Giám đốc chiếm đoạt tiền bằng kho hàng ảo lĩnh án 18 năm tù

(ĐTCK) Vụ án này từng được đưa ra xét xử nhiều lần, từng bị trả hồ sơ điều tra về hành vi của các cán bộ ngân hàng, về việc bán tài sản thế chấp của Công ty Vĩnh Xuân.
 
Các bị cáo hầu tòa. Các bị cáo hầu tòa.

Ngày 26/6, sau 2 ngày xét xử, TAND TP. Hà Nội vừa tuyên phạt bị cáo Thạch Tuấn Anh (SN 1972, nguyên Giám đốc công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Vĩnh Xuân) mức án 18 năm tù, Bành Đức Thắng (SN 1982, nhân viên) 10 năm tù, Lê Anh Quang (SN 1977, Giám đốc Công ty TNHH xúc tiến đầu tư thương mại A&A) 6 năm tù, Nguyễn Mạnh Hải (SN 1978, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Dịch vụ bảo vệ 24/7) 8 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Vụ án này từng được đưa ra xét xử nhiều lần, từng bị trả hồ sơ điều tra về hành vi của các cán bộ ngân hàng, về việc bán tài sản thế chấp của Công ty Vĩnh Xuân.

Theo cáo trạng, Công ty Vĩnh Xuân và Ngân hàng PGBank chi nhánh Thăng Long có quan hệ tín dụng từ năm 2008. Đến năm 2011, công ty còn dư nợ gốc tại PGBank là 35,9 tỷ đồng và 4 ngân hàng khác là 88,9 tỷ đồng.

Tài sản đảm bảo gồm hàng tồn kho trị giá 100,2 tỷ đồng, nợ phải thu khách hàng 12,4 tỷ đồng và tài sản lưu động 1,7 tỷ đồng.

Báo cáo tài chính thể hiện Công ty Vĩnh Xuân kinh doanh thua lỗ triền miên trong giai đoạn 2009-2012. Để có tiền trả nợ ngân hàng và duy trì hoạt động kinh doanh, Tuấn Anh đã chỉ đạo nhân viên lập phương án kinh doanh có lãi và điều chỉnh báo cáo tài chính từ lỗ thành lãi, sau đó gặp Giám đốc PGBank Thăng Long đề nghị tiếp tục vay vốn để kinh doanh thép không gỉ.

Để được ngân hàng tiếp tục cấp hạn mức và giải ngân tiền vay theo các hợp đồng, Tuấn Anh đã chỉ đạo Thắng lập các báo cáo tài chính từ năm 2008 – 2011, phương án kinh doanh để thể hiện công ty làm ăn có lãi, nhờ người đại diện theo pháp luật của các Công ty Vĩnh Bảo, A&A… để ký 21 hợp đồng khống, xuất 23 hóa đơn giá trị gia tăng bán khống cho Công ty Vĩnh Xuân số lượng 866.165 kg théo không gỉ các loại.

Thạch Tuấn Anh đã dùng hợp đồng khống lập hồ sơ vay vốn và được phía ngân hàng giải ngân cho vay hơn 52 tỷ đồng. Số tiền này, bị cáo đã sử dụng để trả cho các khoản vay của mình, trả nợ cho ngân hàng SHB, Navibank, chi phí cho một số hoạt động của công ty.

Đến hạn trả nợ, bị cáo mới trả được hơn 13 tỷ đồng và ngân hàng đã tổ chức bán tài sản thế chấp của Công ty Vĩnh Xuân, thu được số tiền hơn 16 tỷ đồng; số tiền còn lại hơn 22 tỷ đồng, cơ quan tố tụng cáo buộc bị cáo chiếm đoạt tiền vay ngân hàng.

Tòa án xác định bị cáo Thắng đã tham gia lập hồ sơ vay vốn khống, lập khống 23 biên bản kiểm kê hàng gửi kho và đến các công ty để nhận hợp đồng, hóa đơn giá trị gia tăng không để hoàn thiện hồ sơ gửi xin giải ngân của phía ngân hàng, giúp sức tích cực cho Tuấn Anh chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng.

Còn Lê Anh Quang (Giám đốc Công ty A&A) có hành vi ký 2 hợp đồng mua bán thép khống và xuất 2 hóa đơn giá trị gia tăng ghi bán khống cho Công ty Vĩnh Xuân 110.295 kg thép không gỉ, giúp sức để Tuấn Anh hợp thức hồ sơ đề nghị ngân hàng giải ngân, chiếm đoạt 7,5 tỷ đồng.

Nguyễn Mạnh Hải (Tổng giám đốc Công ty 24/7) đã ký khống 23 Biên bản kiểm kê hành gửi kho giúp Tuấn Anh hoàn thiện hồ sơ vin vay vốn để được ngân hàng giải ngân, giúp sức tích cực cho Thạch Tuấn Anh chiếm đoạt hơn 22 tỷ đồng.

Ngoài việc tuyên trách nhiệm hình sự, tòa án cũng buộc bị cáo Tuấn Anh phải bồi thường phải bồi thường toàn bộ số tiền trên cho ngân hàng.

HLinh

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục