Giải quyết vấn đề phát sinh do dịch bệnh, đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP

0:00 / 0:00
0:00
Công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự.
Ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao giới thiệu nội dung cơ bản của Luật. Ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao giới thiệu nội dung cơ bản của Luật.

Sáng 29/11 Văn phòng Chủ tịch nước đã họp báo công bố lệnh của Chủ tịch nước công bố Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự, đã được Quốc hội khoá XV thông qua tại kỳ họp thứ hai vừa qua.

Giới thiệu nội dung cơ bản của Luật này, ông Nguyễn Huy Tiến, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cho biết, việc xây dựng Luật là hết sức cần thiết để đáp ứng yêu cầu của Hiệp định CPTPP, bảo đảm đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP tại Nghị quyết số 72/2018/QH14 và giải quyết ngay những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn.

Việc sửa luật còn để giải quyết những vấn đề cấp bách phát sinh trong thực tiễn do thiên tại, dịch bệnh gây ra.

Theo đó, Luật đã bổ sung trách nhiệm kiểm tra, xác minh sơ bộ tố giác, tin báo về tội phạm đối với Công an xã (tương đương với trách nhiệm của Công an phường, thị trấn, đồn Công an).

Ngoài ra, Luật cũng bổ sung căn cứ tạm đình chỉ việc giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà có thẩm quyền giải quyết không thể kết thúc việc kiểm tra, xác minh để quyết định khởi tố hoặc không khởi tố vụ án.

Một sửa đổi nữa là bổ sung căn cứ tạm đình chỉ điều tra vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể kết thúc điều tra nhưng đã hết thời hạn điều tra; bổ sung căn cứ tạm đình chỉ vụ án hình sự vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh mà không thể tiến hành các hoạt động tố tụng để quyết định việc truy tố nhưng đã hết thời hạn quyết định việc truy tố.

Đồng thời, để bảo đảm áp dụng thống nhất, chặt chẽ, tránh lạm dụng, tạo thuận lợi cho việc hợp nhất Luật và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, Luật cũng quy định giao cho Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và thủ trưởng các cơ quan khác có liên quan quy định chi tiết việc tạm đình chỉ “vì lý do bất khả kháng do thiên tai, dịch bệnh”.

Trên cơ sở đó, các cơ quan tố tụng sẽ phải cân nhắc, xem xét thận trọng khi quyết định áp dụng căn cứ này đối với từng trường hợp cụ thể, hạn chế tối đa việc ảnh hưởng đến giải quyết vụ án, vụ việc khi được phục hồi.

Ông Tiến cũng cho biết, Luật đã bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của Bộ luật Hình sự để cho phép cơ quan tố tụng có thẩm quyền có thể khởi tố vụ án hình sự hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với cả nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý mà không cần có yêu cầu khởi tố của bị hại.

Đồng thời bãi bỏ nội dung dẫn chiếu tới Điều 226 của Bộ luật Hình sự để bỏ căn cứ không khởi tố vụ án hình sự trong trường hợp tội phạm quy định tại khoản 1 Điều 226 của Bộ luật Hình sự mà bị hại hoặc người đại diện của bị hại không yêu cầu khởi tố.

Ông Tiến nêu rõ, Hiệp định CPTPP chỉ đặt ra yêu cầu bỏ quy định khởi tố theo yêu cầu của bị hại đối với hành vi xâm phạm quyền sở hữu công nghiệp đối với nhãn hiệu theo khoản 1 Điều 226 Bộ luật Hình sự tại khoản 1 Điều 155 và khoản 8 Điều 157 Bộ luật Tố tụng hình sự.

Tuy nhiên, Luật sửa đổi theo hướng thực hiện cơ chế này đối với cả chỉ dẫn địa lý, để bảo đảm tăng cường bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp đối với chỉ dẫn địa lý tương tự như đối với nhãn hiệu, bảo đảm công bằng, thống nhất trong áp dụng chính sách hình sự và kỹ thuật lập pháp; phù hợp với xu thế tăng cường bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ nói chung, nhất là trong bối cảnh ngày càng hội nhập sâu và toàn diện vào nền kinh tế thế giới như hiện nay.

Luật Sửa đổi bổ sung một số điều của Bộ Luật Tố tụng hình sự có hiệu lực thi hành từ ngày 1/12/2021.

Nguyên Lê
Theo Baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục