Giải pháp quản lý dòng tiền: Tăng hiệu quả, giảm rủi ro cho doanh nghiệp

(ĐTCK) Các doanh nghiệp Việt Nam ít chú trọng vào công tác quản lý dòng tiền hơn so với các doanh nghiệp đa quốc gia. Do đó, chia sẻ với Đặc san Toàn cảnh ngân hàng, ông Aseem Goyal, Giám đốc Khối Tài trợ thương mại và quản lý dòng tiền khu vực tiểu vùng sông Mê Kông, Ngân hàng ANZ cho rằng, thử thách đầu tiên của các ngân hàng chính là việc giúp cho các doanh nghiệp trong nước hiểu về các lợi ích của quản lý dòng tiền và việc áp dụng như thế nào với từng doanh nghiệp cụ thể. 
Giải pháp quản lý dòng tiền: Tăng hiệu quả, giảm rủi ro cho doanh nghiệp

Theo ông, trong công tác quản lý dòng tiền tại các doanh nghiệp Việt Nam, đâu là điểm còn hạn chế?

Trước đây, các doanh nghiệp Việt Nam ít chú trọng vào công tác quản lý dòng tiền hơn so với các doanh nghiệp đa quốc gia. Tuy nhiên, hiện nay, điều này đang thay đổi, khi ngày càng có nhiều doanh nghiệp tập trung vào công tác quản lý dòng tiền, nhất là tại các tập đoàn lớn.

 Ông Aseem Goyal

Các giải pháp quản lý dòng tiền tập trung vào việc nâng cao tự động hóa, cũng như cải thiện hiệu quả trong việc quản lý các khoản phải thu và các khoản phải trả, giúp công ty có tầm nhìn và quản lý tốt hơn trạng thái dòng tiền của mình. Điều này sẽ cho phép các chức năng quản lý vốn và tài chính của công ty có được quy mô bền vững và đưa ra các quyết định tốt hơn. Tất cả những điều này giúp cho doanh nghiệp có thể tập trung nguồn lực vào những hoạt động cốt lõi của mình và thúc đẩy tăng trưởng, lợi nhuận cũng như quản lý thanh khoản.

Thử thách đầu tiên cho các ngân hàng chính là việc giúp cho các doanh nghiệp trong nước hiểu về các lợi ích của quản lý dòng tiền và việc áp dụng như thế nào với từng doanh nghiệp cụ thể. Ngay cả khi những điều này được hiểu rõ thì trong nhiều trường hợp, các doanh nghiệp cũng chưa thấy sự cấp bách phải thay đổi vì sẽ cần đầu tư về công nghệ và thay đổi những quy trình quản lý nguồn vốn hiện tại.

Tôi có thể lấy một ví dụ về việc đã từng gặp một doanh nghiệp lớn để thảo luận về việc tự động hóa các khoản phải thu của họ. Quy trình đối chiếu các khoản thu từ khách hàng của họ hoàn toàn làm bằng tay và chứng từ giấy. Doanh nghiệp này có một phòng ban khá lớn để xử lý công việc một cách thủ công như vậy. Tại thời điểm đó, công ty này cho rằng, nếu công việc nhiều hơn thì họ cũng có thể dễ dàng thuê thêm nhiều nhân công hơn và chưa nhận thấy cần phải thay đổi.

Gần đây, tôi có cơ hội gặp lại doanh nghiệp này, dù kết quả kinh doanh của họ vẫn tăng trưởng, nhưng điều dễ nhận thấy là quy trình thủ công kia không những khiến cho việc quản lý chi phí trở nên khó khăn, mà còn phát sinh những vấn đề lớn hơn về quy mô, sai số và tính không hiệu quả của quy trình đối chiếu.

Lần này, chúng tôi đã tư vấn chi tiết về những giải pháp tự động hóa nhằm giảm thiểu những công việc làm bằng tay, giảm sai số và giúp cho công ty có quy mô tốt hơn để có thể tập trung nguồn lực vào những hoạt động mang giá trị gia tăng.

Thực tế, ANZ luôn tập trung làm việc chặt chẽ với các doanh nghiệp nhằm giải thích rõ về những lợi ích, cũng như việc phát triển các giải pháp chuyên biệt dành riêng cho từng khách hàng, giúp họ có thể đạt được các mục tiêu của mình.   

Công nghệ hiện đại có thể hỗ trợ các doanh nghiệp Việt Nam như thế nào trong lĩnh vực này, thưa ông?

Công nghệ giúp mang lại những giải pháp tự động hóa trong tài trợ thương mại và quản lý dòng tiền, hỗ trợ doanh nghiệp đạt được các mục tiêu đề ra. Ngoài tự động hóa, công nghệ còn giúp cho doanh nghiệp có thể tối ưu hóa trạng thái dòng tiền, giảm chi phí và rủi ro, cũng như nâng cao tính an toàn, bảo mật.

Nhiều tập đoàn Việt Nam có không ít chi nhánh, công ty con và những công ty này có nhiều tài khoản trả hoặc nhận lãi suất. Qua các cấu trúc điều chuyển vốn tự động, công nghệ có thể giúp kết nối những tài khoản này, giúp doanh nghiệp tổng hợp số dư của tất cả các tài khoản hàng ngày trên một tài khoản chính. Điều này mang tới 2 lợi ích chính cho doanh nghiệp.

Thứ nhất, khi nguồn tiền được tập trung lại thì lãi suất nhận được sẽ cao hơn là các tài khoản đơn lẻ của các công ty con. Thứ hai, nếu có một công ty đang ở trạng thái nợ, công ty này có thể tận dụng trạng thái thừa tiền mặt của một công ty con khác và điều này sẽ giúp giảm chi phí lãi suất vay.

Một ví dụ khác về việc sử dụng công nghệ để nâng cao trải nghiệm dịch vụ của khách hàng là các khoản thanh toán quốc tế. Theo pháp luật Việt Nam, những khoản thanh toán này sẽ cần các chứng từ hỗ trợ, trong đó tờ khai hải quan sẽ bao gồm các chi tiết của hàng hóa nhập khẩu.

Hơn nữa, những tờ khai hải quan này sẽ phải thể hiện số tiền bằng hoặc ít hơn những khoản phải trả. Yêu cầu này khá phức tạp và mất nhiều thời gian cho cả khách hàng và ngân hàng nếu như được làm thủ công, vì chúng ta phải rà soát và kiểm tra những chứng từ có thể lên đến hàng trăm trang giấy cho một khoản thanh toán.

Trước thực trạng này, nhiều ngân hàng đã triển khai các dịch vụ hỗ trợ, trong đó, ANZ cũng có một giải pháp được gọi là giải pháp Thuế hải quan điện tử (eCD) sử dụng công nghệ và liên kết hiện có của chúng tôi với Tổng cục Hải quan. Chúng tôi có thể nhận được những thông tin khai hải quan trực tuyến nếu khách hàng cung cấp cho chúng tôi số tờ khai hải quan liên quan đến khoản thanh toán đó.

Nói cách khác, khách hàng sẽ không cần cung cấp các chứng từ giấy cho ngân hàng và điều này giảm thiểu đáng kể thời gian, công sức về giấy tờ cho cả khách hàng và nhà băng. Đây là một ví dụ về việc công nghệ hiện đại có thể giúp các doanh nghiệp Việt Nam nâng cao hiệu quả và giảm thiểu chi phí, cũng như rủi ro liên quan đến những quy trình thủ công.

Bên cạnh đó, công nghệ còn được sử dụng để nâng cao tính an toàn bảo mật trong hệ thống thanh toán. Những ngân hàng như ANZ thường cung cấp những hệ thống tinh vi có nhiều lớp bảo vệ và an toàn hơn rất nhiều so với phương thức thanh toán truyền thống qua chứng từ giấy.

Với những hệ thống này, các doanh nghiệp có thể sử dụng ngân hàng trực tuyến truyền thống hoặc nâng cao hơn tính an toàn và hiệu quả với giải pháp kết nối máy chủ với máy chủ (Host to Host - H2H). Giải pháp này cho phép hệ thống kế toán của doanh nghiệp có thể được kết nối trực tiếp với bộ phận nghiệp vụ của ngân hàng. Như vậy, doanh nghiệp có thể chủ động quản lý các giao dịch trên chính hệ thống kế toán của mình, thay vì trên nền tảng hệ thống của ngân hàng.

So sánh giữa chi phí và lợi ích khi đầu tư vào công nghệ mới trong quản lý dòng tiền, theo ông, việc đầu tư này có hợp lý hay không?

Thực tế, ANZ cũng như nhiều nhà băng có thể giúp doanh nghiệp tự trả lời được câu hỏi này thông qua các thảo luận chi tiết để tìm hiểu sâu về quá trình hình thành công ty, những vấn đề doanh nghiệp gặp phải, cũng như những mục tiêu chiến lược mà họ đề ra nhằm xây dựng giải pháp chuyên biệt dựa trên phân tích về chi phí và lợi ích. Phương thức này sẽ đảm bảo quyết định đầu tư xây dựng và triển khai giải pháp được dựa vào thông tin thực tế và nhận được sự chấp thuận của ban lãnh đạo doanh nghiệp.

Một ví dụ thực tế là chúng tôi đã áp dụng phương thức này với một công ty bảo hiểm lớn khi tư vấn giải pháp về đối chiếu các khoản phải thu. Sau đó, giải pháp này đã được vinh danh bởi một tạp chí quốc tế danh tiếng cho tính đột phá và tiên tiến trong lĩnh vực quản lý giao dịch khu vực tiểu vùng sông Mê Kông.

Trước đó, khách hàng này đã sử dụng quy trình rất thủ công cho công việc đối chiếu các khoản phải thu và họ cũng nhìn nhận rằng, điều này không bền vững cho sự phát triển của doanh nghiệp; đồng thời quy mô doanh nghiệp càng lớn thì vấn đề này sẽ càng trở nên khó khăn hơn, dẫn đến những chi phí về nhân lực, trong khi giảm chất lượng dịch vụ cho những sai số và lỗi do quy trình thủ công gây ra.

Sau khi xây dựng được một giải pháp chuyên biệt cho khách hàng, chúng tôi đã lên dự trù tổng chi phí cho giải pháp này bao gồm cả chi phí thiết lập ban đầu và chi phí quản lý cho một số năm tiếp theo. Khách hàng của chúng tôi sau đó cũng tính toán được các khoản chi phí mà họ có thể tiết kiệm được nhờ vào việc áp dụng giải pháp. Kết quả là lợi ích từ việc sử dụng giải pháp đã vượt lên trên chi phí đầu tư và trên thực tế, lợi tức đầu tư do khách hàng tính nội bộ đã cao hơn lợi tức tối thiểu mà khách hàng mong đợi.     

Chính vì thế, để đưa ra quyết định, chúng ta cần một phương thức tính toán dựa trên số liệu thực tế và những phân tích này có thể chi tiết đến đâu phụ thuộc vào mức độ phức tạp của giải pháp được triển khai.

Vấn đề quản lý dòng tiền tại các doanh nghiệp đa quốc gia thì sao, thưa ông?

Những vấn đề mà các doanh nghiệp đa quốc gia gặp phải không khác nhiều so với doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này có lợi thế là những giải pháp quản lý dòng tiền đã được triển khai tại doanh nghiệp của họ tại các thị trường phát triển. Vì thế, những lợi ích của quản lý dòng tiền được hiểu rất rõ và việc cần phải thiết lập hệ thống này trên mọi thị trường hoạt động mang tính cấp bách hơn.

Với việc sớm áp dụng những công nghệ hiện đại và giải pháp quản lý dòng tiền, càng ngày có càng nhiều doanh nghiệp đa quốc gia đòi hỏi những kết nối và giải pháp phức tạp hơn từ phía các ngân hàng. Ví dụ như giải pháp kết nối máy chủ với máy chủ. Mà điều này vẫn còn khá hiếm với các doanh nghiệp Việt Nam.

Nhuệ Mẫn thực hiện.
Đặc san Toàn cảnh Ngân hàng Việt Nam 2018

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục