Tác động tích cực “có lẽ không lớn lắm”
Tuyên bố của chính quyền Bắc Kinh về việc nộp đơn xin gia nhập Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) hôm 16/9/2021 đang thu hút sự quan tâm của thế giới nói chung và 11 nước thành viên CPTPP nói riêng, trong đó có Việt Nam.
Trung Quốc hiện là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ).
Số liệu mới nhất của Tổng cục Thống kê cho thấy, 8 tháng đầu năm 2021, kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam ước đạt 216,26 tỷ USD, chủ yếu gồm máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng, nguyên nhiên vật liệu và hàng tiêu dùng; trong đó, nhập siêu từ Trung Quốc đạt 72,5 tỷ USD, chiếm gần 34% tổng kim ngạch nhập khẩu và tăng 47,1% so với cùng kỳ năm 2020.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam xuất sang Trung Quốc một số mặt hàng công nghiệp chế biến, hàng nông sản, lâm sản, thủy sản với giá trị ước đạt 32,7 tỷ USD trong 8 tháng đầu năm 2021. Con số này chiếm 15% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian này (đạt 212,55 tỷ USD) và tăng 19,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, chuyên gia kinh tế nhận định, nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, tác động tích cực đến thương mại của Việt Nam “có lẽ không lớn lắm”. Bởi lẽ, Việt Nam đã có quan hệ thương mại tự do song phương với Trung Quốc. Ngoài ra, Việt Nam cùng Trung Quốc tham gia hai hiệp định thương mại tự do thế hệ mới khác là Hiệp định thương mại hàng hóa ASEAN - Trung Quốc (ACFTA) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), bao gồm 10 nước thành viên ASEAN và 5 quốc gia mà ASEAN đã ký hiệp định thương mại tự do (Australia, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, New Zealand).
“Việt Nam vẫn sẽ tiếp tục nhập khẩu nhiều nhất từ Trung Quốc, có chăng chỉ có lợi là từ nay một số nguyên phụ liệu nhập từ Trung Quốc để sản xuất hàng hoá xuất khẩu vào các nước CPTPP sẽ được hưởng ưu đãi nội khối về thuế, về các điều kiện tiếp cận thị trường”, ông Thịnh nói.
TS. Phạm Sỹ Thành, Giám đốc Chương trình Nghiên cứu chiến lược Mekong - Trung Quốc, VNUA cho biết, hiện nay, 9/11 nước thành viên CPTPP (ngoại trừ Canada và Mexico) đều đã có các hiệp định thương mại tự do song phương và khu vực với Trung Quốc, 7/9 nước này (ngoại trừ Chile và Peru) đều là thành viên RCEP, 4/7 nước này (ngoại trừ Nhật Bản, Australia và New Zealand) đều đã có hiệp định thương mại tự do khu vực với Trung Quốc thông qua ASEAN.
“Bởi vậy, các hấp dẫn về thuế quan không còn nhiều, ngay cả lợi thế của việc xuất xứ hàng hóa được cộng gộp cũng đã được giải quyết qua RCEP. Vì thế, CPTPP có thêm Trung Quốc sẽ mang nhiều ý nghĩa tượng trưng và mục đích chính trị hơn là lợi ích kinh tế có thể hy vọng”, TS. Thành nhận định.
Một lãnh đạo cơ quan quản lý nhà nước về thương mại nhận xét, việc Trung Quốc gia nhập CPTPP nếu như không có thoả thuận nào đặc biệt thì CPTPP trong mối quan hệ với Trung Quốc cũng chỉ như “một phiên bản khác của RCEP”.
Cân bằng lợi ích thương mại lâu dài
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, nếu Trung Quốc vào CPTPP, thương mại hai chiều của Việt Nam đều có thể bị ảnh hưởng. Cụ thể, thị trường xuất khẩu vào CPTPP sẽ bị thu hẹp do không cạnh tranh được với giá cả của hàng Trung Quốc (giá hàng hoá của Việt Nam cao hơn do phải nhập nguyên phụ liệu từ Trung Quốc). Từ đó, nhập khẩu nguyên phụ liệu từ Trung Quốc của Việt Nam cũng sẽ giảm do phải tìm nguồn nhập khẩu khác cạnh tranh hơn.
Đây cũng là lý do khiến TS. Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia kinh tế lưu ý, Việt Nam phải thận trọng cân bằng lợi ích thương mại lâu dài khi CPTPP có sự góp mặt của Trung Quốc.
“Khi Trung Quốc vào CPTPP, hàng hóa của Việt Nam sẽ không phải chịu thuế nhập khẩu của Trung Quốc và tăng lợi thế cạnh tranh cho hàng hóa Việt Nam bán tại Trung Quốc. Nhưng điều này cũng đồng nghĩa hàng nội địa sẽ phải cạnh tranh với hàng hóa Trung Quốc bán tại Việt Nam. Trong bối cảnh Việt Nam đang nhập siêu với Trung Quốc, có thể trong tương lai cán cân thương mại lợi thế sẽ nghiêng về phía nước này nhiều hơn”, TS Hiếu nhận định.
Ông Thân Đức Việt, Tổng giám đốc Tổng công ty May 10 - công ty cổ phần chia sẻ, hiện nay, May 10 nhập khoảng 50 - 60% nguyên phụ liệu ngành may từ Trung Quốc; sau đó xuất sang 3 thị trường xuất khẩu chủ lực là Mỹ, châu Âu và Nhật Bản. Nếu Trung Quốc vào CPTPP, doanh nghiệp sẽ được hưởng ưu đãi khi áp dụng quy tắc xuất xứ cộng gộp và có cơ hội mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc.
Tuy nhiên, ông Việt băn khoăn, khi CPTPP có Trung Quốc có thể xuất hiện rủi ro kim ngạch xuất nhập khẩu của May 10 với Mỹ và châu Âu bị ảnh hưởng.
“Xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ đang bị hạn chế và đánh thuế. Sau khi gia nhập CPTPP, Trung Quốc sẽ xuất khẩu vào các nước nội khối, bao gồm cả Việt Nam, để đi vòng xuất sang Mỹ. Đây là vấn đề mà doanh nghiệp Việt phải lưu tâm”, Tổng giám đốc May 10 nói.
Trung Quốc có thể sẽ làm CPTPP trở nên mất cân bằng. Khi các nước đều tìm cách tăng xuất khẩu sang thị trường của nhau, lợi thế đương nhiên thuộc về Trung Quốc, một đất nước luôn chuyên tâm xuất khẩu.
TS. Phạm Sỹ Thành khuyến nghị, Việt Nam nên tập trung vào vấn đề cải thiện tỷ lệ tận dụng hiệp định thương mại tự do. Tính toán của Bộ Công thương cho thấy, tỷ lệ này của Việt Nam trung bình chỉ đạt 30%.
Theo báo cáo đánh giá của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về kết quả 2 năm tham gia CPTPP, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang tất cả các đối tác CPTPP năm 2019 tăng trưởng trung bình 7,2%, thấp hơn mức tăng tổng xuất khẩu ra thế giới (8,4%). Tỷ lệ tận dụng ưu đãi thuế quan CPTPP của hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam năm 2019 chỉ đạt 1,67%.
Ngoài ra, năm 2019, tổng thu hút vốn FDI của Việt Nam từ tất cả các nguồn tăng 7,2% và tổng vốn đầu tư ra nước ngoài của các đối tác CPTPP tăng 51,3%, nhưng Việt Nam chỉ thu hút xấp xỉ 9,5 tỷ USD từ các nước CPTPP, giảm gần 36% so với năm 2018.
“Chỉ khi giải quyết được vấn đề của chính mình ở CPTPP thì những tác động từ việc tham gia hay rời đi của các thành viên trong khối mới ít mang lại tác động xáo trộn với Việt Nam”, TS. Thành nêu quan điểm.
PGS.TS Thịnh dự báo, một số ngành nghề xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giầy, linh phụ kiện điện tử, ti vi, tủ lạnh, máy tính… trong tương lai sẽ gặp khó khăn nếu Trung Quốc được phê duyệt vào CPTPP. Ngược lại, một số ngành có thể được hưởng lợi bao gồm ngành nghề công nghệ cao, sản xuất linh phụ kiện điện tử của hàng công nghệ cao. Việt Nam phát triển được mảng này thì vẫn có thể “qua mặt” Trung Quốc để tiếp cận thị trường EU và Mỹ.
Rau quả, nông sản cũng có thể được lợi vì đang là thế mạnh để Việt Nam xuất khẩu vào Trung Quốc, nếu có hiệp định đa phương, việc xuất khẩu sẽ được chuyển từ đường tiểu ngạch là chính sang đường chính ngạch.
Trong khi đó, TS. Nguyễn Trí Hiếu nhấn mạnh, nếu kịch bản Trung Quốc gia nhập CPTPP xảy ra, Việt Nam nên coi đây là cơ hội để giảm sự lệ thuộc nguồn cung vào Trung Quốc. Dịch bệnh Covid-19 bùng phát vừa qua đã cho thấy sự lệ thuộc của thế giới vào nền kinh tế Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
“Doanh nghiệp Việt cần tăng cường nâng cao chất lượng hàng hóa để bán sang Trung Quốc được nhiều hơn, vừa tận dụng ưu đãi về thuế nhập khẩu, vừa từng bước giảm lệ thuộc vào thị trường nhập khẩu, cân bằng lợi ích thương mại dài lâu”, ông Hiếu khuyến nghị.