Mục sở thị cách công ty mẹ gọi vốn

(ĐTCK) Có nhiều cánh cửa giúp các doanh nghiệp tìm vốn trong quá trình kinh doanh, nhưng với các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tập đoàn - chỉ có hoạt động đầu tư, quản lý phần vốn góp vào các công ty con, công ty thành viên thì làm thế nào để gọi được vốn? 
Mục sở thị cách công ty mẹ gọi vốn

Làm cách nào để quản lý dòng tiền của các công ty thành viên để tối ưu hóa dòng tiền của tập đoàn? Câu hỏi này được bà Võ Anh Tú, Quyền Giám đốc tài chính Tập đoàn PAN (PAN Group) đặt ra trong cuộc hội thảo “Đảm bảo tài chính bền vững” được Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) và Trường đại học Hawaii tổ chức mới đây.

Ông Lưu Trung Thái, Tổng giám đốc MB chia sẻ, các công ty hoạt động theo mô hình tập đoàn, trong đó có PAN, có hoạt động chính là quản lý đầu tư vào các công ty con, công ty liên kết.

Vì không có hoạt động kinh doanh trực tiếp, nên bài toán vay vốn ngân hàng cần một cách giải khác cách ký kết các hợp đồng tín dụng với ngân hàng.

Theo ông Thái, quy định hiện nay chỉ cho phép ngân hàng thương mại được cho vay đầu tư cổ phiếu tối đa 5% vốn chủ sở hữu. Đây là hạn mức chặt chẽ, nên với các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tập đoàn, thay vì ký hợp đồng tín dụng, cách hợp lý hơn là tài trợ vốn qua phát hành trái phiếu.

Các ngân hàng có thể tư vấn việc phát hành trái phiếu và đứng ra phân phối số trái phiếu đó giúp doanh nghiệp và dòng tiền từ trái phiếu có thể giúp các doanh nghiệp chủ động phân bổ vào các hoạt động đầu tư cho công ty con, công ty liên kết của mình.

Để gọi vốn bằng trái phiếu, ông Thái cho biết, doanh nghiệp phải hoạt động kinh doanh đủ vững và có niềm tin của nhà đầu tư vào khả năng quản lý của doanh nghiệp. Ngoài cách gọi vốn bằng trái phiếu, dòng vốn tín dụng cũng có thể chảy vào doanh nghiệp thông qua việc tài trợ trực tiếp cho các công ty con. Khi đó, chủ thể đứng trong quan hệ vay là các công ty con của tập đoàn.

Quan sát trên TTCK Việt Nam cho thấy, nhiều doanh nghiệp chọn hoạt động theo mô hình tập đoàn, điển hình như Tập đoàn Vingroup (có 79 công ty con, 7 công ty liên kết); CTCP Tập đoàn Masan (20 công ty con, 2 công ty liên kết); CTCP Hoàng Anh Gia Lai (34 công ty con, 3 công ty liên kết), CTCP Tập đoàn PAN (có 7 công ty con, 2 công ty liên kết)…

Tại các doanh nghiệp này, trái phiếu là một công cụ quan trọng để giải bài toán vốn. Chẳng hạn, tại Vingroup, từ nhiều năm nay, các khoản tài trợ vốn cho hoạt động của Tập đoàn có thể đến từ việc phát hành trái phiếu trong nước và quốc tế.

Báo cáo lưu chuyển tiền tệ quý I/2018 của doanh nghiệp cho biết, Tập đoàn đã ký hợp đồng vay vốn trị giá 300 triệu USD với các bên thu xếp tín dụng nước ngoài. Hợp đồng đáo hạn năm 2021, chịu lãi suất biên 5%/năm và lãi suất cho vay liên ngân hàng London (Libor), được đảm bảo bởi cổ phần của một nhóm công ty con.

Trong nước, thông tin mới được ghi nhận trong báo cáo quý I/2018 của Vingroup cho biết, Công ty TNHH Chứng khoán Kỹ thương là đơn vị tư vấn phát hành trên 11.510 tỷ đồng trái phiếu cho Tập đoàn. Trái phiếu có ngày đáo hạn từ tháng 11/2018 đến tháng 2/2026.

Về lãi suất của khoản vay này, thuyết minh báo cáo tài chính riêng Tập đoàn viết: “Lãi suất huy động tiết kiệm trung bình kỳ hạn 12 tháng trả sau bằng VND + biên độ 5%/năm; lãi suất từ 7,75 - 10,50%/năm”.

Tại CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HAG), báo cáo tài chính cuối quý I/2018 cũng ghi nhận các khoản vay của HAG chủ yếu là trái phiếu. Trong 10.521 tỷ đồng tiền vay tại ngày 31/3/2018, có trên 9.000 tỷ đồng là doanh nghiệp vay qua công cụ trái phiếu.

Hàng loạt tổ chức tài chính đã tham gia thu xếp phát hành trái phiếu cho HAG, trong đó lớn nhất là Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam cùng Công ty Chứng khoán BSC thu xếp 5.876 tỷ đồng; Công ty Chứng khoán ACBS thu xếp 540 tỷ đồng; Công ty Chứng khoán Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng thu xếp 991 tỷ đồng; Công ty Chứng khoán Phú Gia thu xếp 930 tỷ đồng…

Với các tập đoàn đã niêm yết cổ phiếu, danh tính các chủ thể tài trợ vốn được công bố khá minh bạch trong các báo cáo tài chính định kỳ. Tuy nhiên, với các tập đoàn chưa chịu áp lực công bố thông tin hàng quý, nhà đầu tư không dễ nhìn thấy bức tranh về dòng tiền tài trợ cho các hoạt động của công ty mẹ - công ty con.

Giáo sư tài chính Eric Mais, Giám đốc Chương trình MBA toàn cầu Trường đại học Hawaii đánh giá, quản lý hiệu quả dòng tài chính của công ty mẹ và công ty con là một bài toán hóc búa với tất cả các doanh nghiệp hoạt động theo mô hình tập đoàn.

Ở vị thế công ty mẹ, điều cần làm nhất là xây dựng văn hóa minh bạch, một hệ thống kế toán chuẩn mực, nhất quán trong toàn tập đoàn vì đây là “xương sống” cho việc quản trị tài chính. Bên cạnh hoạt động đầu tư, công ty mẹ cần hỗ trợ các công ty con làm tốt công tác dự báo dòng tiền.

Khi bức tranh tài chính của tập đoàn minh bạch, nhất quán và được dự báo tốt trong từng mắt xích, sẽ tạo điều kiện cho dòng chảy của tiền thông suốt như những mạch máu trong một cơ thể khỏe mạnh. Ngược lại, sự trục trặc ở bất kỳ khâu nào cũng có thể là mầm mống tạo nên những khó khăn, có khả năng ảnh hưởng đến cả hệ thống.         

Tường Vi

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục