt được điểm trong phần này. Để đạt điểm cao, ngoài việc cung cấp đầy đủ thông tin theo quy định, công ty cần có những phân tích, so sánh với năm trước, với các doanh nghiệp cùng ngành và cao hơn nữa là đánh giá tình hình thực hiện quản trị công ty dựa trên các chuẩn mực sẵn có.

Chưa chuyển biến

Tổng hợp lại, kết quả đánh giá Báo cáo thường niên năm 2020 chưa có sự chuyển biến so với 2019, nhóm doanh nghiệp dẫn đầu xu hướng với điểm đánh giá cao trên 90 điểm vẫn duy trì sự ổn định qua các năm, trong khi nhóm điểm cơ bản 50-70 điểm chưa có sự chuyển dịch lên nhóm trên. Đáng chú ý là nhóm điểm thấp (dưới 50 điểm) cần cải thiện còn chiếm tỷ trọng khá cao, lên đến 52,23%. Hai sở giao dịch chứng khoán đã có lưu ý đối với những doanh nghiệp này nhằm nâng cao chất lượng báo cáo thường niên hơn nữa.

Chương trình bình chọn doanh nghiệp niêm yết năm 2020 đã khép lại và hứa hẹn nhiều thay đổi ở các năm tiếp theo với mục tiêu nâng cao chất lượng công bố thông tin, quản trị doanh nghiệp và hướng tới phát triển bền vững.

Chương trình bình chọn doanh nghiệp niêm yết tiền thân là Cuộc bình chọn Báo cáo thường niên được đổi tên đến năm nay là năm thứ ba, gồm các giải thưởng cho các doanh nghiệp niêm yết ở các hạng mục Báo cáo thường niên, Quản trị công ty và Báo cáo Phát triển bền vững.

Năm 2020, việc dịch Covid-19 bùng phát đã làm ảnh hưởng đến các hoạt động trong nền kinh tế, các doanh nghiệp nói chung và Cuộc bình chọn nói riêng. Từ tháng 3, các hoạt động truyền thông về chương trình bình chọn được khởi động chủ yếu thông qua các kênh phương tiện truyền thông, trang web của 2 sở giao dịch chứng khoán và trang web chính thức của Cuộc bình chọn: www.aravietnam.vn.

Riêng với hạng mục Báo cáo thường niên, các báo cáo được chấm gồm báo cáo của các doanh nghiệp trong nhóm chỉ số VNX Allshare chốt tại kỳ tháng 4, chia làm 3 nhóm vốn hóa và loại trừ những doanh nghiệp bị nhắc nhở trên toàn thị trường và chậm nộp báo cáo.

Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM
Đặc san Doanh nghiệp niêm yết 2020

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục

VNIndex 1,177.4 -12.82 -1.09% 174,889 tỷ
HNX 222.63 -2.67 -1.2% 1,395 tỷ
UPCOM 87.51 -0.51 -0.59% 436 tỷ