Rà soát, sửa đổi nhiều quy định đẩy nhanh kế hoạch giải ngân vốn đầu tư công

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ tại cuộc họp Tổ công tác đẩy nhanh giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016.     
Một phần vốn dư của Dự án Quốc lộ 1 được sử dụng để xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa Quốc lộ 7B, Quốc lộ 1 với đường sắt Bắc Nam. Ảnh: Đức Thanh Một phần vốn dư của Dự án Quốc lộ 1 được sử dụng để xây dựng cầu vượt tại nút giao giữa Quốc lộ 7B, Quốc lộ 1 với đường sắt Bắc Nam. Ảnh: Đức Thanh

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 60/NQ-CP ngày 08/7/2016 về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch đầu tư công năm 2016. Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện số 2144/CĐ-TTg ngày 29/11/2016 về đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2016 và thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch đầu tư công trung hạn 2016 - 2020 và Kế hoạch đầu tư công năm 2017.

Các bộ, ngành, địa phương cơ bản đã quán triệt và thực hiện nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Tiến độ giải ngân vốn đầu tư công năm 2016 đã được cải thiện đáng kể nhưng vẫn thấp hơn năm 2015 và chưa đạt kế hoạch đề ra.

Thời gian giải ngân vốn kế hoạch năm 2016 không còn nhiều. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo thực hiện quyết liệt những nhiệm vụ, giải pháp đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao.

Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan liên quan tiếp tục rà soát các vấn đề vướng mắc liên quan đến quy định pháp luật về đầu tư công; lưu ý xác định rõ vướng mắc là do quy định trong văn bản pháp luật (luật, nghị định, thông tư), do nhận thức của cán bộ trong áp dụng và thực thi pháp luật, do sự thiếu chuyên nghiệp và trì trệ của bộ máy hành chính, do sự phối hợp thiếu chặt chẽ của các bộ, ngành...; tổng hợp, báo cáo và đề xuất với Thủ tướng Chính phủ trong Quý I năm 2017 giải pháp sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với thực tế.

Các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát việc thực thi pháp luật về đầu tư công, nhất là thành lập ban quản lý khu vực, ban quản lý chuyên ngành; khắc phục kịp thời các khó khăn, vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, trong công tác phối hợp giữa các bộ, ngành trong triển khai thực hiện các dự án đầu tư công.

Bộ Xây dựng khẩn trương phối hợp với Văn phòng Chính phủ rà soát, hoàn thiện dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 59/2015/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trước ngày 31/12/2017.

Các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính kiểm soát chặt chẽ việc kéo dài thời gian thực hiện và giải ngân vốn từ năm 2016 sang năm 2017 của các dự án đầu tư công; chỉ xem xét, đề xuất Thủ tướng Chính phủ cho phép kéo dài đối với những trường hợp thực sự cần thiết và có nguyên nhân khách quan.

Bộ Giao thông vận tải, Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo rõ tình hình triển khai thực hiện từng dự án đã được phân bổ vốn trái phiếu Chính phủ còn dư của Dự án cải tạo, nâng cấp quốc lộ 1A và đường Hồ Chí Minh đoạn qua Tây Nguyên; trường hợp không đủ điều kiện giải ngân ngay thì khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ cắt giảm hoặc điều chuyển vốn cho dự án khác.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ: Tư pháp, Tài chính, Xây dựng khẩn trương đề xuất việc sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định của pháp luật về đầu tư công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 10950/VPCP-PL ngày 16/12/2016 của Văn phòng Chính phủ.

Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thực hiện kiểm điểm trách nhiệm đối với các đơn vị, cá nhân cản trở, gây chậm trễ trong giải ngân vốn đầu tư công (kể cả việc thay thế cán bộ trong trường hợp cần thiết), gửi kết quả thực hiện đến Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Như Chính

Tin liên quan

Tin cùng chuyên mục