Giải phóng nguồn lực
Phát biểu tổng kết Diễn đàn Phát triển bền vững đô thị Việt Nam 2022 chiều muộn ngày 17/6, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh đã gửi đi thông điệp, kiên quyết xóa bỏ mọi rào cản, vướng mắc để giải phóng các nguồn lực, nhất là từ đất đai cho phát triển đô thị và kinh tế khu vực đô thị.
“Tạo mọi điều kiện và khuyến khích các khu vực kinh tế, nhất là kinh tế tư nhân tham gia đầu tư phát triển đô thị. Trên cơ sở quy hoạch và kế hoạch phát triển đô thị, các địa phương cần dự kiến nguồn lực cho tổ chức thực hiện và có các cơ chế, chính sách để huy động các nguồn lực”, ông nhấn mạnh.
Thực tế vừa qua cho thấy, nhiều doanh nghiệp trong nước và quốc tế đã chủ động nguồn lực thành công.
Nhưng để thực hiện được mục tiêu là phát huy và khai thác tốt các nguồn lực từ chính đô thị để nuôi dưỡng và phát triển đô thị, trong đó quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.
Như vậy, không gian phát triển kinh tế đô thị sẽ phải cấu trúc lại, căn cứ vào lợi thế và định hướng phát triển để xác định các nhiệm vụ và giải pháp cụ thể.
Theo đó, các đô thị đặc biệt và các đô thị lớn cần chú trọng phát triển kinh tế dịch vụ, các ngành công nghiệp chế tạo tiên tiến và có tính chiến lược, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, kinh tế du lịch, thể thao.
Các đô thị nhỏ cần tập trung phát triển kinh tế gắn với chuỗi giá trị kinh tế nông nghiệp nông thôn và phát triển dịch vụ xã hội.
Khuyến khích phát triển các thị tứ, thị trấn nông - công nghiệp trên cơ sở các khu dân cư nông thôn hiện có trở thành các trung tâm dịch vụ, sản xuất, chế biến, cung cấp thực phẩm, nguyên liệu, chuyển giao công nghệ....
Chú trọng phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao tại các đô thị.
“Chính phủ và các bộ, ngành liên quan, các địa phương cần quan tâm đẩy nhanh việc di dời có trật tự các cơ sở sản xuất chế biến, chế tạo thâm dụng lao động, trung tâm logistic đầu mối, các cơ sở gây ô nhiễm môi trường hoặc có nguy cơ gây ảnh hưởng đến an toàn cho người dân ra khỏi khu vực trung tâm các đô thị lớn”, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị.
Cùng với đó là quy hoạch lại hệ thống bệnh viện, trường đại học, cao đẳng, cơ sở nghiên cứu, trung tâm logistic, trung tâm thương mại, chợ đầu mối, mạng lưới chợ dân sinh.
Sớm ban hành các chính sách khuyến khích và nhân rộng các mô hình khu kinh tế, khu công nghiệp sinh thái ven biển gắn với hình thành phát triển đô thị tại các địa phương ven biển, mô hình khu công nghiệp - đô thị - dịch vụ tại các đô thị;
Sớm thể chế hóa chủ trương “khuyến khích các đô thị xây dựng thương hiệu gắn với thúc đẩy phát triển kinh tế của đô thị” và “khuyến khích các đô thị hợp tác, xây dựng các trung tâm đổi mới sáng tạo gắn với các sản phẩm chiến lược và thế mạnh của địa phương”.
“Tôi đề nghị Bộ Tài chính sớm chủ trì, phối hợp các bộ liên quan nghiên cứu, hoàn thiện chính sách thuế, phí liên quan đến bất động sản nhằm khuyến khích sử dụng nhà, đất có hiệu quả; thực hiện phân quyền mạnh mẽ cho các chính quyền đô thị các khoản thu từ các loại thuế, phí; thí điểm, tiến tới mở rộng phân cấp cho các thành phố trực thuộc Trung ương và các đô thị khác đáp ứng các tiêu chuẩn, điều kiện được quyết định một số khoản thu đặc thù gắn với yêu cầu tăng cường trách nhiệm cung cấp dịch vụ đô thị”, ông Trần Tuấn Anh nói.
Ông cũng yêu cầu, đối với các đô thị đặc biệt (Hà Nội và TP.HCM), cần rà soát, xác định tỷ lệ nguồn thu giữ lại hợp lý hơn để bảo đảm phát huy vai trò của các đô thị là các cực tăng trưởng, động lực kinh tế của cả nước.
Phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị
Tổng kết các ý kiến tham luận tại Diễn đàn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị thực hiện phân cấp và phân quyền mạnh mẽ hơn cho chính quyền các đô thị, trước mắt là sớm chỉ đạo tổng kết việc thực hiện thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị tại Hà Nội, TP.HCM và Đà Nẵng và các cơ chế, chính sách riêng, có tính đặc thù đối với một số địa phương để làm căn cứ sớm hoàn thiện thể chế về chính quyền đô thị.
Liên quan đến hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách, Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị xây dựng Luật để quản lý phát triển đô thị bền vững.
Trước mắt, sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về phân loại đô thị bảo đảm tính tương thích, đồng bộ giữa quy hoạch tổng thể đơn vị hành chính và quy hoạch tổng thể hệ thống đô thị; nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế, chính sách, tiêu chuẩn, quy chuẩn riêng cho xây dựng và lựa chọn mô hình phát triển đô thị bền vững, phù hợp cho từng vùng, miền, đặc điểm các đô thị có tính đặc thù.
Cần khắc phục triệt để tình trạng nâng loại đô thị khi chưa đủ tiêu chí.
Bên cạnh đó, ông cũng yêu cầu cần tiếp tục hoàn thiện chính sách, pháp luật về đất đai, đầu tư, quy hoạch, kiến trúc, xây dựng, kinh doanh bất động sản, nhà ở,... Sớm hoàn thiện đồng bộ khung pháp lý cho phát triển đô thị thông minh, quản lý hạ tầng kỹ thuật đô thị và không gian ngầm đô thị.
Hoàn thiện pháp luật và các cơ chế, chính sách tạo thuận lợi cho các địa phương trong xử lý các vấn đề liên ngành, liên vùng như: Bảo vệ nguồn nước, kết nối hạ tầng, quản lý chất thải, sử dụng tài nguyên, đất đai, vận tải công cộng, hạ tầng số và logistic...; đầu tư vào kết cấu hạ tầng vùng và hạ tầng dùng chung, đặc biệt ở các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao.
“Tôi đề nghị Chính phủ và các bộ, ngành và địa phương quan tâm bố trí nguồn vốn ngân sách nhà nước tương xứng để bảo đảm thực hiện các mục tiêu của chính sách an sinh nhà ở; sớm ban hành các chính sách ưu đãi, khuyến khích đủ mạnh để thu hút nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng nhà ở, nhà cho thuê đối với người thu nhập thấp, thu nhập trung bình, cải tạo, chỉnh trang đô thị, xoá bỏ nhà tạm, khu ở phi chính thức, lụp xụp tại các đô thị”.
Đổi mới toàn diện quy hoạch đô thị
Trước đó, ông cũng nhấn mạnh khâu đột phá quan trọng nhất để xây dựng và phát triển đô thị bền vững là đổi mới toàn diện về phương pháp, quy trình, nội dung và sản phẩm quy hoạch đô thị. Theo đó, quy hoạch đô thị và phát triển kết cấu hạ tầng các đô thị phải đi trước một bước và tạo ra nguồn lực chủ yếu cho phát triển đô thị.
Trưởng ban Kinh tế Trung ương đề nghị Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ cần ưu tiên triển khai một số nhiệm vụ khoa học để cung cấp luận cứ cho đổi mới toàn diện lý luận về quy hoạch và phát triển đô thị trong điều kiện thực tế của Việt Nam, phù hợp với các vùng, miền trên địa bàn cả nước, đảm bảo phát triển không gian hợp lý, kiểm soát chặt chẽ việc sử dụng đất đai, dân số, lao động và nguồn nước nhằm tăng cường chất lượng, tính hiệu quả, khả thi và bền vững của đô thị trong các đồ án quy hoạch; chú ý về quy hoạch quản lý sử dụng không gian nổi, không gian ngầm và hệ thống công trình ngầm đô thị - đây là những vấn đề còn chưa được chú trọng trong thời gian qua.
Bộ Xây dựng và các địa phương cần thúc đẩy mạnh mẽ chuyển đổi số trong công tác quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị thông qua các chương trình, đề án ứng dụng rộng rãi hệ thống thông tin địa lý (GIS) và công nghệ số, nền tảng số trong quy hoạch và quản lý phát triển đô thị. Đồng thời, cần sớm chủ trì, phối hợp các bộ ngành liên quan và các địa phương xây dựng hệ thống dữ liệu toàn quốc về quy hoạch phát triển đô thị theo chủ trương đã nêu tại Nghị quyết 06.
Bên cạnh đó, ông Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, các cơ quan có thẩm quyền của Chính phủ cần ban hành các chính sách, chế tài, công cụ để kiên quyết xoá bỏ tình trạng quy hoạch treo, cơ chế “xin-cho”, lợi ích nhóm gắn với tư duy nhiệm kỳ và xử lý nghiêm minh đối với các sai phạm trong thực hiện quy định pháp luật về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển đô thị.