Báo cáo của Bộ Công Thương cho thấy, hoạt động xuất khẩu hàng hóa của nước ta đang tận dụng khá hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do thế hệ mới như CPTPP và EVFTA.
Cụ thể, trong 9 tháng đầu năm 2021, kim ngạch xuất khẩu sang 6 quốc gia thành viên đầu tiên đã phê chuẩn Hiệp định CPTPP đều đạt mức tăng trưởng cao.
Xuất khẩu sang 6 thị trường này đạt 28,325 tỷ USD, tăng 16,9% so với cùng kỳ. Nhập khẩu sang 6 thị trường này đạt 26,848 tỷ USD, tăng 23%. Cán cân thương mại tiếp tục xuất siêu sang CPTPP. Mức xuất siêu trong 9 tháng là 1,504 tỷ USD.
Cả 6 thị trường CPTPP đều đã đạt được mức tăng trưởng xuất khẩu trong 8 tháng đầu năm 2021. Đây cũng là một tín hiệu rất tích cực thể hiện ta đã làm tốt công tác tận dụng cơ hội từ Hiệp định, đặc biệt trong bối cảnh xuất khẩu còn đối mặt với nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19.
Trong đó, xuất khẩu sang Canada đạt 3,909 tỷ USD, tăng 25,7% so với cùng kỳ; sang Mexico 3,320 tỷ USD, tăng 41,9%; sang Australia đạt 3,130 tỷ USD, tăng 18,4%; New Zealand 475 triệu USD, tăng 34,2%; Singapore đạt 2,804 tỷ USD, tăng 28,7%; Nhật Bản đạt 14,714 tỷ USD, tăng 5,1%.
Còn tính trong 8 tháng đầu năm, các tổ chức được ủy quyền đã cấp 34.160 bộ Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) CPTPP, trị giá đạt 1,55 tỷ USD, tăng 67,6% về lượng và 77,3% so với cùng kỳ năm trước.
Đối với khu vực thị trường EU, Việt Nam đã khai thác nhanh và hiệu quả FTA này, nhờ đó 9 tháng 2021, Việt Nam đã xuất khẩu sang thị trường EU lượng hàng hóa trị giá 28,8 tỷ USD, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước, nhập khẩu từ EU đạt 12,43 tỷ USD, tăng 17,5% nâng mức xuất siêu sang thị trường này lên 16,37 tỷ USD.
Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) giữa Việt Nam với 27 nước thành viên EU bước sang năm thứ 2 có hiệu lực là động lực đáng kể cho sự tăng trưởng xuất khẩu sang EU trong 9 tháng qua. Nhiều mặt hàng xuất khẩu đã tận dụng tốt EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu, tăng tận dụng ưu đãi thuế quan nhờ thỏa mãn quy tắc xuất xứ hàng hóa theo cam kết trong hiệp định.
Một số mặt hàng đạt mức tăng cao như: máy vi tính sản phẩm điện tử & linh kiện là mặt hàng đạt kim ngạch lớn và tăng mạnh sang thị trường EU, với trị giá đạt trên 4 tỷ USD, tăng 11%; Máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng khác tăng 54% đạt hơn 3 tỷ USD; dệt may ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng hơn 6%; giày dép ước đạt 3,5 tỷ USD, tăng hơn 19%....
Không chỉ tăng mạnh về xuất khẩu, nhiều ngành hàng cũng tận dụng được ưu đãi thuế nhờ đáp ứng tốt quy tắc xuất xứ thể hiện ở tỷ lệ tận dụng mẫu C/O EUR1 đạt gần 30% trong tổng kim ngạch xuất khẩu sang thị trường này.
Từ nay đến hết năm 2021, Bộ Công Thương tiếp tục tổ chức khai thác, tận dụng cơ hội từ các FTA để tìm giải pháp phát triển thị trường, trước mắt, tận dụng sự phục hồi của thị trường Mỹ và châu Âu để đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có thế mạnh như dệt may, da giày, điện tử, đồ gỗ, thủy sản…