Dự án “đói vốn” nhưng giải ngân không được
Báo cáo trước UBND TP.HCM về tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công năm 2017, ông Sử Ngọc Anh, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM cho biết từ đầu năm tới nay, tổng kế hoạch vốn ngân sách nhà nước đã giao cho TP trong năm 2017 là 26.183 tỷ đồng. Tính đến hết ngày 31/7/2017, tổng số vốn TP đã giải ngân là 13.214 tỷ đồng, đạt 50,5% tổng kế hoạch giao.
“Cụ thể, vốn ngân sách Trung ương có kế hoạch là 722 tỷ đồng, tính đến ngày 31/7/2017 giải ngân tỷ lệ 22,0%. Vốn ODA do Trung ương cấp phát theo kế hoạch 4.034 tỷ đồng, giải ngân 2.901 tỷ, chiếm 71,9%, vốn ngân sách TP kế hoạch 26.183 tỷ đồng, giải ngân được 9.589 tỷ đồng, chiếm 50,5%”, ông Sử Ngọc Anh cho biết.
Ông Sử Ngọc Anh, cho biết tính đến 31/7/2017, tổng số vốn ngân sách Trung ương đã giải ngân là 722 tỷ đồng, đạt 22% kế hoạch vốn đã giao, trong đó vốn ngân sách Trung ương bổ sung cho các dự án chống ngập sử dụng nguồn SCIC (33 dự án) là 12.494 tỷ đồng. Đầu tư 2 dự án bệnh viện tuyến cuối là 658,017 tỷ đồng, hoàn vốn Trung ương đã tạm ứng cho chương trình mục tiêu đầu tư xây dựng Khu công nghệ cao TP là 52,130 tỷ đồng.
Lý giải về nguyên nhân giải ngân thấp, ông Anh cho biết TP được giao kế hoạch vốn đợt 2 năm 2017 để thực hiện 2 dự án xây dựng các bệnh viện tuyến cuối (bệnh viện Nhi đồng TP cơ sở 2 và bệnh viện ung bứu cơ sở 2) theo quyết định số 612/QĐ-BKHĐT ngày 28/4/2017 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là 3.200 tỷ đồng.
Sau khi các cơ quan tài chính hoàn tất công tác nhập Hệ thống thông tin quản lý ngân sách và kho bạc (TABMIS), chủ đầu tư là Ban quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Y tế đã tiến hành thực hiện công tác giải ngân.
Ngoài ra, Ban Quản lý đầu tư xây dựng công trình thuộc Sở Y tế cũng đang tích cực làm việc với Bộ ngành nhằm hoàn tất các thủ tục đầu tư để có cơ sở triển khai thực hiện và giải ngân các dự án theo quy định. Dự kiến từ nay đến cuối năm sẽ giải ngân đạt 90% kế hoạch vốn ngân sách Trung ương được giao.
Còn đối với vốn ODA do Trung ương cấp, tính đến ngày 31/7/2017, Thành phố đã thực hiện giải ngân vốn ODA là 2.901 tỷ đồng, đạt 71,9% so với kế hoạch vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao.
“Hiện nay, tổng nhu cầu vốn ODA cho các dự án trên địa bàn TP năm 2017 là khoảng 7.700 tỷ đồng. So với tổng kế hoạch vốn ODA do Trung ương cấp phát cho thành phố chỉ đáp ứng được khoảng 50%.
Trách nhiệm để vốn không giải ngân được người lãnh đạo đầu ngành phải chịu trách nhiệm giải trình vì sao không giải ngân hết trước UBND TP, báo cáo nào không tốt sẽ gửi trả về yêu cầu báo cáo lại
- Phó chủ tịch UBND TP.HCMTrần Vĩnh Tuyến
Với số vốn bố trí nêu trên, TP khó có thể triển khai và đưa các dự án vào khai thác sử dụng đúng thời gian để phát huy hiệu quả kinh tế - xã hội của TP, ảnh hưởng đến tiến độ thanh toán hợp đồng quốc tế đã ký kết, dễ gây phát sinh khiếu nại và các khoản tiền phạt lãi do chậm thanh toán”, ông anh nói.
Đối với vốn Ngân sách TP.HCM, tổng số vốn giải ngân đến hết 31/7/2017 là 9.589 tỷ đồng, đạt 50,8% kế hoạch vốn thành phố giao. Qua rà soát, Sở Kế hoạch và Đầu tư nhận thấy một số nguyên nhân chủ yếu ảnh hướng tới công tác giải ngân kế hoạch vốn như việc từ đầu năm đến nay, TP đã bố trí vốn cho 78 dự án bồi thường giải phóng mặt bằng (Không bao gồm công tác bồi thường nằm trong dự án đầu tư xây dựng) với tổng kế hoạch vốn đã giao là 1.900 tỷ đồng (chiếm 10% tổng kế hoạch vốn giao đợt 1/2017), đến nay đã giải ngân được 861 tỷ đồng, đạt 45% kế hoạch vốn giao…
Đại diện phía chủ đầu tư dự án, nhiều đơn vị cho rằng cái khó nhất hiện nay đó là ngân sách. Theo ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý đường sắt đô thị TP.HCM, nhu cầu vốn ODA cho tuyến Metro số 1 trong năm 2017 là 5.400 tỷ đồng, trong khi Trung ương cấp vốn hơn 2.000 tỷ đồng. Số tiền này chỉ đủ để trả nợ cho nhà thầu trong năm 2016 và một số tháng đầu năm 2017. Hiện nhà thầu thông báo giãn, ngưng tiến độ nếu không được thanh toán, ảnh hưởng đến tiến độ chung của Dự án.
Ngoài ra, nhiều đơn vị còn cho rằng, việc dự án cấp bách, nguồn vốn mà TP giải ngân cho quận, huyện hay ban ngành quản lý dự án. Nhưng cuối cùng tiền vào két sắt cơ quan rồi để đó, không giải ngân cho dự án phát triển xây dựng. Đơn cử như tại các dự án chống ngập, tiền ngân sách đã giải ngân cho Ban quản lý, nhưng dự án vướng thủ tục nên không thể giải ngân.
Không giải ngân, mang tội với nhân dân
Đó là khẳng định của ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó chủ tịch UBND TP.HCM khi nghe những báo cáo trên từ Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các trưởng ban dự án. Sau khi nghe báo cáo, ông Tuyến cho rằng, tỷ lệ giải ngân vốn 7 tháng qua của Thành phố đạt 50,5% là thấp.
Trong khi đó, lãi suất ưu đãi của vốn ODA gần hết, một số dự án có vốn nhưng không giải ngân hết, gây lãng phí. TP tính phương án huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong dân và vốn từ đất đai với khoảng 22.000 tỷ đồng đề đầu tư hạ tầng giao thông.
Theo ông Tuyến, muốn TP phát triển thì việc đầu tư hạ tầng giao thông là việc cấp bách, chính vì vậy không nói đầu tư hạ tầng chung chung nữa mà nói đầu tư hạ tầng trọng điểm, sau đó mới phát triển kinh tế, xã hội. Chính vì vậy nguồn vốn ưu tiên của TP hiện nay là nguồn vốn phát triển hạ tầng giao thông theo hướng xã hội hóa, song hành hai bên đường là phát triển đô thị và trung tâm thương mại.
“Là trung tâm kinh tế của cả nước, giai đoạn 2006 – 2020, nhu cầu đầu tư của TP.HCM lên đến 850.000 tỷ đồng. Trong khi, ngân sách thành phố chỉ đáp ứng được 20%, tỷ lệ giữ ngân sách giảm từ 23% xuống còn 18%. Trong tình hình đó, việc xã hội hoá nguồn vốn đầu tư từ doanh nghiệp có ý nghĩa rất quan trọng. Thành phố đang triển khai thành lập Quỹ Phát triển dự án (PDF) và Quỹ bù đắp tài chính (VGF) để hỗ trợ tài chính cho các dự án thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP)”, ông Tuyến nói.
Cũng theo ông Tuyến, nguồn vốn luôn khan hiếm là vậy, trong khi các ngành đầu năm xin nguồn vốn để giải ngân thực hiện các dự án, tuy nhiên tới cuối năm thì không đơn vị nào thực hiện giải ngân hết nguồn vốn đã xin.
“Tôi đề nghị thủ trưởng các đơn vị ban ngành phải nghiêm chỉnh rút kinh nghiệm việc này. Trách nhiệm để vốn không giải ngân được người lãnh đạo đầu ngành phải chịu trách nhiệm giải trình vì sao không giải ngân hết trước UBND TP, báo cáo nào không tốt sẽ gửi trả về yêu cầu báo cáo lại. Không thể cứ ôm cục tiền vốn rồi cất đi, cuối năm dùng không hết trả lại, gây lãng phí lớn cho TP”, ông Tuyến nói.
Ngoài ra, việc sử dụng vốn phải hợp lý, hiệu quả với dòng vốn ngân sách, mà ngân sách là tiền thuế của nhân dân. Chính vì vậy, nếu sử dụng nguồn vốn không hiệu quả thì mang tội với nhân dân. Việc giám sát giải ngân nguồn vốn này sẽ do HĐND TP, HĐND các quận, huyện giám sát rồi báo cáo cho lãnh đạo UBND TP biết để xử lý.
Đối với nguồn vốn ngân sách Trung ương, cần đẩy nhanh tiến độ giải ngân, xây dựng. Đơn cử như hai bệnh viện nhi đồng, ung bứu của TP do nguồn vốn Trung ương cấp cần đẩy nhanh tiến độ xây dựng và giải ngân để cuối năm đạt trên 90%. Trung tâm chống ngập thì cũng phải tiến hành nhanh các thủ tục xây dựng những gói thầu xây dựng công trình chống ngập toàn Thành phố để còn giải ngân vốn. Đối với nhóm A phải có báo cáo cho UBND TP đúng quy định, chính xác.
Đối với đề xuất các quận có tuyến Metro số 2 đi qua, lãnh đạo các quận có tuyến đường sắt đi qua cho rằng không biết đơn vị nào là đầu mối chính để báo cáo ngân sách cần cho việc giải phóng mặt bằng bởi theo luật thì Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các Sở ngành khác nhau quản lý… Với vấn đề này, ông Tuyến cho biết các quận phải làm đề án cụ thể và trình UBND TP trong vòng 7 ngày.
Không để tình trạng không biết thẩm quyền của ai, để rồi quyết không dám quyết, trình cũng không dám trình và cứ để đó khiến dự án “đứng hình” mãi. Có vướng mắc, lãnh đạo các quận cứ trình cho UBND TP xem xét, tìm hướng giải quyết, bên cạnh đó cần sự đồng thuận của nhân dân với lãnh đạo TP tiến hành làm và quyết toán với tuyến Metro số 2.