Giám sát chặt nợ xấu, cơ cấu lại nợ và có giải pháp tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh

0:00 / 0:00
0:00
Đây là nhiệm vụ được Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trong trạng thái bình thường mới.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều ngày 6/11 (Ảnh: Nhật Bắc) Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ chiều ngày 6/11 (Ảnh: Nhật Bắc)

Ngay sau khi Đoàn công tác tham dự Hội nghị COP26 và thăm làm việc tại Vương quốc Anh, thăm chính thức nước Cộng hòa Pháp do Thủ tướng Phạm Minh Chính dẫn đầu về đến Hà Nội trưa 6/11, với tinh thần quyết liệt, bắt tay ngay vào công việc, chiều cùng ngày, Thủ tướng đã chủ trì ngay phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 10/2021.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn - Người phát ngôn của Chính phủ, tại phiên họp, Chính phủ đã nghe, thảo luận kỹ và thống nhất cao về các nội dung về: Công tác phòng, chống dịch Covid-19; tình hình kinh tế-xã hội tháng 10, 10 tháng, giải pháp trong những tháng cuối năm 2021 và thời gian tới; Đề án thí điểm tách bồi thường, hỗ trợ, tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư, cùng một số nội dung quan trọng khác.

Về công tác phòng, chống dịch Covid-19, Chính phủ thống nhất nhận định, dưới sự lãnh đạo của Đảng, Nhà nước; với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị; sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các cấp, các ngành, các địa phương; sự đồng hành, chia sẻ của cộng đồng doanh nghiệp và sự ủng hộ tham gia tích cực, chủ động nhân dân cả nước, công tác phòng, chống dịch đã đạt những kết quả quan trọng góp phần tạo động lực, niềm tin để phục hồi kinh tế xã hội.

Dịch bệnh cơ bản được kiểm soát trên phạm vi toàn quốc; số ca tử vong giảm sâu; số bệnh nhân khỏi bệnh tăng; tốc độ tiêm vaccine được đẩy nhanh; cả nước từng bước thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; các hoạt động kinh tế, xã hội bắt đầu được mở cửa, phục hồi. Tổ chức Y tế Thế giới đánh giá cao tính hiệu quả, linh hoạt và sự ưu việt trong cách tiếp cận cũng như các giải pháp phòng chống dịch của Việt Nam.

Về tình hình kinh tế - xã hội tháng 10 và 10 tháng năm 2021, nhờ kiểm soát dịch bệnh, nền kinh tế từng bước mở cửa, hoạt động sản xuất, kinh doanh đang dần ổn định trong trạng thái bình thường mới, kinh tế - xã hội tháng 10 đã khởi sắc hơn so với tháng 9.

Kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số CPI tháng 10 giảm 0,2% so tháng 9; 10 tháng tăng 1,81% so cùng kỳ, thấp nhất từ 2016. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất có xu hướng giảm.

Sản xuất công nghiệp tiếp tục phục hồi. Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 10 tăng 6,9% so với tháng trước, 10 tháng tăng 3,3%. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Doanh nghiệp đăng ký thành lập mới tháng 10 tăng 111,2% về số lượng và tăng 73,9% về vốn so với tháng 9; số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng 29,8%. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 10 tháng tăng 22%, trong đó xuất khẩu tăng 16,6%; nhập siêu giảm mạnh so với 9 tháng.

Công tác an sinh xã hội được triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả; đời sống người dân nhìn chung ổn định (đã hỗ trợ gần 24,56 nghìn tỷ cho trên 26 triệu người; 5,16 triệu lao động từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp với số tiền 12,37 nghìn tỷ đồng). Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; quốc phòng, an ninh được giữ vững. Công tác đối ngoại, hội nhập quốc tế đạt những kết quả quan trọng.

Tuy nhiên, các thành viên Chính phủ cho rằng, bên cạnh những kết quả đạt được, nước ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ bùng phát trở lại. Kinh tế vĩ mô còn tiềm ẩn rủi ro và sức ép lạm pháp do nhiều mặt hàng tăng mạnh trên thi trường quốc tế và chỉ số lạm pháp ở nhiều nước tăng mạnh. Hoạt động sản xuất kinh doanh còn khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công thấp; một số chuỗi sản xuất, lao động chưa phục hồi; đời sống một bộ phận nhân dân gặp khó khăn, nhất là ở những địa bàn có dịch bùng phát...

Theo Bộ trưởng Trần Văn Sơn, kết luận cuộc họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính yêu cầu các cấp, các ngành, các địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc, nhất quán các nhiệm vụ, giải pháp để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội; trong đó tập trung vào một số nhiệm vụ trọng tâm, cụ thể:

- Phối hợp hài hòa giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, gắn với chương trình phục hồi và phát triển kinh tế; duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát; giám sát chặt chẽ nợ xấu; cơ cấu lại nợ và có giải pháp tín dụng để phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhất là các ngành, lĩnh vực, doanh nghiệp có khả năng lan tỏa về tăng trưởng. Tập trung thực hiện quyết liệt các nhiệm vụ, giải pháp thúc đẩy đầu tư công. Khẩn trương xây dựng, hoàn thiện Chương trình phục hồi kinh tế.

- Thúc đẩy hoạt động sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, duy trì chuỗi sản xuất, chuỗi cung ứng. Có giải pháp phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi. Ứng phó hiệu quả, hạn chế thiệt hại do thiên tai.

- Khai thông, phát triển mạnh thị trường trong nước. Bảo đảm cung cầu hàng hóa, chuẩn bị nguồn hàng dự trữ, không để thiếu hàng hóa. Tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường; quản lý, điều hành linh hoạt, hiệu quả về giá các mặt hàng thiết yếu. Nâng cao năng lực về phòng vệ thương mại. Từng bước mở cửa thị trường du lịch quốc tế gắn với áp dụng hộ chiếu vắc-xin, tạo điều kiện khôi phục thị trường du lịch.

- Tiếp tục chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, nắm chắc tình hình để có giải pháp an dân, ổn định xã hội; đẩy mạnh thực hiện các chính sách giảm nghèo bền vững. Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19; có giải pháp giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động, nhất là tại các khu vực sản xuất trọng điểm. Thực hiện kế hoạch năm học 2021-2022 linh hoạt, phù hợp với tình hình dịch bệnh, bảo đảm an toàn và chất lượng. Củng cố tiềm quốc phòng, an ninh. Tăng cường bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội; phòng, chống tội phạm, nhất là tội phạm lừa đảo.

Như Trung
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục