Giám sát tài chính doanh nghiệp nhà nước: Siêu ủy ban báo cáo chưa đủ

(ĐTCK) Báo cáo giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động doanh nghiệp năm 2018 được Bộ Tài chính công bố mới đây cho biết, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp là đơn vị duy nhất trong số 20 bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ gửi chưa đầy đủ báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước về Bộ Tài chính. Cơ quan này cũng là đơn vị duy nhất gửi chưa đầy đủ báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp về Bộ Tài chính.

“Tình trạng chậm trễ gửi báo cáo, gửi thiếu số liệu từ các đơn vị quản lý vẫn còn phổ biến gây khó khăn cho công tác tổng hợp thông tin, báo cáo xử lý kịp thời”, một lãnh đạo của Bộ Tài chính nhận xét.

Theo phản ánh của bộ này, mặc dù đã tiếp nhận thực hiện chức năng chủ sở hữu tại 19 tập đoàn, tổng công ty lớn với tổng doanh thu lên tới hơn 746,7 nghìn tỷ đồng, chiếm 55,45% tổng doanh thu khu vực doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước trên cả nước, song đến nay, “siêu ủy ban” vẫn chậm trễ trong việc báo cáo kết quả giám sát tài chính 16/19 tập đoàn, cũng như báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp đối với nhiều tập đoàn, tổng công ty trực thuộc năm 2018.

Trong khi đó, Bình Phước là tỉnh duy nhất chưa gửi báo cáo kết quả giám sát tài chính đối với doanh nghiệp nhà nước và doanh nghiệp có vốn nhà nước. Còn UBND TP.HCM là đơn vị duy nhất chưa gửi báo cáo đánh giá hiệu quả hoạt động và xếp loại doanh nghiệp.

Tổng hợp của Bộ Tài chính cho thấy, tổng lợi nhuận sau thuế của 143 doanh nghiệp 100% vốn nhà nước là 87.843 tỷ đồng; trong đó, Tập đoàn Viettel là 29.943 tỷ đồng, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) là 28.050 tỷ đồng.

Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của Viettel chỉ đạt 86,2% so với năm 2017 và PVN chỉ đạt 91,78% so với năm 2017.

Trong số này, có 52 đơn vị được chủ sở hữu đánh giá an toàn về mặt tài chính, 8 đơn vị được đánh giá là mất an toàn về tài chính; 5 đơn vị có dấu hiệu mất an toàn tài chính. Các đơn vị còn lại chưa được chủ sở hữu tổng hợp, đánh giá.

Đối với 66 doanh nghiệp có vốn nhà nước, báo cáo cho thấy, một số tập đoàn, tổng công ty được đánh giá là có kết quả kinh doanh khả quan sau cổ phần hóa và thoái vốn cũng giảm sút lợi nhuận.

Điển hình như Petrolimex lợi nhuận giảm tới 17,75% so với năm 2017, đạt 3.062 tỷ đồng trong năm 2018.

Đại gia ngành bia Sabeco đã thoái vốn cho tỷ phú Thái cũng không tránh khỏi giảm lãi với mức giảm tới 35,35% so với năm 2017, đạt 3.414 tỷ đồng trong năm 2018.

Trong 66 doanh nghiệp này, có 48 đơn vị kinh doanh có lãi, 7 đơn vị thua lỗ, 11 đơn vị không có báo cáo.

Đáng lo ngại, Bộ Tài chính cho biết, vẫn còn nhiều doanh nghiệp  trực thuộc Bộ, ngành và địa phương quản lý vẫn ngập chìm trong tình trạng thua lỗ, thậm chí rơi vào diện mất an toàn tài chính và cảnh báo có dấu hiệu mất an toàn tài chính, trong đó có doanh nghiệp có lỗ lũy kế lên tới hàng trăm tỷ đồng như Tổng công ty Sông Hồng, lỗ nghìn tỷ đồng như Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2). 

Bộ Tài chính thẳng thắn kiến nghị Thủ tướng chỉ đạo các cơ quan đại diện chủ sở hữu cần rút kinh nghiệm thực hiện nghiêm túc việc báo cáo giám sát tài chính và đánh giá hiệu quả hoạt động, trong đó có Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp trong việc báo cáo, giám sát doanh nghiệp theo đúng quy định.

Việc giám sát phải tập trung công tác giám sát ngay từ khi lập kế hoạch sản xuất - kinh doanh, lập dự án đầu tư, huy động vốn để đảm bảo hiệu quả sử dụng vốn nhà nước.

Bộ này cũng đề nghị thực hiện nghiêm việc xử lý trách nhiệm đối với người có trách nhiệm của cơ quan đại diện chủ sở hữu và cá nhân không thực hiện nhiệm vụ cơ quan đại diện chủ sở hữu, xử lý vi phạm người quản lý doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định về giám sát tài chính. 

Hiếu Minh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục