Giải pháp tài chính - công nghệ, thúc đẩy hành trình chuyển đổi xanh

(ĐTCK) Ngày 21/04, tại Hà Nội, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cùng Công ty cổ phần FPT đã phối hợp tổ chức Hội thảo “ Hành trình chuyển đổi xanh và các giải pháp tài chính - công nghệ”.
Ông Trần Long - Phó tổng giám đốc BIDV phát biểu tại Hội thảo

Hội thảo quy tụ các diễn giả là những chuyên gia hàng đầu đến từ World Bank Việt Nam, Ernst & Young Việt Nam, BIDV, FPT; đồng thời thu hút hơn 100 doanh nghiệp tiên phong trong chuyển đổi ESG tham dự.

Hội thảo là diễn đàn kết nối tri thức chuyên sâu với hành động thực tiễn, nơi các doanh nghiệp không chỉ cập nhật những xu thế toàn cầu về chuyển đổi xanh, tiêu chuẩn báo cáo ESG quốc tế, mà còn học hỏi kinh nghiệm và chiến lược để biến ESG thành lợi thế cạnh tranh trong tiến trình hội nhập.

Hội thảo tiếp tục khẳng định vai trò tiên phong của BIDV trong hỗ trợ chiến lược phát triển bền vững của cộng đồng doanh nghiệp. Trong bối cảnh ESG ngày càng trở thành tiêu chuẩn toàn cầu, BIDV xác định tài chính xanh là công cụ chiến lược giúp doanh nghiệp tối ưu chi phí, gia tăng khả năng tiếp cận nguồn vốn ưu đãi dài hạn. BIDV đã ban hành các Khung tài chính bền vững theo các tiêu chuẩn quốc tế và được Moody’s đánh giá cao (như Khung khoản vay bền vững, Khung trái phiếu xanh, Khung trái phiếu bền vững), phát triển và mở rộng cung ứng các sản phẩm tài chính xanh (bao gồm khoản vay xanh, khoản vay liên kết bền vững, trái phiếu xanh, trái phiếu bền vững, tiền gửi xanh…).

Phát biểu tại Hội thảo, ông Trần Long, Phó tổng giám đốc BIDV nhấn mạnh: “Thông qua hội thảo, chúng tôi cung cấp thêm thông tin, góc nhìn từ các chuyên gia và kinh nghiệm thực tiễn về các giải pháp tài chính và công nghệ đáp ứng các yêu cầu của Chính phủ cũng như giúp doanh nghiệp xây dựng lộ trình chuyển đổi xanh phù hợp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh”.

Các diễn giả thảo luận tại Hội thảo

FPT cũng mang tới hội thảo nền tảng công nghệ hỗ trợ kiểm kê, đo lường và giảm phát thải khí nhà kính VertZéro, hướng tới xây dựng hệ thống báo cáo đạt chuẩn quốc tế như PCAF (Partnership for Carbon Accounting Financials) - bộ tiêu chuẩn đang được các tổ chức tài chính toàn cầu áp dụng rộng rãi. Theo đó, yếu tố then chốt để đáp ứng PCAF không chỉ là xác định đầy đủ phạm vi phát thải, mà còn là năng lực quản trị dữ liệu để đảm bảo dữ liệu minh bạch, nhất quán và kiểm chứng được.

Điều này đòi hỏi doanh nghiệp xây dựng hạ tầng dữ liệu bài bản, tích hợp thông tin giữa các đơn vị nội bộ, chuẩn hóa việc thu thập - xử lý - lưu trữ dữ liệu. Bên cạnh đó, FPT cũng đưa ra các khuyến nghị cụ thể trong quá trình xây dựng, sắp xếp dữ liệu để có sự chuẩn bị tốt nhất cho việc tiếp cận các nguồn vốn xanh từ các tổ chức trong nước và quốc tế. Đặc biệt, giải pháp VertZéro đã được FPT và BIDV hợp tác cung cấp (miễn phí có thời hạn và ưu đãi lên đến 25% sau thời gian miễn phí) cho tất cả các khách hàng doanh nghiệp của BIDV.

Với tinh thần cởi mở, Hội thảo đã lan tỏa năng lượng tích cực và khát vọng chuyển đổi. Phiên thảo luận chuyên sâu đã mang đến góc nhìn rõ nét về vị thế của Việt Nam trong hành trình xanh hoá, cơ hội phát hành trái phiếu ESG, cùng vai trò đồng hành của BIDV. Những chia sẻ thực tiễn từ Gemadept và các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp của World Bank đã tiếp thêm động lực để cộng đồng doanh nghiệp tự tin bứt phá.

Thành công của Hội thảo cũng là sự thể hiện cam kết mạnh mẽ của BIDV trong việc theo đuổi chiến lược “Ngân hàng xanh”, đồng hành cùng Chính phủ và doanh nghiệp trong hành trình chuyển đổi theo hướng bền vững.

Bám sát Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 - 2030 tầm nhìn 2050, BIDV đã xác định mục tiêu “hướng tới sự phát triển bền vững” xuyên suốt trong hoạt động ngân hàng, với thông điệp “tiên phong kiến tạo giá trị vững bền”. BIDV theo đuổi chiến lược định vị thương hiệu Ngân hàng Xanh; trở thành ngân hàng dẫn đầu thị trường về thực hành ESG (môi trường - xã hội - quản trị) và tài chính bền vững; dần tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế về tài chính xanh và thực hiện lộ trình chuyển đổi thành Ngân hàng phát thải ròng bằng “0” (Net-Zero Bank) vào năm 2045.

Trong thời gian qua, BIDV tăng cường hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn lực quốc tế như các chương trình đồng tài trợ, huy động vốn ODA, hỗ trợ kỹ thuật, tư vấn trái phiếu ESG. BIDV đã hợp tác với nhiều định chế tài chính quốc tế như AFD với hạn mức tín dụng khí hậu trị giá 50 triệu EUR, tài trợ cho các dự án ứng phó biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. BIDV hiện đang là đối tác tin cậy của các tổ chức như World Bank, ADB, JICA, JBIC… và là ngân hàng dẫn đầu thị phần (21%) trong huy động ODA và nguồn vốn ủy thác quốc tế tại Việt Nam.

Đồng thời, BIDV đã thiết lập quan hệ tài trợ với gần 50 tổ chức tài chính toàn cầu, với tổng hạn mức tín dụng sẵn có lên tới 4 tỷ USD, khẳng định năng lực tiếp nhận và triển khai hiệu quả các chương trình tài chính phục vụ mục tiêu phát triển bền vững. BIDV cũng cung cấp dịch vụ tư vấn ESG và kết nối doanh nghiệp với các đơn vị công nghệ, tổ chức chứng nhận nhằm tối ưu hoá hiệu quả thực thi chuyển đổi xanh.

Tính đến 31/12/2024, BIDV tài trợ cho 1.600 khách hàng với 1.982 dự án/phương án thuộc lĩnh vực xanh, dư nợ đạt 80.870 tỷ đồng, chiếm 12% thị phần tín dụng xanh trên thị trường. Với nền tảng về quy mô dư nợ xanh hiện tại, BIDV dự kiến sẽ tiếp tục tăng trưởng dư nợ, tỷ trọng tín dụng xanh và phấn đấu duy trì vị thế ngân hàng dẫn đầu về thị phần, quy mô tín dụng xanh cung cấp ra thị trường.

Nhuệ Mẫn

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục