Xây dựng “siêu” dự án đường Vành đai 3, cơ hội để phát triển đô thị vệ tinh

0:00 / 0:00
0:00
Khi hình thành tuyến đường này sẽ tạo quỹ đất rất lớn dọc hai bên đường để khai thác tạo tiền đề kêu gọi đầu tư phát triển đô thị, công nghiệp.
Sơ đồ hướng tuyến đường vành đai 3, TP.HCM - Nguồn : Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM Sơ đồ hướng tuyến đường vành đai 3, TP.HCM - Nguồn : Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông TP.HCM

Giảm chi phí logistics

UBND TP.HCM vừa có tờ trình số 1666 gửi Chính phủ báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP.HCM. Theo báo cáo nghiên cứu tiền khả thi, dự án có tổng chiều dài 76,3 km đi qua 4 tỉnh, thành phố, trong đó TP.HCM 47,5 km, Đồng Nai 11,2 km, Bình Dương 10,7 km, Long An 6,8 km. Điểm đầu của dự án giao với đường cao tốc Bến Lức - Long Thành (thuộc địa phận huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai), điểm cuối giao với cao tốc Bến Lức - Long Thành (huyện Bến Lức, tỉnh Long An).

Đường vành đai 3, TP.HCM được đầu tư thành đường cao tốc loại A vận tốc thiết kế 100 km/giờ, được phân kỳ đầu tư theo nhu cầu vận tải và sự phát triển đô thị hai bên đường. Ngoài tuyến đường chính, dự án sẽ đầu tư đường song hành hai bên qua khu đô thị khu dân cư với quy mô 2-3 làn xe.

Dự án có tổng mức đầu tư 75.378 tỷ đồng được đầu tư bằng ngân sách Trung ương và địa phương, trong đó ngân sách trung ương giai đoạn 2021-2025 là 31.380 tỷ đồng, giai đoạn 2026-2030 là 14.322 tỷ đồng; còn lại là ngân sách địa phương. Tiến độ thực hiện từ năm 2022 đến 2027.

Sở dĩ dự án này Chính phủ phải trình Quốc hội vì đây là dự án cấp quốc gia có tổng mức đầu tư rất lớn và được coi là “siêu” dự án đường bộ ở khu vực phía Nam. Trong báo cáo, UBND TP.HCM cho rằng việc đầu tư đường vành đai 3 là rất cấp thiết vì hiện nay tuyến cao tốc TP.HCM – Long Thành, quốc lộ 22, quốc lộ 13 đều quá tải đặc biệt vào khung giờ cao điểm ở các cửa ngõ thành phố.

Thời gian tới khi sân bay Long Thành hoàn thành vào năm 2025, sân bay Tân Sơn Nhất được đầu tư nâng cấp với công suất 50 triệu hành khách/năm, tuyến cao tốc Bến Lức – Long Thành hoàn thành vào năm 2023 cùng với sự gia tăng dân số sẽ gây quá tải cho hệ thống hạ tầng giao thông của TP.HCM, nguy cơ cao về ùn tắc giao thông.

Do đó, đường vành đai 3 TP.HCM sẽ làm nhiệm vụ tiếp nhận và giải toả các luồng xe quá cảnh từ các tỉnh mà không đi qua trung tâm thành phố, khu vực đông dân cư, từ đó giảm tải cho các tuyến đường nội đô và cải thiện tình rạng giao thông của thành phố.

Khi có đường vành đai 3 giao thông hướng Tây Bắc – Đông Nam của TP.HCM và ngược lại có thể đi qua cao tốc Bến Lức- Long Thành để tiếp cận cao tốc TPHCM - Trung Lương

Hướng từ quốc lộ 13, quốc lộ 22 có thể tiếp cận khu vực cảng phía Đồng Nai, TPHCM qua đoạn Nhơn Trạch Tân Vạn. Đường vành đai 3 cũng tạo thêm một hướng kết nối giữa TPHCM với sân bay Long Thành ngoài cao tốc TPHCM - Long Thành.

Đối với vùng kinh tế phía Nam, đường vành đai 3, TP.HCM có vai trò kết nối vùng Đông Nam Bộ với Tây Nam Bộ và hành lang xuyên Á, kết nối trực tiếp cảng cạn (ICD) Long Bình với ICD Củ Chi, ICD khu công nghệ cao TP.HCM với ICD An Sơn (Bình Dương), giúp giảm chi phí logistics, giảm chi phí vận tải và thời gian lưu thông của các phương tiện vận tải. Đặc biệt, khi tuyến đường vành đai 3 TP.HCM hoàn thành sẽ nâng cao năng lực vận chuyển hàng hóa từ khu công nghiệp đến các cảng, thúc đẩy hoạt động xuất nhập khẩu và thu hút các nhà đầu tư.

Tạo đột phá, phát triển đô thị vệ tinh

Sở dĩ UBND TP.HCM kiến nghị sớm đầu tư đường vành đai 3 vì dự án này không chỉ giúp giảm chi phí logistics, tạo động lực phát triển kinh tế mà còn tạo đột phá phát triển các đô thị vệ tinh, giúp phân bố lại dân cư cho TP.HCM và các tỉnh lân cận.

Về phát triển đô thị, khi đường vành đai 3 hoàn thành sẽ mở ra hướng phát triển cho các đô thị vệ tinh như Nhơn Trạch (Đồng Nai); khu đô thị Tây Bắc Củ Chi (TP.HCM); khu đô thị Đức Hòa, Đức Huệ (Long An); Thành phố Thuận An (Bình Dương); Thành phố Thủ Đức (TP.HCM). Ngoài ra, dự án sẽ giúp phát triển các khu vực nông thôn như huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh của TP.HCM và Bến Lức (Long An).

Tuyến vành đai 3 TP.HCM khi hoàn thành sẽ tạo tiền đề cho các tỉnh mời gọi đầu tư phát triển đô thị, công nghiệp, thương mại, dịch vụ góp phần điều tiết, phân bố dân cư giảm áp lực của khu vực nội đô TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai.

Khi làm dự án này TP.HCM và các tỉnh lân cận đã đề xuất một loạt cơ chế chưa có tiền lệ để đẩy nhanh việc xây dựng, trong đó có đề xuất đấu giá quỹ đất dọc hai bên đường để có nguồn vốn xây dựng dự án. Với chiều dài 76 km và đi bao quanh TP.HCM việc bán đấu giá các quỹ đất dọc hai bên đường là hoàn toàn khả thi để làm khu đô thị, khu công nghiệp.

Nói về quá trình chuẩn bị đầu tư đường vành đai 3, Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi cho biết, trước đây dự án được đề xuất đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP). Tuy nhiên, sau khi tính toán thấy không hiệu quả nên chuyển sang đầu tư bằng vốn ngân sách thông qua đấu giá quỹ đất hai bên đường. Chủ tịch TP.HCM nhận định, việc xây dựng dự án đường vành đai 3 là động lực phát triển không chỉ riêng TP.HCM mà cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.

Lê Quân
baodautu.vn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục