Nợ xấu dềnh lên, tín dụng nhiều công ty tài chính suy giảm

0:00 / 0:00
0:00
Nợ xấu dềnh lên, tín dụng nhiều công ty tài chính suy giảm, nợ xấu không thể thu hồi, trong khi nguồn vốn dư thừa không thể tìm được kênh giải ngân khiến nhiều công ty tài chính lo lắng.
Do ảnh hưởng của Covid-19, tín dụng của HD SAISON cũng như các công ty tài chính khác gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Đ.T Do ảnh hưởng của Covid-19, tín dụng của HD SAISON cũng như các công ty tài chính khác gặp rất nhiều khó khăn. Ảnh: Đ.T

Covid-19 ảnh hưởng nặng đến công ty tài chính

Bà Phạm Thị Thanh Tùng, Phó vụ trưởng Vụ Tín dụng các ngành kinh tế (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, Covid-19 đang ảnh hưởng nặng nề đến các công ty tài chính. Tính đến hết tháng 9/2021, tổng dư nợ bị ảnh hưởng bởi Covid-19 lên tới 63.000 tỷ đồng (chiếm gần 40% tổng dư nợ). Điều này khiến nợ xấu của nhóm công ty tài chính vọt lên 9%, trong khi cuối năm 2020, tỷ lệ này chỉ 6% (tức mức nợ xấu tăng 33%).

Trong khi nợ xấu tăng nhanh, thì tín dụng 9 tháng đầu năm của nhóm công ty tài chính không tăng so với cuối năm (9 tháng đầu năm 2020, tín dụng của nhóm công ty tài chính tăng 2%).

Ông Nguyễn Đình Đức, Phó tổng giám đốc HD SAISON cho hay, khách hàng chính của các công ty tài chính là nhóm khách hàng yếu thế, bị tác động lớn nhất bởi Covid-19, do mất việc làm, không có thu nhập. Vì vậy, nợ xấu tại nhiều công ty tài chính tăng 30-40%. Trong khi đó, công tác thu hồi nợ của các công ty này rất khó khăn, khả năng đến quý I/2022 mới có thể hồi phục.

Cũng do tác động bởi dịch bệnh, tín dụng của nhiều công ty tài chính không tăng, thậm chí suy giảm, song với nguồn vốn “ế”, các công ty này không thể đầu tư giấy tờ có giá để tận dụng vốn, nên ảnh hưởng nghiêm trọng tới hiệu quả hoạt động.

Cùng chung nỗi băn khoăn này, một số công ty tài chính như Shinhan Finance, Lotte Finance, SHB Finance… đều kiến nghị Ngân hàng Nhà nước nới rộng phạm vi hoạt động của các công ty tài chính để đa dạng hóa dịch vụ, tối ưu hóa các nguồn lực, tăng doanh thu để từ đó kéo chi phí vốn, chi phí hoạt động xuống, làm tiền đề để giảm lãi suất cho vay, đồng thời có thể sử dụng dữ liệu khách hàng từ các dịch vụ khác để đánh giá năng lực tài chính cũng như hỗ trợ công tác thu hồi nợ…

Lý giải nguyên nhân tín dụng tăng chậm, mà lãi suất cho vay khối công ty tài chính vẫn cao, nhiều công ty tài chính cho hay, các doanh nghiệp này phải huy động vốn với lãi suất cao từ các ngân hàng, định chế tài chính, chi phí hoạt động và chi phí đầu tư lớn để “nuôi” mạng lưới điểm giới thiệu dịch vụ (hàng chục ngàn điểm), chi để đầu hạ tầng công nghệ (phục vụ số hóa hoạt động cho vay, thu nợ…).

Nhiều cơ chế với công ty tài chính chưa phù hợp

Nhìn chung, tăng trưởng tín dụng của các công ty tài chính trong 9 tháng đầu năm nay rất khó khăn, song với một số công ty tài chính, room tín dụng đã sớm cạn. Là công ty tài chính non trẻ (thành lập năm 2018), SHB Finance được cấp room tín dụng 12% trong năm nay, nhưng đã sớm hết room tín dụng ngay đầu quý II/2021.

Hay với công ty tài chính lớn như FE Credit, việc vừa hoàn tất chuyển nhượng 49% vốn cho Tập đoàn SMBC của Nhật Bản giúp ngân hàng mẹ thu về nguồn vốn khổng lồ và có thể phân bổ lượng vốn lớn cho công ty này tăng trưởng. Thế nhưng, với room tín dụng hàng năm ở mức hạn chế, Công ty rất khó tận dụng lợi thế mà thương vụ bán vốn này mang lại.

Dù quy mô lớn hay nhỏ, điểm chung mà các công ty tài chính gặp vướng mắc hiện nay là room tín dụng mà Ngân hàng Nhà nước cấp cho khối công ty tài chính còn thấp. Bên cạnh đó, theo bà Đỗ Thị Minh Hạnh, Phó tổng giám đốc Mcredit, việc Ngân hàng Nhà nước cấp room tín dụng muộn và lại phân bổ theo từng quý khiến các công ty tài chính rất bị động và khó khăn trong lập kế hoạch kinh doanh cho cả năm.

Nguyên nhân là, room tín dụng thấp, nên các công ty tài hính cần có thời gian để phân bổ tín dụng thật chặt chẽ và hiệu quả. Vì vậy, bà Hạnh đề nghị năm 2022, Ngân hàng Nhà nước nên phân bổ chỉ tiêu tín dụng sớm để các công ty chủ động kế hoạch kinh doanh.

Cũng liên quan room tín dụng, nhiều công ty tài chính cho hay, tỷ lệ nợ xấu trung bình của nhóm công ty tài chính nói chung là 8-9%, tại Việt Nam hiện nay ở mức trên 9% do đặc thù cho vay nhóm khách hàng yếu thế, dưới chuẩn, không có tài sản đảm bảo.

Tuy nhiên, Ngân hàng Nhà nước đưa ra chỉ tiêu nợ xấu với các công ty tài chính lại giống như nhóm ngân hàng thương mại (dưới 3%) là không phù hợp. Vì đưa ra chỉ tiêu nợ xấu không sát thực tế này, khi xem xét cấp chỉ tiêu tín dụng, các công ty tài chính thường bị cấp room hạn chế. Do vậy, các doanh nghiệp cho vay tiêu dùng đề nghị, Ngân hàng Nhà nước cần ban hành hành lang riêng cho nhóm công ty tài chính.

Một bất cập nữa liên quan đến chuyển đổi số của các công ty tài chính, theo bà Lê Thị Kim Hằng, Giám đốc Khối Pháp chế và Tuân thủ của Công ty Shinhan Finance, mặc dù các công ty tài chính đều áp dụng công nghệ số, định danh điện tử (eKYC)… để phục vụ cho vay, song hành lang pháp lý về hợp đồng điện tử, chữ ký điện tử… chưa hoàn thiện, khiến các công ty tài chính rất khó khăn.

Liên quan các vướng mắc của nhóm công ty tài chính, bà Nguyễn Thanh Tùng cho hay, Vụ Tín dụng các ngành kinh tế đang được Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giao nhiệm vụ rà soát hoạt động cho vay tiêu dùng của hệ thống ngân hàng, để trên cơ sở đó mở rộng hoạt động tài chính tiêu dùng tại Việt Nam. Tới đây, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp thu, sửa đổi hành lang pháp lý liên quan, như phân biệt tỷ lệ nợ xấu tại công ty tài chính, chuyển đổi số, đa dạng hóa hoạt động của nhòm công ty tài chính…

Ứng xử chính sách với công ty tài chính như với ngân hàng thương mại là không hợp lý

Mô hình công ty tài chính đòi hỏi cơ chế quản lý phải khác biệt với các ngân hàng thương mại. Trong các văn bản ban hành gần đây, Ngân hàng Nhà nước đã có xu hướng tách riêng đối tượng này với các tổ chức tín dụng khác. Tuy nhiên, quá trình này đòi hỏi nhiều thời gian, do yếu tố lịch sử để lại, đang tồn tại nhiều văn bản đan chéo nhau.

Thực tế, công ty tài chính có nhiều điểm khác biệt (nợ xấu, lãi suất, tín dụng…), nên ứng xử chính sách với công ty tài chính như với ngân hàng thương mại là không hợp lý, cần có chính sách đặc thù và phù hợp. Riêng với tín dụng, tôi ủng hộ quan điểm mở rộng hơn cho khối công ty tài chính. Kinh nghiệm của Thái Lan về phục hồi kinh tế sau suy thoái cho thấy, kích cầu bằng mở rộng tài chính tiêu dùng rất có hiệu quả.

Ông Lê Trung Kiên, Phó cục trưởng Cục Giám sát an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng, NHNN)

Hà Tâm
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục