Nhiều báo cáo đã phân tích kỹ các rủi ro, bao gồm rủi ro khách quan (rủi ro chính sách, rủi ro thị trường) và rủi ro chủ quan, tiềm ẩn trong chính hoạt động và năng lực quản lý, quản trị kinh doanh, điều hành hoạt động của doanh nghiệp. Biện pháp hạn chế rủi ro đã được đề ra một cách khá nghiêm túc. Các thông tin về bộ máy quản lý, về những thay đổi trong quản trị kinh doanh được cung cấp đầy đủ.
Nội dung mang tính cốt lõi, bắt buộc của một báo cáo thường niên là báo cáo tình hình tài chính được nhiều công ty trình bày đầy đủ, trung thực với ý kiến đánh giá và xác nhận của các tổ chức kiểm toán độc lập. Thực trạng tài chính không chỉ được thể hiện bằng các thông tin trên bảng cân đối kế toán, trên báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh, báo cáo lưu chuyển tiền tệ, mà bao gồm các thuyết minh, các tính toán và phân tích đánh giá về kết quả, hiệu quả kinh doanh, về tình trạng tài chính và những lý giải cần thiết mang tính định lượng của tình hình và nguyên nhân ảnh hưởng tới kết quả kinh doanh.
PGS.TS Đặng Văn Thanh, Chủ tịch Hội Kế toán và Kiểm toán Việt Nam, Thành viên Hội đồng bình chọn Doanh nghiệp niêm yết 2018
Về hình thức, nhiều báo cáo thường niên được trình bày khá công phu, với cấu trúc logic, cách trình bày thông tin, số liệu rất khoa học, đúng quy chuẩn, dễ hiểu, dễ so sánh, đối chiếu. Không ít báo cáo thể hiện tính trí tuệ, nghiêm túc trong trình bày từ nội dung, kết cấu, hình thức, cách biểu đạt thể hiện sự tự tin, tính khoa học và sự tôn trọng đối với người sử dụng báo cáo. Một số doanh nghiệp lớn, đạt giải cao trong những mùa bình chọn trước vẫn tiếp tục giữ vững được truyền thống, vị trí của mình trong mùa giải năm nay, như Bảo Việt, Vinamilk, FPT, Dược Hậu Giang...
Bên cạnh những báo cáo tốt, vẫn còn một số báo cáo sơ sài về nội dung, né tránh trình bày về thực trạng khó khăn của doanh nghiệp. Phần phân tích rủi ro và quản trị rủi ro còn mang nặng tính hình thức. Cá biệt, có báo cáo thường niên sắp xếp trình tự, kết cấu chưa thực sự logic, chưa khoa học, chưa đảm bảo tính cân đối của báo cáo.
Nhưng nhìn chung, việc tuân thủ các quy định trong Luật Kế toán của các doanh nghiệp niêm yết đã khá hơn rất nhiều, đặc biệt là thông tin và việc trình bày các thông tin trên các báo cáo tài chính và báo cáo tài chính hợp nhất. Việc trình bày các báo cáo tài chính đã tuân thủ các quy định và hướng dẫn của chuẩn mực kế toán. Tất nhiên, đối với báo cáo tài chính hợp nhất, cần phải có sự nghiên cứu và hiểu biết đầy đủ hơn cả cách lập và trình bày, đặc biệt là việc vận dụng chuẩn mực báo cáo tài chính quốc tế (IFRS 10, IAS 27).
Báo cáo thường niên là một trong những kênh thông tin quan trọng về hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp để nhà đầu tư, cổ đông ra quyết định đầu tư. Yêu cầu đặt ra là phải nâng cao hơn nữa chất lượng báo cáo thường niên, đảm bảo các thông tin chính xác, tin cậy và hữu ích.
Để đạt được mục tiêu này, trước hết, doanh nghiệp cần có nhận thức đúng về vai trò của báo cáo thường niên như là kênh thông tin quan trọng đối với cổ đông, nhà đầu tư, lãnh đạo doanh nghiệp và cả cơ quan quản lý nhà nước khi đưa ra quyết định đầu tư, kinh doanh và xây dựng chính sách. Việc trình bày và công khai báo cáo thường niên là nghĩa vụ, trách nhiệm và cũng là quyền lợi của chính các doanh nghiệp.
Trên cơ sở nhận thức ấy, cần có sự đầu tư công sức, trí tuệ của các chuyên gia, nhà quản lý, trong đó có những người có trách nhiệm của công ty khi lập báo cáo thường niên. Các thông tin giới thiệu về công ty trong báo cáo cần chọn lọc và trình bày đúng mức độ. Không nên đưa những thông tin hoặc hình ảnh mà người đọc dễ cho rằng đó là thông tin đánh bóng hoặc quảng cáo quá mức. Những thuyết minh về thông tin tài chính phải rõ ràng, đơn giản, dễ hiểu, những ý kiến nhận định, đánh giá phải đúng mức, có chiều sâu và có tính thuyết phục…