Tái cơ cấu ngân hàng không chỉ nhằm giảm nợ xấu

0:00 / 0:00
0:00
Kết quả của việc tái cơ cấu ngân hàng không phải là giảm nợ xấu, mà là làm cho hoạt động dịch vụ của ngân hàng đạt được mục tiêu hỗ trợ nền kinh tế và xã hội tốt hơn.

Tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng (TCTD) kết quả cuối cùng không phải là giảm nợ xấu, mà là làm cho hoạt động dịch vụ của ngân hàng đạt được mục tiêu hỗ trợ cho nền kinh tế và xã hội tốt hơn, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân, đại biểu Hoàng Văn Cường trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư.

Thưa ông, Quốc hội vừa đặt lên bàn nghị sự Kế hoạch Cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021 - 2025. Trong quá trình thẩm tra của Ủy ban Kinh tế về kế hoạch này, ông đã nhấn mạnh, cần quan điểm mới hơn về tái cơ cấu nền kinh tế?

Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân
Đại biểu Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Phó hiệu trưởng Trường đại học Kinh tế quốc dân

Theo quan điểm của tôi, tái cơ cấu nền kinh tế là thực hiện sắp xếp, bố trí lại mô hình phát triển, xác định tỷ lệ các ngành để từ đó phân bổ nguồn lực cho hiệu quả. Như vậy, mục tiêu tái cơ cấu là nhằm giúp cho tăng trưởng kinh tế, chứ không trùng với mục tiêu tăng trưởng. Để tăng trưởng, thì phải tái cơ cấu.

Giai đoạn trước, mục tiêu tái cơ cấu gần giống với mục tiêu tăng trưởng, dẫn đến khi đánh giá lại cả nhiệm kỳ, thì kết quả tăng trưởng và tái cơ cấu gần gần như nhau, không phân định được rõ ràng. Có thể có những nội dung tái cơ cấu được, nhưng chưa chắc mang lại ngay kết quả cho tăng trưởng, mà dài hạn hơn mới nhìn thấy kết quả. Vì thế, kế hoạch tái cơ cấu mới cần phân định rất rõ tái cơ cấu là làm những gì và mục tiêu cần đạt được đến đâu, thì mới tránh được những hạn chế của giai đoạn trước.

Với quan điểm này, trong tái cơ cấu không nên đặt mục tiêu tăng GDP hay CPI... cụ thể, nhưng phải đưa ra các chỉ tiêu về sự thay đổi tỷ trọng các ngành kinh tế lớn, như công nghiệp, nông nghiệp, thương mại, dịch vụ... Chẳng hạn, trong công nghiệp thì dừng ở gia công lắp ráp là chủ yếu hay chuyển sang sản xuất để tạo ra chuỗi giá trị khép kín. Công nghiệp sẽ sử dụng nhiều lao động như hiện nay, hay chuyển sang các ngành công nghiệp chế tạo để tạo ra các trụ cột cho nền kinh tế...

Hoặc với tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, thì không có nghĩa đơn thuần chỉ là cổ phần hóa, mà cần xác định lĩnh vực nào Nhà nước bắt buộc phải giữ lại, đầu tư nguồn lực thế nào để doanh nghiệp ở lĩnh vực đó tiếp tục giữ được vai trò của mình. Ngược lại, những lĩnh vực mà Nhà nước không nhất thiết phải giữ, thì phải tái cấu trúc, bán, cổ phần hóa, thậm chí ngay trong 1 doanh nghiệp có những khâu không cần thiết tồn tại, thì bỏ đi để dồn lực cho mục tiêu chính. Tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước không phải để lấy tiền về cho Nhà nước, mà mục tiêu là phân bổ lại nguồn lực đó để cái gì không cần thiết thì chuyển cho khu vực tư nhân.

Với lĩnh vực ngân hàng, nếu lại đưa mục tiêu giảm tỷ lệ nợ xấu vào kế hoạch, thì cũng không phù hợp. Tỷ lệ nợ xấu đúng là phản ánh chất lượng hoạt động của ngân hàng, nhưng tái cấu trúc hệ thống ngân hàng thì kết quả cuối cùng không phải là giảm nợ xấu, mà là làm cho hoạt động dịch vụ của ngân hàng đạt được mục tiêu hỗ trợ cho nền kinh tế và xã hội tốt hơn.

Ở lĩnh vực này, nói rộng ra là tái cấu trúc hệ thống cấp tín dụng, không chỉ có ngân hàng mới cấp tín dụng, mà còn các tổ chức tài chính vi mô, rồi cho phép các fintech hoạt động đến đâu. Hiện nay, các fintech có thể thay thế hoạt động ngân hàng cung cấp tín dụng cho các nhóm nhỏ. Các nhóm cho vay tín dụng đen sử dụng app để cho vay đó chính là tư nhân sử dụng công nghệ fintech, vậy Nhà nước có sử dụng công nghệ này để phát triển dịch vụ tài chính vi mô đến từng người dân được không. Như thế sẽ hạn chế được tín dụng đen.

Một vấn đề nữa là chúng ta có nghĩ đến đồng tiền số hay không, ở đây không nói đến Bitcoin, mà là đồng tiền số của Việt Nam. Nếu đặt ra như thế, thì mới tính đến tập trung nguồn lực cho ngân hàng làm gì để đạt được mục tiêu đó.

Liên quan đến tái cơ cấu ngân hàng, nhìn lại giai đoạn 2016 - 2020, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội có nhận xét cơ cấu lại các tổ chức tín dụng (TCTD), nhất là các ngân hàng thương mại yếu kém còn chậm, chi phí vốn còn cao. Hơn 3 năm trước, Tổng kiểm toán Nhà nước đã đề nghị phải tập trung giải quyết các ngân hàng mua lại bắt buộc càng sớm càng tốt, vì tại thời điểm đó mỗi năm đã lỗ cả ngàn tỷ đồng. Nhưng đến nay, đại biểu vẫn rất sốt ruột với tiến độ xử lý các ngân hàng này. Trong báo cáo của Ngân hàng Nhà nước gửi Quốc hội tại Kỳ họp thứ hai cũng chỉ thông tin “đang hoàn thiện phương án xử lý”. Vậy có khó khăn ở mức cần Quốc hội “ra tay” không, thưa ông?

Xử lý các ngân hàng nhỏ, yếu kém chỉ là một trong những nội dung của tái cơ cấu ngân hàng. Về cách thức xử lý, thì mua bán, sáp nhập, giải thể, phá sản đã có quy định của luật, nhưng vẫn chưa giải quyết dứt điểm được các ngân hàng này do có vướng mắc thuộc về quá khứ, đặc biệt về nợ xấu của các ngân hàng đó. Trước đây, không có quy chế quy trách nhiệm rõ ràng, nên để xử lý được, thì có thể cần nghị quyết của Chính phủ hoặc cao hơn là của Quốc hội cho phép đưa các khoản nợ xấu đó vào nợ xấu chung của hệ thống ngân hàng. Tôi cho rằng, vẫn có thể giải quyết, chứ không thể không giải quyết, cứ kéo dài mãi.

Tái cơ cấu ngân hàng luôn gắn với xử lý nợ xấu. Theo Ngân hàng Nhà nước, hành lang pháp lý cho hoạt động xử lý nợ xấu đã hình thành, nhưng được quy định rải rác ở nhiều văn bản, cần luật hóa các chính sách quy định tại Nghị quyết số 42/2017/QH14 để tiếp tục triển khai, áp dụng trong xử lý nợ xấu của các TCTD, theo hướng ban hành một luật riêng quy định về xử lý nợ xấu. Ông nghĩ sao về đề xuất này?

Nghị quyết số 42 của Quốc hội cho phép thí điểm một số chính sách quy định để xử lý nợ xấu của các TCTD, nếu kết quả thực hiện cho thấy có hiệu quả và không ảnh hưởng gì đến các bên liên quan, thì sửa Luật TCTD để tăng quyền của các ngân hàng lên. Tôi cũng nói lại, xử lý nợ xấu không phải là vấn đề của tái cấu trúc các TCTD. Tái cấu trúc nợ xấu là vấn đề nghiệp vụ của ngân hàng, không cần phải có luật riêng.

Nguyễn Lê
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục