Trao đổi với Đầu tư Chứng khoán, lãnh đạo nhiều ngân hàng cho biết, không phải các ngân hàng ngại cho DNNVV vay mà bản thân những vấn đề của DN này là rào cản khiến họ không tiếp cận được nguồn vốn ngân hàng. TS. Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam (VINASME) thừa nhận: “Các gói tín dụng dành cho DNNVV rất nhiều nhưng không cho vay được không phải do các ngân hàng gây khó khăn. Thậm chí các nhà băng rất sẵn sàng để cho vay”.
Ông Thân cho biết thêm, DN không vay được vốn ngân hàng hiện nay chủ yếu bởi còn gặp phải một số khó khăn, nhất là do không có tài sản đảm bảo, hồ sơ sổ sách không đầy đủ, thiếu báo cáo tài chính, năng lực quản trị điều hành và quản lý rủi ro yếu, khả năng chống đỡ trước các biến động môi trường kinh doanh và ngành nghề hạn chế và cần mức lãi suất vay hợp lý.
Ông Nguyễn Đình Thắng, Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank cho biết, tính đến 31/12/2017, dư nợ cho vay DNNVV của LienVietPostBank mới đạt khoảng hơn 12.000 tỷ đồng với hơn 15.000 khách hàng.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tỷ trọng các DNNVV năm 2017 tăng tới 6 điểm phần trăm so với năm 2012, trong khi tỷ trọng lao động giảm 0,8 điểm phần trăm cho thấy quy mô DN đang nhỏ dần. Tuy vậy, nhóm này lại chiếm tỷ trọng khoảng 97% tổng số DN đang hoạt động tại Việt Nam, hàng năm đóng góp khoảng 45% vào GDP cả nước và 31% tổng số thu ngân sách Nhà nước.
Thực tế, Chính phủ trong thời gian qua đã ban hành nhiều chính sách, giải pháp hỗ trợ các DNNVV phát triển, trong đó có Luật Hỗ trợ các DNNVV có hiệu lực từ ngày 1/1/2018. Cơ hội để các ngân hàng hỗ trợ vốn và cung cấp các sản phẩm dịch vụ ngân hàng tới các DNNVV sẽ tiếp tục mở rộng.
Nhận thức được vấn đề này, LienVietPostBank đã ban hành nhiều chương trình, sản phẩm để hỗ trợ các DNNVV từ các sản phẩm tín dụng như: tài trợ dự án, gói sản phẩm quỹ bảo trì đường bộ, cho vay nông nghiệp công nghệ cao, cho vay xây lắp, tài trợ thương mại, bảo lãnh và cam kết hỗ trợ tài chính, bao thanh toán đến các sản phẩm huy động, dịch vụ như: tiền gửi ký quỹ, tiết kiệm/tiền gửi bảo toàn và dịch vụ: thu/chi hộ tại quầy, quản lý dòng tiền tập trung…
Đặc biệt, tuần qua, LienVietPostBank đã ký kết Thỏa thuận hợp tác khung với VINASME. Theo đó, việc ký kết thỏa thuận hợp tác sẽ giúp hai bên cung ứng các giải pháp hỗ trợ phát triển, mang lại lợi ích cho cộng đồng DNNVV, đặc biệt là các hội viên Hiệp hội trong việc tăng cường cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng, các sản phẩm, dịch vụ tài chính với chính sách ưu đãi của LienVietPostBank như: Hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp kinh doanh; chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành doanh nghiệp hoặc phát triển hoạt động kinh doanh; nâng cao năng lực quản lý tài chính và quản trị kinh doanh; đổi mới sáng tạo, áp dụng các phát minh sáng chế, đầu tư phát triển các công nghệ khoa học kỹ thuật cao trong sản xuất hàng hóa dịch vụ.
Ông Thắng cho biết, trên cơ sở Thỏa thuận hợp tác, hai bên sẽ xây dựng cơ sở dữ liệu khách hàng, các chương trình sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng ưu đãi, phù hợp nhất cho hội viên VINASME trên toàn quốc; cung cấp dịch vụ ngân hàng số với chi phí hợp lý; tìm kiếm và kêu gọi nguồn vốn từ Chính phủ, các quỹ trong và ngoài nước và các tổ chức tài chính quốc tế, giúp hội viên tham gia chương trình tín dụng của LienVietPostBank, nâng cao năng lực hoạt động của DN, hướng tới xây dựng cộng đồng DNNVV phát triển bền vững và lành mạnh theo mục tiêu của Chính phủ.
“Với thế mạnh là ngân hàng thương mại cổ phần duy nhất có mạng lưới phủ sóng toàn bộ các tỉnh thành trong nước, có định hướng bán lẻ và năng lực công nghệ, đặc biệt là sản phẩm Ví Việt, LienVietPostBank sẽ cung cấp dịch vụ tài chính nhanh chóng, thuận tiện và rộng khắp cho các doanh nghiệp, góp phần nâng cao vai trò của VINASME, đóng góp vào chủ trương thúc đẩy sự phát triển DNNVV của Chính phủ.
“Để triển khai các nội dung trong Thỏa thuận hợp tác, hai bên sẽ xem xét thành lập Tổ nghiên cứu để cụ thể hóa từng nội dung hợp tác, tổ chức kiểm tra, giám sát và theo dõi, đánh giá kết quả, hiệu quả triển khai chương trình hợp tác”, ông Thắng nói.